Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong sinh viên không chỉ là sân chơi

Nhóm sinh viên MITC, tác giả dự án Nuôi và kinh doanh tảo xoắn Spirulina theo quy trình khép kín đạt giải khuyến khích tại cuộc thi Tìm kiếm tài năng khởi nghiệp ĐMST vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên 2022. Ảnh: ĐÌNH PHÚ

Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) thời gian gần đây được nhắc đến nhiều trong các chương trình khởi nghiệp quốc gia. Trong các trường đại học, cao đẳng, đây là một sân chơi bổ ích cho sinh viên. Với Trường cao đẳng Công Thương Miền Trung (MITC), khởi nghiệp ĐMST không chỉ là sân chơi mà đó là cả một cuộc tìm kiếm ý tưởng, ươm tạo, xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp và là môn học bắt buộc.

Trong chương trình Techfest khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên 2022 và trao giải cuộc thi Tìm kiếm tài năng khởi nghiệp ĐMST (vừa tổ chức tại Khánh Hòa), Phú Yên có 3 dự án tham gia. Trong đó, MITC có hai dự án, gồm: Nuôi và kinh doanh tảo xoắn Spirulina theo quy trình khép kín; Trồng và kinh doanh thảo dược cà gai leo trên dải đất cát ven biển. Dự án Nuôi và kinh doanh tảo xoắn Spirulina theo quy trình khép kín (nhóm tác giả sinh viên Lê Nguyễn Thy Nhân, Phạm Thị Trâm, Nguyễn Quốc Nam) đạt giải khuyến khích.

Xây dựng hệ sinh thái ươm tạo khởi nghiệp ĐMST

ThS Võ Văn Lợi, Giám đốc Trung tâm Ươm tạo doanh nghiệp và ĐMST của MITC cho biết Techfest khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên năm 2022 với chủ đề “Khung trời cửa biển - Sáng tạo bứt phá”, nhằm kết nối, thúc đẩy ĐMST ở địa phương; định hướng kiến tạo và thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST các tỉnh trong khu vực, gắn kết với hệ sinh thái của cả nước và hướng đến toàn cầu. Đây không chỉ là cuộc thi tìm kiếm ý tưởng khởi nghiệp ĐMST dành riêng cho sinh viên. Vì vậy, một dự án của sinh viên được xét giải cũng là niềm vui lớn.

Có được thành công này là một quá trình ươm tạo, xây dựng hệ sinh thái mà MITC đã đặt nền móng từ khá sớm (năm 2011), là địa chỉ tin cậy ươm mầm cho nhiều ý tưởng sáng tạo của các bạn trẻ trong và ngoài tỉnh Phú Yên, một điểm sáng thúc đẩy khởi nghiệp ở Nam Trung Bộ. Năm 2016, lần đầu tiên trường tổ chức cuộc thi khởi nghiệp ĐMST trong học sinh sinh viên (HSSV) nhà trường. Trong cuộc thi này, một dự án của sinh viên MITC được vào vòng chung kết cuộc thi toàn quốc, đến vòng gọi vốn.

Năm 2018, Trung tâm Ươm tạo doanh nghiệp và ĐMST của MITC được thành lập, trở thành hạt nhân, đi đầu trong các trường đại học, cao đẳng khu vực miền Trung - Tây Nguyên trong hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp của HSSV và các startup.

Từ năm 2021, Trung tâm Ươm tạo doanh nghiệp và ĐMST đã mở rộng mạng lưới, khơi nguồn tinh thần khởi nghiệp bằng cách hình thành các câu lạc bộ (CLB) ĐMST và khởi nghiệp của trường, đồng thời mở rộng đến các trường THPT trong tỉnh. “CLB có vai trò kết nối ý tưởng khởi nghiệp đến các nhà đầu tư và cố vấn khởi nghiệp, góp phần thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp trong tỉnh hoạt động năng động, hiệu quả. Đến nay, trung tâm đã tập huấn, kết nối đến 5 trường THPT trong tỉnh, phối hợp với các huyện đoàn Sơn Hòa, Sông Hinh, Tây Hòa để tập huấn về khởi nghiệp ĐMST cho thanh niên nông thôn”, ThS Lợi cho biết.

Cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo MITC - Startup năm 2022 và những năm trước đó là một điển hình trong công cuộc tìm kiếm, ươm tạo các ý tưởng, dự án khởi nghiệp. Đây là cuộc thi khởi nghiệp thường niên của MITC dành cho tất cả HSSV trên địa bàn Phú Yên, đoàn viên thanh niên trong và ngoài tỉnh. Đặc biệt, cuộc thi vừa qua còn có sự tham gia rất tích cực từ học sinh THPT.

Khơi nguồn sáng tạo

Sau bốn năm đi vào hoạt động, Trung tâm Ươm tạo doanh nghiệp và ĐMST của MITC đã đạt được những kết quả hỗ trợ khởi nghiệp tích cực. Trung tâm đã tổ chức 50 chương trình về khởi nghiệp ĐMST; hỗ trợ cho khoảng 100 ý tưởng, dự án và hỗ trợ truyền thông cho 40 startup ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Trung tâm đã giúp nhiều sinh viên, thanh niên trong và ngoài tỉnh hiện thực hóa ý tưởng khởi nghiệp của mình. ThS Võ Văn Lợi cho biết: Đối với những dự án của HSSV nhà trường, sau khi các em tốt nghiệp thì trung tâm tiếp tục đứng ra kêu gọi vốn cho các dự án được đánh giá tốt, để có thể triển khai được trên thị trường.

Không chỉ có thế mạnh về nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, MITC hiện là đơn vị dẫn đầu về hoạt động khởi nghiệp ĐMST trong HSSV trên địa bàn tỉnh và các tỉnh trong khu vực. Từ năm 2018, Trung tâm Ươm tạo doanh nghiệp và ĐMST đã kết nối vào hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST quốc gia; kết nối khai thác hiệu quả các nguồn lực quốc gia, các quỹ hỗ trợ khởi nghiệp…

Từ năm học 2021-2022, MITC đưa môn học Khởi nghiệp ĐMST vào chương trình đào tạo bắt buộc (trước đây là môn tự chọn) với tất cả HSSV, hướng tới đào tạo công dân toàn cầu, có kỹ năng, kiến thức về khởi nghiệp, hội nhập sau khi ra trường.

Theo TS Trần Kim Quyên, Hiệu trưởng nhà trường, chương trình ươm tạo, khởi nghiệp ĐMST của trường nhận được sự ủng hộ của Hội đồng khởi nghiệp quốc gia, các trung tâm ươm tạo trong nước, các quỹ hỗ trợ và có sự đồng hành của ngày càng nhiều doanh nghiệp, doanh nhân. “Để hoạt động khởi nghiệp, ĐMST tại Phú Yên phát triển hơn nữa rất cần sự quan tâm, chung sức từ các cơ quan quản lý Nhà nước, các doanh nghiệp, kết nối, hình thành một hệ sinh thái hoàn chỉnh. Từ đó, các ý tưởng sáng tạo của thế hệ trẻ có thể ứng dụng vào cuộc sống, quay trở lại phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh”, TS Trần Kim Quyên nói.

MITC đã tạo được hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST, vườm ươm, định hướng, hỗ trợ khởi nghiệp cho sinh viên khi có ý tưởng tốt. Cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo MITC - Startup là một sân chơi rất bổ ích, giúp HSSV tự tin phát triển ý tưởng, dự án khởi nghiệp của mình. Hơn thế, nhà trường đã đưa nội dung này thành môn học bắt buộc và lan tỏa tinh thần, kiến thức về khởi nghiệp ĐMST đến các trường THPT. Điều này rất đáng hoan nghênh.

Phó Giám đốc Sở KH-CN Phú Yên Đặng Thị Thủy

TRẦN QUỚI

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/82/284531/khoi-nghiep-doi-moi-sang-tao-trong-sinh-vien-khong-chi-la-san-choi.html