Kinh tế Đức có thể cần đến 2 năm để phục hồi

Theo báo cáo đánh giá mới nhất của Viện nghiên cứu kinh tế Đức (DIW), giai đoạn yếu kém của nền kinh tế Đức vẫn tiếp diễn.

Sau khi Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Đức tăng nhẹ 0,2% vào quý 1 năm nay, diễn biến tích cực đã không tiếp tục diễn ra như kỳ vọng. Trong quý II năm 2024, sản lượng kinh tế Đức đã giảm nhẹ (0,1%).

Nguyên nhân chính là do một mặt, lĩnh vực tiêu dùng tư nhân không đạt được động lực tăng trưởng dù mức lương thực tế tăng; mặt khác, đầu tư của các doanh nghiệp cho nhà xưởng và thiết bị sản xuất sụt giảm mạnh.

Ngoài ra, lĩnh vực xuất khẩu cũng giảm do nhu cầu của thế giới về hàng hóa công nghiệp của Đức ở mức thấp. Mặc dù xuất khẩu dịch vụ được thúc đẩy nhờ lĩnh vực du lịch nhưng không thể giúp ngăn chặn sự sụt giảm của tổng kim ngạch xuất khẩu.

Trong quý III, nền kinh tế lớn nhất châu Âu vẫn khó có thể phục hồi trở lại. Lĩnh vực tiêu dùng tư nhân có khả năng sẽ tăng trưởng nhưng không đạt mức độ mạnh mẽ như kỳ vọng. Mức lương thực tế tăng mạnh kể từ giữa năm 2023 có thể sẽ hỗ trợ tiêu dùng tư nhân trong nửa cuối năm.

Tỷ lệ lạm phát đã giảm xuống dưới mốc 2% trong tháng 8/2024 cũng phần nào củng cố niềm tin của người tiêu dùng và kích thích chi tiêu cá nhân.

Tuy nhiên, sự phục hồi kinh tế không chắc chắn, cũng như mối lo ngại ngày càng tăng về tình trạng mất việc làm do số lượng doanh nghiệp phá sản tăng mạnh, có thể sẽ khiến các hộ gia đình phải cân nhắc nhiều hơn trong chi tiêu, khiến lĩnh vực này không tăng trưởng mạnh như kỳ vọng.

Các chỉ số tâm lý tiêu dùng vốn tăng đều trong nửa đầu năm nhưng gần đây lại suy giảm nhẹ, đã cho thấy điều này.

Lĩnh vực đầu tư có thể một lần nữa tác động tiêu cực đến hiệu quả kinh tế trong quý hiện tại. Do nhu cầu hàng hóa, sản phẩm công nghiệp yếu nên sản xuất công nghiệp không có động lực tăng trưởng.

Do xuất khẩu yếu và sản xuất công nghiệp trì trệ, lĩnh vực nhập khẩu nhiều khả năng cũng sẽ suy giảm. Như vậy, cả xuất khẩu và nhập khẩu đều khó có thể đóng góp tích cực cho sự phục hồi kinh tế.

Theo dự báo của Viện DIW, nền kinh tế Đức có khả năng phục hồi trong 2 năm tới. Tuy nhiên, mức độ phục hồi được cho là vẫn chậm hơn so với các dự báo trong mùa Hè.

Những nhân tố tích cực như tiền lương thực tế tăng, tỷ lệ lạm phát giảm, số lượng lao động thất nghiệp dự kiến sẽ đạt đỉnh vào đầu năm 2025 và giảm trở lại khi nền kinh tế phục hồi, có thể sẽ thúc đẩy lĩnh vực tiêu dùng tư nhân tăng trưởng nhanh hơn, hỗ trợ tốt cho tăng trưởng kinh tế vào đầu năm 2025. Lĩnh vực chi tiêu công của chính phủ cũng sẽ đóng góp tích cực cho tăng trưởng GDP.

Lĩnh vực ngoại thương của Đức dự kiến sẽ tăng trở lại đáng kể trong năm tới. Nhu cầu về hàng hóa công nghiệp của Đức, được hỗ trợ bởi lãi suất giảm trên phạm vi toàn thế giới và hoạt động đầu tư ra nước ngoài ngày càng tăng, có thể sẽ tăng trở lại.

Trong trung hạn, do đầu tư yếu vẫn kéo dài và tiềm năng lực lượng lao động suy giảm, GDP của Đức được cho là sẽ tiếp tục tăng trưởng yếu cho đến cuối năm 2029.

Bảo Ngọc

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/kinh-te-duc-co-the-can-den-2-nam-de-phuc-hoi-156057.html