Khi người nổi tiếng… làm hoang mang dư luận bằng mạng xã hội

Tin giả, facebook mạo danh đang tràn ngập mạng xã hội với những hậu quả khó lường, gây tổn hại trong nhiều vấn đề mà tin giả đó đề cập đến. Trước rất nhiều vấn nạn tin giả, chính bản thân nghệ sĩ lại… không biết làm gì để bảo vệ tài khoản cá nhân của mình, hoặc bản thân họ thỉnh thoảng cũng không chau chuốt cho phát ngôn, thông tin gây sốc, khiến cho những hiệu ứng kéo theo vượt quá tầm kiểm soát.

Hai ngày gần đây, những thông tin từ facebooker Đàm Vĩnh Hưng thực sự khiến dư luận hoang mang. Trước đó, một tài khoản được cho là của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng đăng tải bài viết tỏ thái độ không hài lòng trước cách hành xử của ông Đoàn Văn Tí – người cha đánh con trong clip ở Mỹ Tho từ hai năm trước được chia sẻ trên mạng - đồng thời treo thưởng 20 triệu đồng cho người nào tát vào mặt người cha như cách ông từng đánh con mình. Sau đó, một nhóm thanh niên tìm đến đánh người đàn ông trong clip, và họ quay lại cảnh tham gia đánh người đó.

Trước thông tin một nhóm cư dân mạng bức xúc kéo đến phá cửa nhà, đánh đổ máu ông Đoàn Văn Tí (30 tuổi, trú tại xã Trung An, TP.Mỹ Tho, Tiền Giang, người cha hành hạ con trai 3 tuổi cách đây 2 năm) là do Facebooker “Đàm Vĩnh Hưng” xúi giục bằng cách treo thưởng 20 triệu đồng, Cơ quan CSĐT - CA TP Mỹ Tho cho biết đã nắm được nhưng “khi có hướng xử lý sẽ thông tin đến cho báo chí".

Hiện tại, dòng trạng thái treo thưởng không còn. Trên trang cá nhân, nam ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng vừa bất ngờ đưa ra thông báo sẽ tạm dừng mọi hoạt động tại Việt Nam trong vòng 3 tháng kể từ sau Tết 2020 sắp tới. Cụ thể Mr. Đàm sẽ không nhận show, không xuất hiện trên toàn lãnh thổ Việt Nam. "Tết xong là sẽ ngưng xuất hiện, ngưng nhận show kinh doanh trong 3 tháng trên toàn lãnh thổ Việt Nam", Đàm Vĩnh Hưng cho biết.

 Đàm Vĩnh Hưng đang bị đặt câu hỏi nghi vấn về việc có phải anh dùng facebook cá nhân xúi giục đánh người? Ảnh tư liệu

Đàm Vĩnh Hưng đang bị đặt câu hỏi nghi vấn về việc có phải anh dùng facebook cá nhân xúi giục đánh người? Ảnh tư liệu

Tuy nhiên, những tranh cãi về việc hành vi của Facebooker Đàm Vĩnh Hưng liệu có đang vi phạm pháp luật khi xúi giục đánh người vẫn đang diễn ra với nhiều ý kiến. Theo ý kiến từ các Luật sư, trước mắt, cần phải xác định những thanh niên đánh người có đến lấy 20 triệu đồng từ facebooker Đàm Vĩnh Hưng hay không mới xác định được tính chất vụ việc. Nếu thực sự có chuyện lấy tiền, facebooker Đàm Vĩnh Hưng có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự với vai trò xúi giục với tình tiết tăng nặng định khung là thuê người gây thương tích. Còn nếu chỉ hô hào, không có việc trả tiền để gây thương tích thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi sử dụng các mạng xã hội kích động bạo lực theo điểm b khoản 1 Điều 5 Nghị định 72/2013/NĐ-CP.

Tuy nhiên, facebooker Đàm Vĩnh Hưng có phải của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng hay không lại cần những thông tin xác minh khác. Bởi tài khoản giả mạo nghệ sĩ cũng rất nhiều. Vấn đề là ở chỗ, tại sao người ta vội vàng tin ngay vào dòng trạng thái trên mạng của một người chưa xác định có phải đúng là “chính chủ” Đàm Vĩnh Hưng hay không? Có bị hacker không? Chỉ có thể lý giải ở sự nổi tiếng của các nghệ sĩ. Chính Đàm Vĩnh Hưng cũng nhiều lần phát ngôn quá thẳng thắn, thậm chí gây “sốc” về vấn đề nào đó, khiến cho công chúng mặc nhiên tin rằng: Tài khoản này, phát ngôn này, chính là anh. Tức là ở chừng mực nào đó, việc quản lý hình ảnh và phát ngôn của nghệ sĩ chưa thật “ổn” nên tạo ra những tiền lệ làm người khác có thể hiểu lầm.

Vì thế, quản lý phát ngôn của mình đối với người nổi tiếng mà nói rất quan trọng. Bởi nhiều khi, người nổi tiếng không ý thức được rằng phát ngôn của họ có thể làm ảnh hưởng đến rất nhiều người. Tại tọa đàm “Nói không với vu khống, trục lợi trên mạng xã hội”, đạo diễn Lê Hoàng đã có những chia sẻ vô cùng thẳng thắn về thực trạng lạm dụng mạng xã hội để đưa tin giả, gây tổn thương và làm hoang mang dư luận. Trong đó, Lê Hoàng cũng thẳng thắn chê trách phát ngôn: “Muốn trả lại vương miện” từng "gây bão" của hoa hậu Diễm Hương. Ông cho rằng, Hoa hậu phát ngôn ở thời điểm đó rõ ràng là không tôn trọng ban tổ chức và giám khảo cuộc thi, bởi họ không tự dưng trao vương miện cho ai hết. Bản thân cô khi đóng vai trò là thí sinh cũng mong muốn, nỗ lực để trở thành Hoa hậu, vậy lúc có đôi chút áp lực lại muốn trả, danh hiệu đâu phải lại cái trao qua trao lại, muốn nhận, muốn trả lúc nào cũng xong.

Đáp lại bình luận của đạo diễn Lê Hoàng, hoa hậu sinh Diễm Hương cũng cho rằng: “Đúng là tôi đi thi hoa hậu. Từ một cô gái 19 tuổi, tôi hoàn toàn không chủ động trở thành hoa hậu. Điều buộc tôi trở thành hoa hậu là may mắn và vinh dự mình có. Nhưng cho đến hiện tại, tôi không nói “vô tình” mà đó là “vinh dự” để trở thành hoa hậu. Tôi muốn đính chính rằng thời điểm đó tôi còn trẻ nên phát ngôn không đúng”.

Nói thế để thấy rằng, chính bản thân người nổi tiếng đã tạo ra nhưng tiền lệ về việc phát ngôn “không ngó trước nhìn sau”, làm cho khán giả mặc định: Người này và facebook cá nhân luôn luôn, nghiễm nhiên là một, khi họ nói chắc họ sẽ làm, khi họ nói, chắc là nói đúng, nên mới dẫn đến hành động đáng tiếc như chuyện nghe lời facebooker nghệ sĩ đi đánh người. Hay nhiều phát ngôn của người nổi tiếng làm tổn thương người khác.

Nổi tiếng – ai cũng muốn, nhưng gánh nặng nổi tiếng, trách nhiệm của nổi tiếng không phải ai cũng “gánh” được. Nên nếu ở thời điểm mạng xã hội đang quá nhiều thách thức về tin giả, tin gây hoang mang hiện nay, nghệ sĩ thiếu trách nhiệm với phát ngôn của mình, thiếu quản lý sát sao trang cá nhân của mình, cũng chính là thiếu trách nhiệm với những người yêu mến họ, và với cả công chúng nói chung.

Nam Dương

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/khi-nguoi-noi-tieng-lam-hoang-mang-du-luan-bang-mang-xa-hoi-167172.html