Khai thác những lợi thế khác biệt của việc học online

Trong bối cảnh COVID-19 mang đến nhiều nỗi lo, việc học online là một trong những lựa chọn tốt nhất để trẻ 'ngừng đến trường nhưng không ngừng học tập'. Tuy nhiên, làm thế nào để phát huy hiệu quả của việc học online? Câu hỏi ấy đã và đang khiến nhiều giáo viên, phụ huynh trăn trở. Phóng viên Báo Quảng Trị vừa có cuộc trò chuyện với Giám đốc Trung tâm Sáng tạo - Kỹ năng Zuna Edu, thành phố Đông Hà TRẦN TRUNG DŨNG về vấn đề này.

- Thưa anh! Được biết, Trung tâm Sáng tạo - Kỹ năng Zuna Edu vừa tổ chức thành công khóa học online “21 ngày con đột phá”. Đề nghị anh chia sẻ về những tín hiệu vui từ khóa học này?

- Cũng như nhiều công ty khác, khi COVID-19 nảy sinh và diễn biến phức tạp, Trung tâm Sáng tạo - Kỹ năng Zuna Edu chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn. Trước thử thách đó, chúng tôi đã trăn trở, suy nghĩ các giải pháp để thích ứng với tình hình. Cuối cùng, trung tâm đã quyết định chuyển đổi số các chương trình đào tạo. Đến giờ, hơn 80% chương trình đào tạo của chúng tôi được thực hiện dưới hình thức online. Điều đáng mừng là sau quá trình thử nghiệm liên tục trong thời gian dài, chúng tôi đã dần hoàn thiện và rút ra nhiều kinh nghiệm.

Trong các chương trình của trung tâm diễn ra vào thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp, khóa học online “21 ngày con đột phá” đã và đang nhận được sự quan tâm, ủng hộ của nhiều phụ huynh và các em nhỏ, trong đó có nhiều phụ huynh là giáo viên. Trong 21 ngày, các học viên nhí của trung tâm ở nhiều tỉnh, thành khác nhau đều dậy thật sớm để vào lớp. Những bài học như: Thiết lập mục tiêu, quản lý thời gian, quản lý tiền bạc, quản lý cảm xúc… từ xa lạ, dần trở nên gần gũi, quen thuộc với các em qua tiết học online. Sau khi khóa học đầu tiên kết thúc, điều khiến chúng tôi rất bất ngờ là nhận được phản hồi tích cực của hơn 95% phụ huynh. Về phần mình, hầu hết học viên đều mong muốn trung tâm có thêm những lớp học online như “21 ngày cùng con đột phá” để các em có thể tham gia.

- Trên thực tế, một số phụ huynh vẫn còn hoài nghi về hiệu quả của việc học online. Quan điểm của anh như thế nào về vấn đề này?

- Việc phụ huynh hoài nghi hiệu quả của việc học online là một tâm lý rất bình thường. Có nhiều lý do dẫn đến sự hoài nghi này. Thực tế, việc học online vẫn chưa phổ cập ở Việt Nam. Trong thời gian đầu tiếp cận chuyên sâu, một số giáo viên có thể vẫn chưa thành thạo trong sử dụng công nghệ. Một thực tế khác là khi học online, sự tập trung của học sinh bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố. Chính bởi vì thế nên một số thầy cô gặp khó khăn trong việc quản lý lớp học online và tương tác với học sinh. Từng đi học, rồi sau này là giảng viên, tôi hiểu những khó khăn, thử thách ấy và cả sự hoài nghi về hiệu quả của việc học online.

Tuy nhiên, thực tế không có phương pháp nào trong giáo dục gọi là tối ưu mà chỉ có phương pháp phù hợp nhất. Nếu như trên thế giới việc học online đã trở nên quen thuộc, gần gũi từ rất nhiều năm trước thì tại Việt Nam, loại hình này lại chỉ mới “bùng nổ” cách đây vài năm. Tuy nhiên, nó chỉ mới đơn thuần được xem là một giải pháp trong thời điểm COVID-19 diễn biến phức tạp. Cũng chính vì thế nên người ta chấp nhận và vô tình quên đi rất nhiều lợi thế của việc học online, chẳng hạn như xóa bỏ được bất lợi về khoảng cách, thời gian. Với học online, chúng ta có thể cùng nhau học ở bất kỳ nơi đâu, thời gian nào. Về phần mình, phụ huynh có điều kiện để quan sát, hỗ trợ con tốt hơn. Vậy, tại sao không khắc phục bất lợi của việc học online và biến nó thành những “lợi thế khác biệt”?

 Anh Trần Trung Dũng (góc trái, phía dưới) và các giáo viên, học viên tham gia lớp online “21 ngày con đột phá” - Ảnh: T.L

Anh Trần Trung Dũng (góc trái, phía dưới) và các giáo viên, học viên tham gia lớp online “21 ngày con đột phá” - Ảnh: T.L

- Như anh chia sẻ, không phải cho đến khi COVID-19 diễn biến phức tạp mà từ trước đó, anh đã tham gia các khóa học tập, giảng dạy online. Qua các khóa học tập, giảng dạy đó, anh rút ra điều gì?

- Sau một quá trình dài học tập, giảng dạy online, tôi thấy rằng việc sử dụng công nghệ và số hóa là điều cấp thiết. Nếu việc này diễn ra càng chậm thì bất lợi đến với chúng ta càng nhiều. Khi khai thác, nắm bắt được những lợi thế của học online, người giảng dạy sẽ có một lợi thế đặc biệt. Tôi chắc chắn có những chương trình học online sẽ mang lại hiệu quả cao hơn nhiều so với học trực tiếp, đó là chưa kể đến việc tiết kiệm thời gian, công sức, tiền bạc...

Điều quan trọng ở đây là người giáo viên phải có kỹ năng và làm tốt việc truyền cảm hứng cho học sinh. Khi làm được điều này, học sinh sẽ học không bao giờ biết chán. Tôi nghĩ, chúng ta đã bước vào giai đoạn bùng nổ về công nghệ. Dù muốn hay không, chúng ta cũng cần học cách thích nghi và phát huy hiệu quả của việc học online.

- Vậy, cần phải làm gì để có những giờ học online hiệu quả, thưa anh?

- Để việc học online phát huy hiệu quả, cần rất nhiều yếu tố hội tụ. Ở đây, tôi chỉ xin chia sẻ một số yếu tố chính. Đầu tiên, học online rất cần sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng của phụ huynh, giáo viên và học sinh. Phụ huynh, đặc biệt là những người có con nhỏ phải hỗ trợ các cháu trong quá trình học. Về phần mình, giáo viên phải có kiến thức, kỹ năng về công nghệ và nắm bắt được hành vi, tâm lý học viên. Khi học online, nếu bài giảng không thú vị, cuốn hút, giáo viên khó lòng “níu chân” được học sinh. Quan trọng hơn cả là giáo viên phải truyền được cảm hứng cho học sinh bởi các em đã nghỉ học một thời gian dài, cảm hứng học tập cũng vì thế mà vơi giảm. Đối với học sinh, cần lưu ý vị trí, tư thế ngồi và một số yếu tố khác. Tôi rất lo ngại khi thấy học sinh học online trong điều kiện thiếu ánh sáng; đặt thiết bị ở vị trí thấp; không có không gian riêng để học tập…

- Đối với các em nhỏ, chẳng hạn như học sinh vừa bước vào lớp 1, việc học online chắc hẳn sẽ có nhiều thử thách hơn. Vậy, theo anh, yêu cầu quan trọng nhất đặt ra ở đây là gì?

- Với các em nhỏ mới tiếp xúc với việc học online, sự vào cuộc của phụ huynh là hết sức cần thiết. Trước tiên, phụ huynh phải tạo dựng không gian học tập nghiêm túc cho con. Cùng với đó, chúng ta phải quản lý được các ứng dụng trên thiết bị điện tử để con không bị sao nhãng trong quá trình học tập. Khi vào học online, như tôi đã chia sẻ, phụ huynh phải là người hỗ trợ, đôi khi là người giám sát các con trong suốt quá trình học. Tuy nhiên, một điều lưu ý là phụ huynh không nên can thiệp vào nội dung học của các con. Trẻ càng nhỏ tuổi thì càng cần nhiều hơn sự kiên trì, nhẫn nại của phụ huynh. Ba mẹ phải thường xuyên động viên, khen ngợi con. Các học sinh nhỏ tuổi cũng cần có thời gian nghỉ ngơi, vận động và uống nước giữa giờ học.

- Trong bối cảnh tình hình COVID-19 diễn biến phức tạp, việc học online được đánh giá là phương án khả thi. Cùng các cấp, ngành, đơn vị liên quan, Trung tâm Sáng tạo - Kỹ năng Zuna Edu sẽ có những nỗ lực gì để giúp người dân nói chung, phụ huynh, học sinh nói riêng thêm yên tâm, tin tưởng về hình thức học này?

- Hiện nay, chúng tôi vẫn đang đều đặn mở những lớp học online cho nhiều đối tượng khác nhau, trong đó chủ yếu là các em nhỏ. Cùng với đó, trung tâm còn có những lớp học miễn phí để chia sẻ với mọi người, đặc biệt là phụ huynh về cách giúp con học online hiệu quả. Chúng tôi hy vọng sẽ góp phần thay đổi định kiến và cùng mọi người khai thác những “lợi thế khác biệt” của việc học online.

- Xin cảm ơn anh!

Tây Long (thực hiện)

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=161092&title=khai-thac-nhung-loi-the-khac-biet-cua-viec-hoc-online