Khi tiền cũng 'ế'

Các tổ chức tín dụng đã triển khai nhiều chương trình, sản phẩm tín dụng với lãi suất ưu đãi, nhưng nhu cầu tín dụng của khách hàng giảm, thậm chí có một số đơn vị có mức tăng trưởng âm.

Khi tiền cũng

Ảnh: Đ.Hòa.

Ảnh: Đ.Hòa.

Dư vốn

Dịch bệnh Covid-19 cứ chập chờn với dự báo có thể xuất hiện bất cứ lúc nào khiến những người có tiền nhàn rỗi và ngay cả với giới đầu tư đều không dám làm bất cứ gì, ngoài việc gửi tiền vào ngân hàng. Bởi thực tế đang diễn ra, nhiều ngành nghề, nhất là ngành dịch vụ du lịch, ngành nông nghiệp đang chịu ảnh hưởng nghiêm trọng, khiến hàng loạt công ty, doanh nghiệp, cơ sở đóng cửa. Tình trạng này khiến không ít người dù mạnh dạn trong đầu tư cũng chỉ chờ đợi dịch bệnh chắc chắn tan mới có thể bắt đầu làm việc gì đó bảo đảm không rủi ro. Trong bối cảnh người người đều gửi tiền ngân hàng, trong khi người đi vay không bao nhiêu đã khiến nguồn vốn tại các tổ chức tín dụng đang dư thừa. Đó là lý do khiến lãi suất huy động của các chi nhánh ngân hàng ở TP.Phan Thiết đồng loạt giảm dần từ 1-2 tháng qua.

Đến đầu tháng 9 này, một số chi nhánh ngân hàng đã điều chỉnh giảm tiếp lãi suất huy động. Cụ thể, như Vietcombank có lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 tháng là 3,4%/năm (giảm 0,1 điểm phần trăm so với cuối tháng 8), kỳ hạn 6 tháng giảm 0,3 điểm phần trăm, ở mức 4,1%/năm, còn kỳ hạn 12 tháng giảm mạnh tới 0,7 điểm phần trăm, về mức 5,3%/năm. Còn Techcombank, chỉ trong nửa tháng, chi nhánh đã điều chỉnh hạ lãi suất 2 lần; biểu lãi suất mới vào đầu tháng 9 cho thấy kỳ hạn 1 tháng ở mức 2,85%/năm kỳ hạn cho các khoản tiền gửi dưới 1 tỷ đồng, còn kỳ hạn 6 tháng là 4,6%/năm và kỳ hạn 13 tháng có mức lãi suất 4,9%/năm... Các chi nhánh ngân hàng khác trên địa bàn cũng có điều chỉnh giảm lãi suất tiền gửi. Lãi suất phổ biến ở mức 3 - 4%/năm với kỳ hạn dưới 6 tháng, 4,4 - 7,5 %/năm với kỳ hạn 6 đến dưới 12 tháng và 6 - 7,7%/năm với kỳ hạn 12 và 13 tháng.

Trong khi đó, lãi suất cho vay các khoản vay mới ở các lĩnh vực ưu tiên ngắn hạn 5%/năm (riêng QTDND là 6%/năm), các lĩnh vực khác từ 7 - 9%/năm; lãi suất cho vay trung và dài hạn phổ biến từ 9 - 12%/năm. Nhưng khách đi vay không nhiều đã khiến các chi nhánh ngân hàng đứng trước tình cảnh: Bán hàng rẻ nhưng ít người mua.

Bán thận trọng

Thực hiện các giải pháp hỗ trợ người vay vốn bị ảnh hưởng dịch Covid-19, các chi nhánh ngân hàng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ đến ngày 3/9 cho 2.981 khách hàng với 971,99 tỷ đồng và giảm lãi vay cho 2.703 khách hàng với số tiền lãi được giảm là 1,09 tỷ đồng. Cùng với đó, các tổ chức tín dụng tiếp tục đẩy mạnh huy động vốn, triển khai thực hiện các chương trình cho vay mới với lãi suất thấp hơn so với trước khi dịch bệnh xảy ra, với doanh số cho vay mới đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch từ ngày 23/1/2020 là 8.591 tỷ đồng/4.218 khách hàng. Tuy nhiên, nhìn chung tình hình cho vay bị trầm lắng.

Theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Bình Thuận, các tổ chức tín dụng đã triển khai nhiều chương trình, sản phẩm tín dụng với lãi suất ưu đãi, nhưng nhu cầu tín dụng của khách hàng giảm nên tín dụng những tháng đầu năm 2020 có tốc độ tăng chậm hơn so với cùng kỳ năm trước. Thậm chí, có một số đơn vị có mức tăng trưởng âm. Bên cạnh, tỷ lệ nợ xấu có xu hướng tăng so với đầu năm, trong đó một số tổ chức tín dụng có tỷ lệ nợ xấu còn cao, vượt quá ngưỡng cảnh báo.

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Bình Thuận, ước đến 30/9/2020, vốn huy động đạt 40.955 tỷ đồng, tăng 5% so với đầu năm; dư nợ đạt 63.703 tỷ đồng, tăng 8% so với đầu năm. Đó là con số ước nhìn từ xu hướng dịch bệnh đã được khống chế. Bằng chứng, từ ngày 7/9, các hoạt động bị cấm dừng trước đó như karaoke, mat – xa… đã bắt đầu được tỉnh cho mở cửa trở lại cùng sự ấm lên của thị trường du lịch, nông nghiệp. Cùng với đó, những nhà đầu tư kinh doanh cũng bắt đầu rục rịch quay lại thị trường, sau nhiều tháng đóng cửa, ngưng hoạt động.

Và chính trạng thái lưng chừng, cứ lo ngại dịch bệnh sẽ quay lại bất cứ lúc nào khiến đợt này, phải những ai mạnh dạn đầu tư mới dám vay vốn cho cuộc hồi sinh sản xuất kinh doanh. Cũng chính vì điều đó mà các tổ chức tín dụng càng thận trọng hơn trong cho vay, nhằm không cho tăng thêm tỷ lệ nợ xấu, vốn dĩ đã bùng lên thời gian qua. Vì thế, hàng hóa là tiền đồng cũng dự báo sẽ tiếp tục ế ẩm…

Bích NghỊ

Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/kinh-te/khi-tien-cung-e-130978.html