Kết quả xây dựng mô hình nhân rộng CSA trên cây hồng không hạt tại Yên Minh

Cây Hồng không hạt ở Yên Minh được trồng chủ yếu tại các xã Na Khê, Bạch Đích, Hữu Vinh... với 95% là giống Hồng xã Na Khê (hay còn gọi là Hồng không hạt Na Khê) là một trong những cây ăn quả đặc hữu có giá trị kinh tế cao của vùng này. Do phù hợp với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng của địa phương, nên quả Hồng không hạt khi vừa chín sẽ có hương vị ngọt thanh, độ giòn vừa phải, vị thơm rất riêng so với những loại hồng nơi khác; quả chín có màu vàng ánh xanh lục, nhẵn bóng, độ dầy của vỏ vừa phải, phù hợp với sở thích của người tiêu dùng. Vì vậy, mỗi khi vào mùa, Hồng không hạt Yên Minh luôn cung không đủ cầu.

Hướng dẫn bà con chăm sóc, cắt tỉa, tạo tán cây hồng của xã.

Hướng dẫn bà con chăm sóc, cắt tỉa, tạo tán cây hồng của xã.

Tuy nhiên, việc trồng Hồng của người dân vẫn mang tính quảng canh, dựa vào kinh nghiệm là chủ yếu, ít đầu tư chăm sóc; đặc biệt, trong thời kỳ kinh doanh và sau mỗi kỳ thu hoạch bổ sung các chất dinh dưỡng chưa kịp thời, cộng với sự tàn phá của các loài dịch hại, nên sản lượng và diện tích Hồng không hạt giảm đáng kể so với trước đây. Trong năm 2019, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã tổ chức xây dựng mô hình thực hành nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu (CSA) với diện tích 30 ha trên cây Hồng không hạt tại xã Na Khê.

Hiện nay, huyện Yên Minh có gần 200 ha Hồng không hạt chủ yếu là giống địa phương; trong đó có hơn 50 ha cho thu hoạch, góp phần xóa nghèo cho người dân, tuy nhiên do chưa được áp dụng quy trình canh tác hiện đại nên năng suất chưa cao, sâu bệnh hại cũng đang tác động xấu đến cây Hồng không hạt. Do đó, việc mở rộng diện tích kết hợp với quy trình canh tác tiên tiến hiện đại là rất cần thiết để phát triển bền vững.

Được sự hỗ trợ của của Dự án cải thiện nông nghiệp có tưới (WB7) tỉnh Hà Giang, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã xây dựng nhân rộng mô hình CSA trên cây Hồng không hạt với diện tích 30 ha tại xã Na Khê, với sự tham gia chủ động của người dân từ lựa chọn giống, trồng, chăm sóc. Dự án hỗ trợ kỹ thuật, giống, phân bón sinh học dạng lít và các vật tư cần thiết khác. Toàn bộ sản phẩm người dân được hưởng, đồng thời được tập huấn, chuyển giao kỹ thuật, giải đáp thắc mắc, nguyện vọng của người sản xuất trong quá trình trồng và thâm canh cây Hồng không hạt theo VietGAP. Để triển khai mô hình, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã tiến hành tham vấn xây dựng kế hoạch thực hiện mô hình theo 5 bước cụ thể, chi tiết, phù hợp, khoa học có giám sát, hướng dẫn và đánh giá ưu và khuyết điểm cũng như kết quả đạt được của mô hình.

Trao đổi với chúng tôi ông Phàn Chỉn Lìn, thôn Thèn Phùng, xã Na Khê cho biết: Đảng và Nhà nước đã hỗ trợ phân bón, được cán bộ hướng dẫn cho chúng tôi về kỹ thuật để tạo tán, cắt tỉa cành, chăm sóc đầy đủ; vì vậy hiện nay cây thấp, không cao, rất thuận tiện cho việc thu hái quả cũng như chăm sóc. Đặc biệt hiệu quả và thu nhập tốt hơn so với các năm trước.

Qua hơn 1 năm triển khai đã góp phần giảm thiểu từ 10 - 15% lượng phân bón vô cơ, giảm thiểu dịch bệnh nên cây sinh trưởng và phát triển tốt.

Mối liên kết giữa chính quyền địa phương với người nông dân - người nông dân với nhau được tăng cường hơn. Dựa trên những kết quả đạt được, mô hình trồng mới cây Hồng không hạt phù hợp với định hướng phát triển của tỉnh nói chung và huyện Yên Minh nói riêng, dự kiến trong năm 2020 huyện sẽ xem xét nhân rộng mô hình lên 60 ha tại một số địa phương có điều kiện thuận lợi.

Bài, ảnh: Nông Bình Nhu (Trung tâm Khuyến nông)

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/khoa-hoc-cong-nghe/201911/ket-qua-xay-dung-mo-hinh-nhan-rong-csa-tren-cay-hong-khong-hat-tai-yen-minh-752508/