Kinh tế Xây dựng - Giao thông Thành lập hãng hàng không chuyên chở hàng hóa, tránh bỏ ngỏ thị phần

Cục Hàng không Việt Nam cho rằng, việc xem xét đồng ý cấp giấy phép cho doanh nghiệp Việt Nam thành lập hãng hàng không mới chuyên chở hàng hóa tại thời điểm hiện tại là phù hợp.

Việc phát triển hoạt động vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không tại thời điểm hiện tại là rất cần thiết. Ảnh: ĐT

Cục Hàng không Việt Nam vừa có báo cáo bổ sung đánh giá thị trường vận chuyển hàng hóa hàng không Việt Nam để xem xét cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không cho CTCP IPP Air Cargo.

Theo Cục Hàng không Việt Nam, giai đoạn 30 năm qua, các doanh nghiệp hàng không Việt Nam mới tập trung vận chuyển hành khách mà bỏ ngỏ thị trường hàng hóa cho phía nước ngoài khai thác.

Đặc biệt, trong xu thế đón bắt cơ hội từ giai đoạn hậu COVID-19, việc xem xét đồng ý cấp giấy phép cho doanh nghiệp Việt Nam thành lập hãng hàng không mới chuyên chở hàng hóa tại thời điểm hiện tại (năm 2022) là phù hợp với định hướng chiến lược của Thủ tướng Chính phủ tại các Quyết định 318 và 236 cũng như thực tế thị trường hàng không Việt Nam.

Việc bổ sung IPP Air Cargo sẽ tăng sức cạnh tranh, tăng thị phần vận chuyển hàng hóa quốc tế cho hãng hàng không Việt Nam tại thị trường hàng không Việt Nam nói riêng và thị trường vận chuyển hàng hóa quốc tế nói chung.

Cũng theo Cục Hàng không Việt Nam, từ năm 1991, khi hàng không dân dụng tách ra khỏi quân đội, tổng hàng hóa chở bằng máy bay tại Việt Nam đạt 18.384 tấn.

Qua hơn 30 năm phát triển, thị trường vận tải hàng hóa hàng không Việt Nam đã có bước tăng trưởng nhảy vọt với sản lượng năm 2021 đạt 1,3 triệu tấn và dự kiến đạt hơn 1,52 triệu tấn vào năm 2022, tăng gần 83 lần so với năm 1991 và 21,2% so với năm 2019; đạt tốc độ tăng trưởng bình quân cả thời kỳ 1991-2022 là 15,3%/năm.

Mặc dù thị trường có sự tăng trưởng ổn định nhưng cho đến nay, hàng không Việt Nam với 05 hãng hàng không, vẫn chỉ khai thác vận chuyển hàng hóa kết hợp trên chuyến bay chuyên chở hành khách và chưa có hãng hàng không vận chuyển hàng hóa bằng tàu bay chuyên dụng.

Tại thị trường quốc tế, thị phần hàng hóa quốc tế của các hãng hàng không Việt Nam chỉ đạt 18% vào năm 2019 và giai đoạn 2020-2021 chỉ đạt 10-12% thị phần hàng hóa quốc tế.

Tại thời điểm hiện tại, thị trường hàng hóa quốc tế của hàng không Việt Nam đang có 29 hãng hàng không nước ngoài khai thác tàu bay chuyên chở hàng hóa từ 16 quốc gia, vùng lãnh thổ đến Việt Nam.

Trong thời gian qua, do số lượng các chuyến bay chuyên chở hành khách kết hợp hàng hóa giảm mạnh trong khi nhu cầu vận chuyển tăng cao nên giá cước vận chuyển hàng hóa quốc tế đã tăng vọt từ 3 - 4 lần, thậm chí từng thời điểm, từng thị trường, giá cước tăng 5 - 6 lần so với trước dịch COVID-19.

Theo laodong.vn

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/thanh-lap-hang-hang-khong-chuyen-cho-hang-hoa-tranh-bo-ngo-thi-phan-a111216.html