Kiên Giang: Nhiều nỗ lực khắc phục thẻ vàng từ EC

Để khắc phục thẻ vàng từ EC, Kiên Giang đã tập trung thanh tra, kiểm tra toàn bộ nghề cá trên địa bàn; thành lập tổ thông tin tuyên truyền Luật Thủy sản; sử dụng song song nhiều phần mềm giám sát tàu cá; phối hợp chặt với các lực lượng chức năng trong công tác quản lý hoạt động hải sản.

Để ngăn chặn tàu cá khai thác bất hợp pháp, cần nêu cao ý thức người dân và tăng cường công tác kiểm soát tốt nguồn gốc thủy sản. - Ảnh: VGP

Để ngăn chặn tàu cá khai thác bất hợp pháp, cần nêu cao ý thức người dân và tăng cường công tác kiểm soát tốt nguồn gốc thủy sản. - Ảnh: VGP

Sau khi Ủy ban châu Âu (EC) cảnh báo thẻ vàng đối với hoạt động khai khác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo theo quy định (IUU), tháng 5/2018, đoàn Thanh tra EC đã kiểm tra tình hình triển khai thực hiện các khuyến nghị của EC tại Việt Nam, trong đó đã kiểm tra tại Kiên Giang và Bình Định.

Tiếp tục ngày 7-8/11/2019 đoàn Thanh tra EC đã kiểm tra tại Kiên Giang về tình hình triển khai thực hiện 4 nhóm: Hoàn thiện khung pháp lý; hệ thống giám sát tàu cá; thực thi pháp luật; truy xuất nguồn gốc thủy sản từ khai thác.

Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang cho biết, ngay sau khi EC cảnh báo thẻ vàng, UBND tỉnh Kiên Giang đã tập trung chỉ đạo, triển khai quyết liệt các giải pháp khắc phục khuyến nghị của EC. Cụ thể, UBND tỉnh đã tiến hành thanh tra, kiểm tra toàn bộ nghề cá trên địa bàn. Đây là cơ sở quan trọng để các lực lượng thể hiện vai trò tránh nhiệm của mình. Bên cạnh đó tỉnh đã ký kết quy chế phối hợp với các lực lượng biên phòng, kiểm ngư trong công tác quản lý các hoạt động liên quan đến lĩnh vực thủy hải sản.

Về hoàn thiện khung pháp lý, Kiên Giang đã thành lập tổ thông tin tuyên truyền Luật Thủy sản và hoạt động rất hiệu quả, cụ thể đã tổ chức được 27 lớp tuyên truyền Thủy sản cho hơn 1.260 lượt người và in tờ rơi thông báo cho các chủ tàu, người dân.

Về triển khai lắp đặt thiết bị giám sát tàu cá, Kiên Giang là một trong những tỉnh đầu tiên tiến hành triển khai lắp đặt giám sát hành trình. Tính đến cuối năm 2019, toàn tỉnh đã triển khai lắp đặt cho 3.140 tàu/3.945 (80%) tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên.

Về công tác theo dõi giám sát hoạt động của tàu, Kiên Giang đã sử dụng song song 2 phần mềm, phầm mềm giám sát của Tổng cục thủy sản và phần phần mềm giám sát của tỉnh. Qua 2 hệ thống đều cử cán bộ trực 24/24, nếu phát hiện các phương tiện vượt đường ranh giới biển, sẽ điện thoại yêu cầu thuyền trưởng phải cho tàu quay về; trong vòng 6-12 tiếng nếu phương tiện chưa quay về vùng biển Việt Nam thì sẽ phát văn bản cảnh báo, gửi danh sách cho chi cục kiểm ngư, biên phòng phối hợp xử lý.

Về thực thi pháp luật, qua điều tra xác minh, 90 vụ vi phạm vùng biển nước ngoài, Kiên Giang đã xử lý được 37 vụ. Qua hệ thống giám sát, đã phát hành 80 văn bản cảnh báo, gửi lực lượng chức năng về việc tàu cá vượt ra khỏi vùng ranh giới; sau khi tàu về bờ, lực lượng chức năng sẽ mời thuyền trưởng, ngư dân trên tàu điều tra xác minh. Kết quả đã xử lý 18 phương tiện.

Về truy xuất nguồn gốc khai thác, 100% tàu cá khi khai thác cập cảng đều được kiểm tra; báo cáo khai thác theo quy định. Nếu phát hiện tàu cá khai thác chưa được xác nhận mẫu kiểm tra thì cảng cá từ chối không cho bốc dỡ hải sản, giao tổ thanh tra, kiểm tra xử lý. Với tổ kiểm soát này đã kiểm tra được 100% tàu cá.

Ông Nguyễn Văn Tâm, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Kiên Giang cho biết: Kết quả tuy chưa giải quyết triệt để việc khắc phục thẻ vàng nhưng đã thể hiện được tích cực, chủ động của tỉnh, đó là sớm ban hành các văn bản quy định của Trung ương; tăng cường công tác thông tin truyên truyền đến từng ngư dân; tăng cường năng lực chuyên mô cho cán bộ chuyên trách…

Trước đó, tại Hội nghị phổ biến các kết quả làm việc lần 2 của Đoàn Thanh tra Ủy ban châu Âu về khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định tại TP. Đà Nẵng, Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) cho biết, Kiên Giang là địa phương được đoàn Thanh tra EC kiểm tra và nhận định có nhiều chuyển biến tích cực, đã cải thiện đáng kể trong công tác theo dõi, kiểm soát, giám sát tàu cá so với lần kiểm tra trước. Như qua kiểm tra thực tế tại cảng cá Tắc Cậu, đã có sự tiến bộ đáng kể; quy trình quản lý, tổ chức giám sát tàu cá và kiểm soát sản lượng qua cảng được thực hiện linh hoạt và hiệu quả; nỗ lực triển khai lắp đặt thiết bị giám sát tàu cá…

Bà Nguyễn Thị Trang Nhung, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Hợp tác Quốc tế, Tổng cục Thủy sản cho rằng: Kiên Giang là địa phương được đoàn Thanh tra EC kiểm tra trong cả 2 năm (2018- 2019), bên cạnh những khuyến khuyết, Kiên Giang đã có nhiều nỗ lực rất lớn trong thời gian qua.

Khi làm việc với đoàn Thanh tra EC, Kiên Giang đã rất chuyên nghiệp trong việc vận hành giám sát tàu biển, tuy chưa lắp đặt hết thiết bị giám sát cho tàu dài 15m trở lên nhưng Kiên Giang có một danh sách cụ thể chỉ rõ tàu nào là tàu chưa lắp, và giải thích lý do tại sao chưa được lắp; cán bộ chuyên trách ở đây làm việc rất tích cực, chuyên nghiệp, phối hợp chặt chẽ với nhau…

Ông Nguyễn Quang Hùng, Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Thủy sản cho biết: Mục tiêu năm 2020 phải ngăn chặn, chấm dứt hoàn toàn tàu cá vi phạm khai thác vùng biển nước ngoài. Để ngăn chặn, chấm dứt hoàn toàn tàu cá khai thác bất hợp pháp đầu tiên là phải nêu cao ý thức người dân, tuân thủ quy định pháp luật liên quan, và người dân cần hiểu rõ, chống khai thác bất hợp pháp, gỡ thẻ vàng là mang lại giá trị kinh tế trực tiếp cho người dân.

Trước hết các địa phương cần tiếp tục triển khai tốt Luật Thủy sản, tuyên truyền cho các ngư dân, đặc biệt là ngư dân đã vi phạm và gần vi phạm vùng biển nước ngoài.

Thứ 2 là tăng cường kiểm soát tàu cá từ khi xuất bến, phải giám sát bằng thiết bị hành trình, những tàu gần vùng giáp ranh và có dấu hiệu vi phạm phải cảnh báo, vận động ngư dân quay về; trường hợp bất khả kháng thì lực lượng chức năng phải ra tận nơi can thiệp, xử lý; khi tàu vi phạm về bờ phải bị xử lý nghiêm.

Lưu Hương

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/doi-song/kien-giang-nhieu-no-luc-khac-phuc-the-vang-tu-ec/384270.vgp