Kỳ cuối: Vì một Thủ đô bình yên, văn minh, thanh lịch…

Tôi vẫn nhớ, rất nhiều lần khi phỏng vấn các hòa giải viên, những câu chuyện về nghề, những kỷ niệm buồn vui về những lần đi hòa giải, những đổi thay tích cực của xóm, của làng, cả những trăn trở, tâm tư luôn được các cô, bác chia sẻ đầy nhiệt thành. Nhưng khi tôi hỏi tên, thường thì đáp lại chỉ là những nụ cười đôn hậu, hiền lành.

Nhiều cô, bác nói với tôi rằng, “con cứ viết tên bác là hòa giải viên. Tên riêng của bác ở trong tên gọi chung với mọi người. Nỗ lực của bác hòa vào nỗ lực của bao nhiêu hòa giải viên khác và bao nhiêu con người khác ở mọi ngành nghề, mọi thành phần, mọi lứa tuổi…góp phần giữ gìn sự bình yên, văn minh, thanh lịch của Thủ đô hôm nay và của mãi mai sau”…

Hòa giải viên – “Người nhà” của mọi nhà

Với nhiều hòa giải viên – công tác hòa giải không phải là công việc duy nhất họ tham gia đóng góp cho địa phương, như hòa giải viên Lê Đình Can (phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy). Từng giữ chức vụ Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát quân sự Trung ương, với vốn kiến thức và kinh nghiệm tham gia trong lĩnh vực pháp luật, sau khi về nghỉ hưu, ông lại tiếp tục tham gia đóng góp vào nhiều hoạt động đoàn thể của địa phương. Từ việc tham gia đoàn Hội thẩm nhân dân của TAND quận Cầu Giấy đến các hoạt động của Mặt trận Tổ quốc quận, Hội cựu chiến binh, Hội người cao tuổi. Nhưng công việc khiến ông “cảm thấy tâm đắc và gắn bó nhất vẫn là hòa giải”.

“Trước đây, trong thời gian rèn luyện ở quân ngũ, chúng tôi đã được nghe về lời dạy của Bác Hồ là “mỗi chiến sĩ quân đội nhân dân Việt Nam không chỉ đánh giặc giỏi mà còn phải là những người làm công tác dân vận giỏi”. Vận dụng những bài học trong làm công tác dân vận mà tôi có những kinh nghiệm quý làm cơ sở tiến hành công tác hòa giải sau này. Đó là gặp vấn đề gì, muốn quyết định đúng phải điều tra, nghiên cứu rõ ràng, nắm chắc tình hình. Trên cơ sở các quy định của pháp luật, các phong tục tập quán tốt đẹp trong ứng xử, tìm mọi cách giải thích cho người dân hiểu để từ đó giúp người dân có được cách nghĩ đúng, cách ứng xử đúng.

Bản thân mỗi một hòa giải viên cũng nỗ lực nêu gương trong cách sống, cách ứng xử sao cho văn minh, thanh lịch, cho đúng với quy định pháp luật và các chuẩn mực đạo đức xã hội thì mình đi hòa giải mới vận động, thuyết phục được người ta”, hòa giải viên Lê Đình Can chia sẻ.

Cũng gắn bó tâm huyết với công tác hòa giải, nhưng với hòa giải viên Nguyễn Thị Biên – Tổ trưởng Tổ hòa giải Cầu Bươu 4, phường Hà Cầu, quận Hà Đông, thì chẳng cứ gì phải đợi đến lúc có mâu thuẫn, xích mích người ta mới nhớ đến bà. Mà bất kể công to việc nhỏ gì, từ viết các loại đơn từ, chuẩn bị hồ sơ làm thủ tục khai sinh, đăng ký kết hôn, điền thông tin vào các tờ khai… hay có việc gì cần tư vấn, cần lời khuyên, nhiều người lại tin tưởng tìm đến bà.

Việc nhỏ, việc to, việc nhà ai, việc của ai - làm được bà đều vui vẻ nhận lời và nhiệt tình giúp đỡ, chẳng nề hà. Cảm tưởng như những hòa giải viên như bà đã thực sự trở thành “người nhà” của mọi nhà, vui cùng niềm vui, lo cùng nỗi lo với mọi người. Để rồi niềm vui chia ra, niềm vui nhân đôi, nỗi buồn chia ra, nỗi buồn vơi bớt đi. Để rồi sau mỗi một lần hòa giải kịp thời một chuyện xích mích, mâu thuẫn, khu phố lại một lần trở lại yên tĩnh, hiền hòa, xinh đẹp, bình yên.

Có lẽ, chính niềm vui sau những lần giúp được cho bà con trong khu phố hiểu rõ các quy định pháp luật, niềm vui khi những mâu thuẫn, va chạm, xích mích được cởi bỏ, niềm vui khi con người ta biết hướng đến những giá trị sống tốt đẹp hơn chính là nguồn động viên lớn lao để hòa giải viên Lê Đình Can, hòa giải viên Nguyễn Thị Biên cũng như rất nhiều hòa giải viên khác của TP Hà Nội thêm yêu, thêm gắn bó tâm huyết với công tác hòa giải.

Những hòa giải viên tiêu biểu đại diện cho hơn 35.053 hòa giải viên của TP được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND TP Hà Nội vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác hòa giải. Ảnh: T.Hải

Những hòa giải viên tiêu biểu đại diện cho hơn 35.053 hòa giải viên của TP được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND TP Hà Nội vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác hòa giải. Ảnh: T.Hải

Bắc những nhịp cầu kết nối yêu thương con người

Hà Nội hiện có 5.444 tổ hòa giải với 35.053 hòa giải viên, trong đó số hòa giải viên có trình độ chuyên môn luật là 3.117 người. Trong 5 năm triển khai thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở (2014-2018), đội ngũ hòa giải viên của TP Hà Nội đã hòa giải thành 34.295/ 42.642 vụ (đạt tỷ lệ 82%). Đáng chú ý, số vụ việc phát sinh mâu thuẫn tiếp nhận hòa giải hàng năm đã giảm (năm 2018: phát sinh: 6.642 vụ giảm hơn 3.000 vụ so với năm 2014, 2015, giảm hơn 1.500 vụ so với năm 2017). Vị trí, vai trò của các tổ hòa giải, hòa giải viên trong đời sống xã hội ngày càng được khẳng định và được đón nhận trong cộng đồng dân cư.

Theo Phó Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm Lưu Ngọc Hà: “Cuộc sống với muôn sắc màu rất khó tránh khỏi những va chạm, mâu thuẫn, tranh chấp giữa các thành viên trong gia đình và trong cộng đồng dân cư. Những mâu thuẫn, tranh chấp này nếu không giải quyết kịp thời thì từ mâu thuẫn nhỏ sẽ thành mâu thuẫn lớn, từ tranh chấp dân sự thuần túy có thể chuyển thành vụ án hình sự, gây mất đoàn kết trong nội bộ nhân dân, ảnh hưởng lớn tới an ninh trật tự ở cơ sở.

Để giải quyết những mâu thuẫn, tranh chấp, xung đột xã hội, có nhiều phương thức khác nhau, trong đó hòa giải đều được thừa nhận và khuyến khích phát triển. Đặc biệt ở Việt Nam, xuất phát từ những đặc điểm lịch sử, truyền thống tâm lý, hòa giải được xem là phương án trước hết và tối ưu để giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp trong nội bộ nhân dân”.

“Trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm, trong nhiều năm qua với sự tham gia lặng thầm nhưng đầy tinh thần, trách nhiệm của hàng trăm hòa giải viên để góp phần hàn gắn những rạn nứt, xóa bỏ những mâu thuẫn, vun đắp hòa thuận trong từng gia đình, cộng đồng dân cư. Qua đó góp phần nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hình thành trong mỗi cá nhân ý thức chấp hành pháp luật, ý thức “sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”. Đồng thời giúp phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống”.

Với nhiều xã, phường, thị trấn, quận, huyện trên địa bàn TP Hà Nội, việc duy trì, phát triển và không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở cũng được đánh giá là góp phần quan trọng vào việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý Nhà nước tại địa phương.

Tại Hội nghị tổng kết 5 năm thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở trên địa bàn TP Hà Nội, vai trò của công tác hòa giải viên, nỗ lực, cống hiến của đội ngũ hòa giải viên cơ sở cũng đã được đại diện lãnh đạo TP Hà Nội ghi nhận, biểu dương. Theo Phó Chủ tịch UBND TP, Chủ tịch Hội đồng Phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật TP Hà Nội Lê Hồng Sơn: “Ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội luôn là điểm sáng của TP Hà Nội. Sự ổn định đó là nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự góp sức của các ban ngành, đoàn thể và toàn thể nhân dân trên địa bàn TP, trong đó có sự đóng góp tâm huyết, của đội ngũ hòa giải viên”.

“Làm tốt công tác hòa giải ở cơ sở, phổ biến giáo dục pháp luật sẽ góp phần phòng ngừa, giảm thiểu các vi phạm pháp luật. Kinh phí dành cho các hoạt động đấu tranh chống tội phạm, các hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, các hoạt động giam giữ, giáo dục phạm nhân theo đó cũng sẽ được giảm thiểu. Các hoạt động xét xử, thi hành hình phạt – đó là bất đắc dĩ chúng ta mới phải làm. Còn tốt hơn hết vẫn là hóa giải những mâu thuẫn, tranh chấp ngay khi chỉ vừa mới manh nha”, Phó Chủ tịch UBND TP Lê Hồng Sơn nói.

Phó Chủ tịch UBND TP Lê Hồng Sơn cũng nhấn mạnh: “Trong nhiều năm qua, các hòa giải viên của TP đã rất tâm huyết, trách nhiệm, khéo léo kiên trì thuyết phục, vận động người dân, hóa giải các tranh chấp, mâu thuẫn, cống hiến vì một Thủ đô bình yên, văn minh, thanh lịch”.

Gắn thi Hòa giải viên giỏi với tuyên truyền quy tắc ứng xử

Những ngày này, TP Hà Nội đang tích cực chuẩn bị cho Cuộc thi Hòa giải viên giỏi TP Hà Nội năm 2019. Điểm đặc biệt của cuộc thi năm nay là gắn với công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Trong đó chú trọng phổ biến bộ Quy tắc ứng xử nơi cộng của TP và các đạo luật mới ban hành có liên quan trực tiếp đến đời sống hàng ngày của người dân.

Cuộc thi vừa là dịp để biểu dương, tôn vinh những điển hình xuất sắc trong công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn TP vừa là diễn đàn để các hòa giải viên trau dồi, chia sẻ những kiến thức kỹ năng hữu ích trong công tác hòa giải.

Cũng từ các cuộc thi, các cấp ủy, chính quyền địa phương thêm hiểu, thêm tin công tác hòa giải ở cơ sở, để tới đây sẽ dành nhiều sự quan tâm động viên, hỗ trợ, tạo điều kiện nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác quan trọng này. Mỗi người dân, mỗi cộng đồng và toàn xã hội sẽ thêm yêu mến và tin cậy đội ngũ hòa giải viên, trân trọng những đóng góp thầm lặng của họ cho bình yên trong mỗi gia đình, mỗi cộng đồng và toàn xã hội.

Thanh Hải

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/ky-cuoi-vi-mot-thu-do-binh-yen-van-minh-thanh-lich-158942.html