Khẩn trương giúp dân khắc phục hậu quả lũ quét

Ngày 4-10, tại huyện Kỳ Sơn (Nghệ An), lực lượng quân đội và dân quân tự vệ theo nhiệm vụ được phân công vẫn đang khẩn trương giúp dân khắc phục hậu quả lũ quét, giúp bà con nhanh chóng ổn định cuộc sống.

Tối 3-10, Bộ CHQS tỉnh Nghệ An đã tăng cường hơn 150 đồng chí thuộc Trung đoàn 764 tới Kỳ Sơn. Như vậy, hiện đã có hơn 500 cán bộ, chiến sĩ thuộc các đơn vị: Bộ CHQS tỉnh Nghệ An, Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 4, Bộ đội Biên phòng và các lực lượng công an, dân quân tự vệ có mặt tại Kỳ Sơn giúp dân khắc phục hậu quả trận lũ quét.

 Bộ đội giúp dân khắc phục hậu quả lũ quét.

Bộ đội giúp dân khắc phục hậu quả lũ quét.

Trời vừa sáng, Thiếu tướng Lê Hồng Nhân, Phó tư lệnh Quân khu 4 cùng đoàn công tác trực tiếp vào các bản bị cô lập do mưa lũ để kiểm tra tình hình, thăm hỏi bà con và lên phương án hỗ trợ, khắc phục hậu quả. Ngôi nhà của bà Hà Y Xài ở bản Sơn Hà (xã Tà Cạ) bị lũ cuốn trôi hết tài sản, chỉ còn trơ trọi lại bốn bức tường sắp đổ sập. Mấy ngày qua, bà Hà Y Xài phải ở nhờ nhà hàng xóm. Thấy bộ đội đến hỏi thăm, trao quà, lương thực và nước uống khiến bà rưng rưng cảm động. Ngồi thất thần trước ngôi nhà bị sập đổ hoàn toàn, chị Vi Thị Tha, bản Hòa Sơn (xã Tà Cạ), nói rằng chị đã hoàn toàn trắng tay sau cơn lũ dữ. Cách nhà chị Tha không xa, ngôi nhà đang hoàn thiện của ông Lương May Danh cũng đã bị đất đá đổ xuống không thể vào ở. Ông xót xa nói: “Cả đời vợ chồng tôi dành dụm mong xây được ngôi nhà kiên cố để yên tâm khi về già. Nhưng giấc mơ có lẽ không bao giờ thực hiện được nữa rồi...”.

Bộ đội làm thêm cầu tạm để người dân đi lại.

Bộ đội làm thêm cầu tạm để người dân đi lại.

Hai bản Hòa Sơn và Sơn Hà không còn bị lũ cô lập nhưng công việc khắc phục hậu quả vẫn còn bộn bề. Khu vực thị trấn Mường Xén và xã Tà Cạ mất nước sinh hoạt do trạm nước đầu nguồn bị lũ vùi lấp, gây hư hỏng nhiều đoạn đường ống. Hơn 80 cán bộ, chiến sĩ của Trung đoàn 764 và Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 4 đã hành quân hơn 3km đến đầu nguồn để nạo vét bùn đất, khắc phục đường ống, khẩn trương cấp nước cho toàn huyện. Thượng tá Đinh Xuân Lâm, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 764 chia sẻ: “Đường cơ động gập ghềnh, dốc cao phải đi bộ hàng giờ mới tới nên chúng tôi được địa phương cung ứng lương thực, nước uống để làm việc tại chỗ suốt cả ngày. Trong ngày mai, các khu dân cư tại huyện Kỳ Sơn cơ bản sẽ có nước sạch để sinh hoạt”.

Đồng chí Vi Hòe, Bí thư Huyện ủy Kỳ Sơn cho biết: “Quốc lộ 7 đoạn từ thị trấn Mường Xén đi xã Tây Sơn và Cửa khẩu Nậm Cắn dài khoảng 15km, bị sạt lở 30 điểm. Cơ quan chức năng của huyện cùng các đơn vị thuộc Cục Quản lý đường bộ 2 đã triển khai biện pháp khắc phục, đồng thời đề nghị chính quyền huyện Noọng Hét (tỉnh Xiêng Khoảng, Lào) hỗ trợ phương tiện giúp huyện Kỳ Sơn nhanh chóng thông tuyến. Nếu thời tiết thuận lợi thì khoảng nửa tháng, chậm thì cả tháng mới thông được tuyến đường quan trọng này".

Dù đã huy động số lượng nhân lực lớn cùng máy móc để dọn dẹp nhưng nhiều khu vực lũ quét qua vẫn đang trong tình trạng ngổn ngang bùn đất. Trong khi đó, giao thông vào các bản Hòa Sơn, Sơn Hà còn bị chia cắt, phương tiện cơ giới chưa thể cơ động vào và nếu vào được cũng khó phát huy hết công suất do mật độ nhà dân khá dày. Hiện nay, bộ đội đã làm thêm chiếc cầu tạm qua suối Huồi Giảng để bà con Hòa Sơn và Sơn Hà có thể cơ động nhận lương thực, nước uống từ các đoàn cứu trợ.

Bộ đội và dân quân vận chuyển lương thực, nước uống cứu trợ người dân.

Bộ đội và dân quân vận chuyển lương thực, nước uống cứu trợ người dân.

Sau khi bão tan, trời lại nắng gắt nên mùi xú uế từ xác động vật, bùn đất bốc lên nồng nặc, nguy cơ bùng phát dịch bệnh rất cao. Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Sầm Văn Hải, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Kỳ Sơn cho biết: “Chúng tôi đã chuẩn bị lực lượng, thuốc men để thực hiện nhiệm vụ. Các lực lượng dọn dẹp, vệ sinh đến đâu, lực lượng y tế sẽ phun khử độc, khử trùng đến đó để làm sạch môi trường. Đơn vị đã cử bác sĩ, nhân viên y tế về trực tại các bản bị lũ quét để thăm khám, cấp thuốc miễn phí cho nhân dân và xử lý các tình huống cấp bách khi cần thiết”.

Không chỉ trắng tay, đối mặt với nguy cơ dịch bệnh, nguy cơ sạt lở đất tiếp tục đe dọa, người dân xã Tà Cạ còn mất nguồn sinh kế lâu dài. Rất nhiều diện tích trồng lúa, nuôi cá ở các bản Hòa Sơn, Sơn Hà, Bình Sơn 1 (xã Tà Cạ) bị lũ quét san phẳng hoàn toàn. Ông Vi Văn Khuyên, bản Hòa Sơn cho biết, gia đình ông không chỉ bị sập nhà mà toàn bộ 8 sào ruộng lúa của gia đình cũng bị đất đá vùi lấp. Thiết nghĩ cùng với công tác khắc phục hậu quả, huyện Kỳ Sơn cũng cần được đầu tư nguồn lực lớn để kiến thiết hạ tầng, tổ chức tái định cư cho nhân dân ở những vùng nguy hiểm.

Lũ quét đi qua, huyện Kỳ Sơn đang huy động cả hệ thống chính trị, trong đó LLVT làm nòng cốt khẩn trương khắc phục hậu quả, giúp nhân dân từng bước ổn định cuộc sống. Thế nhưng do thiệt hại lớn, nguy cơ mất an toàn do lở đất, sạt núi còn hiện diện, chính quyền và người dân Kỳ Sơn mong được các cấp, các ngành quan tâm, hỗ trợ kịp thời.

Bài và ảnh: HOA LÊ - VIẾT LAM

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/khan-truong-giup-dan-khac-phuc-hau-qua-lu-quet-707239