Kinh tế Mỹ tăng tốc, nhưng động lực yếu dần

Kinh tế Mỹ tăng với tốc độ nhanh hơn trong quý đầu năm 2019, nhưng chủ yếu do xuất khẩu và tồn kho tăng đã che giấu đi sự yếu kém về nhu cầu trong nước.

Cụ thể Bộ Thương mại Mỹ hôm thứ Năm tuần trước đã công bố số liệu điều chỉnh lần thứ ba cho thấy, tổng sản phẩm quốc nọi (GDP) của Mỹ tăng trưởng 3,1% trong quý đầu năm so với cùng kỳ năm trước, không thay đổi so với số liệu ước tính được công bố tháng trước. Được biết nền kinh tế lớn nhất thế giới tăng trưởng 2,2% trong quý IV/2018.

Mặc dù số liệu điều chỉnh không thay đổi, song tăng trưởng chi tiêu tiêu dùng đã được điều chỉnh thấp hơn, song đầu tư kinh doanh vào các sản phẩm sở hữu trí tuệ mạnh hơn so với ước tính trước đây. Số liệu sửa đổi cũng ghi nhận sự tăng nhẹ trong chi tiêu của chính phủ và phi chính phủ; trong khi thâm hụt thương mại và tích lũy hàng tồn kho cũng thay đổi nhỏ.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Nếu loại trừ thương mại, hàng tồn kho và chi tiêu của chính phủ, nền kinh tế lớn nhất thế giới chỉ tăng trưởng 1,3% trong quý đầu tiên. Đó là mức tăng chậm nhất trong thước đo nhu cầu nội địa kể từ quý II/2013.

Xét ở phía thu nhập, tổng thu nhập quốc nội (GDI) của Mỹ chỉ tăng trưởng với tốc độ 1,0% trong quý vừa qua, thấp hơn so với con số ước tính là 1,4% do lợi nhuận giảm. Trong khi trung bình của GDP và GDI - còn được gọi là tổng sản lượng quốc nội và được coi là thước đo hoạt động kinh tế tốt hơn - tăng 2,1% trong quý đầu năm, giảm so với tốc độ tăng trưởng 2,2% theo số liệu ước tính được công bố tháng trước.

Lạm phát tiếp tục yếu ớt trong quý đầu năm. Theo đó, thước đo lạm phát ưa thích của Fed – chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) chỉ tăng 1,2% trong quý đầu năm dù đã được điều chỉnh tăng so với tốc độ 1,0% của số liệu ước tính.

“GDP quý I đã vẽ nên một bức tranh sai lệch về sức mạnh của nền kinh tế Mỹ vào đầu năm và GDP quý II sẽ đến như một lời nhắc nhở rằng nền kinh tế hiện đang ở thời điểm có thể đảo chiều”, Lydia Boussour - một chuyên gia kinh tế Mỹ cao cấp của Oxford Economíc ở New York nói.

Một báo cáo khác cũng vừa được Bộ Thương mại Mỹ công bố cho thấy, số người Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp tăng nhiều hơn dự kiến vào tuần trước, nhưng vẫn không có dấu hiệu của sự gia tăng đáng kể trong việc sa thải khi tăng trưởng kinh tế chuyển sang mức thấp hơn. Cụ thể, số đơn xin hưởng trợ cấp thất nghiệp đã tăng 10.000 lên 227.000 trong tuần kết thúc vào ngày 22/6. Trung bình động 4 tuần, vốn được xem là thước đo tốt hơn của xu hướng thị trường lao động, tăng 2.250 đến 221.250 trong tuần trước.

“Tăng trưởng việc làm có thể chậm lại, nhưng các nhà tuyển dụng dường như không cắt giảm mạnh biên chế của họ”, Jim Baird - Giám đốc đầu tư tại Plante Moran Financial Advisors ở Kalamazoo, Michigan nói.

Nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ đánh dấu 10 năm tăng trưởng liên tục vào tháng Bảy, quãng thời gian tăng trưởng dài nhất trong lịch sử. Nhưng động lực đang yếu dần khi mà sản xuất đang gặp khó khăn, trong khi thâm hụt thương mại lại mở rộng, còn lĩnh vực nhà ở vẫn trì trệ. Điều đó cũng phần nào cho thấy cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang làm tổn thương cả niềm tin của doanh nghiệp và người tiêu dùng.

“Ngay cả khi nền kinh tế Mỹ đang ghi nhận thời gian tăng trưởng dài nhất trong lịch sử, nỗi lo suy thoái ngày càng tăng”, Scott Hoyt - một nhà kinh tế cấp cao tại Moody Nott Analytics ở West Chester, Pennsylvania cho biết. “Các doanh nghiệp của Mỹ đang sợ hãi bởi chính sách thương mại thất thường của tổng thống”.

Chủ tịch Fed Jerome Powell vào tuần trước cũng đã thừa nhận sự tăng tốc tạm thời của tăng trưởng kinh tế từ thương mại và hàng tồn kho, mà ông mô tả là các thành phần không phải là đáng tin cậy của động lực.

Ngân hàng Trung ương Mỹ hôm 19/6 đã báo hiệu có thể cắt giảm lãi suất vào đầu tháng 7 với lý do là rủi ro gia tăng đối với nền kinh tế, đặc biệt là từ sự leo thang trong xung đột thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, trong khi lạm phát cũng đang rất yếu ớt.

Mai Ngọc

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/kinh-te-my-tang-toc-nhung-dong-luc-yeu-dan-89453.html