Không ăn tiết canh, sản phẩm từ lợn chưa nấu chín để phòng bệnh liên cầu lợn trên người

Sở Y tế vừa có văn bản số 559/SYT-NVY&QLHN về việc 'Tăng cường công tác phòng bệnh liên cầu lợn trên người'.

Theo đó, Sở Y tế yêu cầu Trung tâm Kiểm soát bệnh tật và Trung tâm Y tế các huyện, thị, thành chủ động phối hợp với các cơ quan truyền thông tăng cường tuyên truyền về các biện pháp phòng lây nhiễm liên cầu lợn sang người như không ăn sản phẩm từ lợn chưa được nấu chín hoặc từ lợn ốm, chết, đặc biệt không ăn tiết canh lợn; có biện pháp bảo hộ lao động như đeo găng tay, khẩu trang cho những người chăn nuôi, tiếp xúc, giết mổ, buôn bán gia súc.

Những trường hợp nhiễm liên cầu lợn ở người đã phát hiện tại một số tỉnh, thành thường có triệu chứng lâm sàng nặng, phải điều trị trong thời gian dài và thường để lại biến chứng không phục hồi sau khi khỏi bệnh. Do đó, cần tăng cường triển khai giám sát chủ động, phát hiện sớm các trường hợp mắc/nghi mắc bệnh liên cầu lợn để triển khai ngay các biện pháp xử lý ổ dịch; tổ chức tập huấn, hướng dẫn chuyên môn về giám sát, phòng chống bệnh liên cầu lợn ở người theo Quyết định 4665/QĐ-BYT, ngày 07/11/2014 của Bộ Y tế. Phối hợp chặt chẽ với cơ quan Thú y trong việc giám sát phát hiện các dịch bệnh trên đàn lợn mà thuận lợi cho liên cầu lợn bùng phát như dịch bệnh tai xanh; kịp thời chia sẻ thông tin về tình hình dịch bệnh để điều tra, xử lý ổ dịch trên động vật ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm sang người. Chuẩn bị sẵn sàng vật tư, hóa chất, phương tiện bảo đảm triển khai các biện pháp giám sát và xử lý ổ dịch.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật làm đầu mối hướng dẫn chuyên môn và tổ chức giám sát phát hiện bệnh liên cầu lợn trên người, triển khai các biện pháp phòng, chống dịch kịp thời và xử lý triệt để ổ dịch. Tiếp tục phối hợp với các đơn vị của ngành Nông nghiệp/cơ quan Thú y các cấp và các đơn vị liên quan trong công tác phòng chống bệnh lây nhiễm từ động vật sang người.

Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc/nghi mắc liên cầu lợn đến khám, chữa bệnh; khai thác tiền sử dịch tễ và lấy mẫu xét nghiệm, điều trị bệnh nhân kịp thời để tránh tử vong. Thông báo kịp thời cho Trung tâm Y tế huyện trên địa bàn hoặc Trung tâm kiểm soát bệnh tật để phối hợp điều tra, xử lý ổ dịch. Chuẩn bị các điều kiện sẵn sàng tiếp nhận, cách ly và điều trị các trường hợp mắc liên cầu lợn theo hướng dẫn của Bộ Y tế, đồng thời phối hợp triển khai các biện pháp xử lý ổ dịch.

Phòng Y tế các huyện, thị, thành chủ trì phối hợp với Trung tâm Y tế và các đơn vị liên quan tại địa phương, tham mưu cho UBND huyện tăng cường tuyên truyền cho nhân dân về các biện pháp phòng bệnh liên cầu lợn lây sang người. Chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở y tế ngoài công lập triển khai công tác giám sát, phát hiện, cách ly và xử lý ổ dịch cũng như các trường hợp mắc/nghi mắc liên cầu lợn ở người.

Đồng thời tham mưu UBND huyện huy động các nguồn lực, các ban, ngành, đoàn thể và các lực lượng chức năng ở địa phương tăng cường kiểm dịch động vật, phát hiện, tiêu hủy lợn ốm hoặc chết, phun hóa chất sát khuẩn, khử khuẩn chuồng trại và môi trường chăn nuôi; kiểm soát chặt chẽ việc giết mổ và buôn bán vận chuyển lợn giữa các vùng có dịch sang các khu vực khác. Phối hợp với Trung tâm Y tế và cơ quan Thú y giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh liên cầu lợn trên động vật và trên người để triển khai kịp thời công tác phòng, chống dịch và xử lý ổ dịch tại địa phương.

Văn Lang

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn//y-te/khong-an-tiet-canh-san-pham-tu-lon-chua-nau-chin-de-phong-benh-lien-cau-lon-tren-nguoi/191543.htm