Kỳ II: Cần thay đổi thói quen

PTĐT - 'Ngày không túi nilon - The Nature Day' là hoạt động thường niên được tổ chức vào ngày 9/9 tại Việt Nam với mục đích giúp người dân thay đổi nhận thức, thói quen sử dụng túi nilon để bảo vệ môi trường sống xanh, sạch cho nhiều thế hệ sau.

ĐVTN huyện Hạ Hòa vệ sinh môi trường, thu gom nilon và rác thải nhựa.

ĐVTN huyện Hạ Hòa vệ sinh môi trường, thu gom nilon và rác thải nhựa.

>>> Kỳ I: Nỗi lo “ô nhiễm trắng”
PTĐT - “Ngày không túi nilon - The Nature Day” là hoạt động thường niên được tổ chức vào ngày 9/9 tại Việt Nam với mục đích giúp người dân thay đổi nhận thức, thói quen sử dụng túi nilon để bảo vệ môi trường sống xanh, sạch cho nhiều thế hệ sau. Tuy nhiên, đã 10 năm kể từ ngày phát động ở Hội An năm 2009, vẫn còn rất ít người biết đến ngày này. Bởi thế “ngày không túi nilon” cần thay đổi ngay từ thói quen hàng ngày!
Trong những năm vừa qua, cuộc vận động xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch” được các cấp hội LHPN trong toàn tỉnh thực hiện có hiệu quả với nhiều mô hình thiết thực như: Tuyến đường phố văn minh; Giờ gom rác; Xây dựng lò tiêu hủy rác thải hộ gia đình; Phụ nữ thu gom và vận chuyển rác thải hộ gia đình… Từ năm 2013 trong cuộc vận động này Hội LHPN tỉnh đã triển khai mô hình Gia đình xách làn đi chợ và mô hình 2 T “T-tiết kiệm và T-tận dụng” để tiết kiệm nguồn phế liệu từ vỏ chai, lon bia, giấy bìa… bán gây quỹ và tận dụng vỏ rau, củ, quả làm phân hữu cơ.
Trao đổi với chúng tôi chị Nguyễn Kim Khánh-Chủ tịch Hội LHPN TP Việt Trì cho biết: Toàn thành phố hiện đang duy trì 122 nhóm gia đình xách làn đi chợ; 95 nhóm tiết kiệm phế liệu và 53 tổ thu gom rác thải, 42 nhóm phân loại rác thải tại hộ gia đình. Bên cạnh việc duy trì hoạt động của các tổ nhóm, hội LHPN các cấp cũng thường xuyên tuyên truyền trong hội viên và nhân dân về việc cần thiết phải phân loại rác trong mỗi gia đình và tác hại của nilon, rác thải nhựa đối với môi trường.Là một trong những hội cơ sở triển khai tốt các hoạt động bảo vệ môi trường, thời gian qua Hội LHPN xã Trưng Vương đã tổ chức tặng 40 thùng rác, 64 chiếc làn nhựa và 190 chiếc lồng bàn nhựa. Ngoài việc sử dụng làn nhựa để đi chợ, nhiều hội viên trong xã cũng đã dùng các hộp nhựa để đựng thức ăn mua tại các chợ nhằm giảm thiểu việc sử dụng túi nilon. Một điều rất thú vị là số hộp nhựa này được các hội viên mua từ chính số tiền tiết kiệm được từ phế liệu được phân loại tại các gia đình. Đến thăm gia đình chị Vũ Thị Hưng, khu 6, xã Trưng Vương khi chị đang sử dụng nguồn phân hữu cơ tận dụng từ vỏ củ quả, rau để bón cho vườn cây ăn quả được chị cho biết: Từ khi được tuyên truyền về việc phân loại rác của hội LHPN, nhà tôi cũng chia thành hai thùng rác, số rác hữu cơ được ủ lại để làm phân bón còn rác vô cơ, một số vỏ chai, giấy, nhựa được giữ lại để bán gây quỹ. Cả nhà đều tham gia phân loại rác, đây là việc làm tôi thấy rất cần thiết để bảo vệ môi trường.

Chị Vũ Thị Luyến, khu ̀6, xã Trưng Vương, TP Việt Trì thường xuyên sử dụng các hộp nhựa, làn nhựa khi đi mua đồ tại chợ nhằm hạn chế sử dụng túi nilon.

Chị Vũ Thị Luyến, khu ̀6, xã Trưng Vương, TP Việt Trì thường xuyên sử dụng các hộp nhựa, làn nhựa khi đi mua đồ tại chợ nhằm hạn chế sử dụng túi nilon.

Gặp chị Vũ Thị Luyến, khu 6, xã Trưng Vương khi chị vừa đi chợ về: Trước sử dụng làn nhựa rồi hộp nhựa tôi thấy cũng hơi cách rách, giờ thì cả gia đình đều quen với việc này rồi. Tôi nghĩ mỗi người hạn chế một chiếc túi nilon, một hộp nhựa dùng một lần sẽ góp phần giảm lượng rác thải không phân hủy được ra môi trường.Là quy định được đưa vào thành tiêu chí đánh giá hàng năm đối với các sinh viên, từ năm 2012 đến nay, Trường Cao đẳng Y dược Phú Thọ duy trì việc tất cả CBNV, HSSV, nhà ăn, căng tin, ki ốt không sử dụng túi nilon, túi nhựa và dụng cụ bằng vật liệu xốp để đựng đồ ăn, đồ dùng sinh hoạt...trong khu vực nhà trường. Đã trở thành nền nếp nên đầu năm tại các buổi khai giảng, tất cả học sinh, sinh viên đều được phổ biến nội dung, việc xử phạt theo quy định nếu vi phạm, vì thế học sinh sinh viên trong nhà trường luôn nêu cao ý thức trong việc bảo vệ môi trường nơi làm việc, học tập và sinh hoạt trong khuôn viên nhà trường. Em Nguyễn Minh Liễu, lớp CĐ 9a2 chia sẻ: “Thời gian đầu nhiều bạn vẫn chưa quen với quy định, nhất là với sinh viên ở KTX như em. Sau khi được nhắc nhở mỗi người đã có ý thức hơn, tự mua các đồ cá nhân như cặp lồng để mua đồ ăn hay đồ dùng hàng ngày”.Trong những năm qua, ngành GD-ĐT đã tích cực trong công tác giáo dục, tuyên tuyền và tổ chức các hoạt động chung tay bảo vệ môi trường. Nhiều trường đã triển khai việc phân loại rác, bố trí thùng rác thành hai loại rác vô cơ và rác hữu cơ. Tùy vào điều kiện thực tế của mỗi cơ sở giáo dục để có biện pháp thu gom và xử lý rác thải cho phù hợp, đúng quy định đảm bảo giữ gìn vệ sinh môi trường. Đối với lực lượng ĐVTN, việc duy trì “Ngày chủ nhật xanh” nhiều năm nay cũng là hoạt động thiết thực, giáo dục thế hệ trẻ trong công tác bảo vệ môi trường sống. Trong năm nay, “Ngày chủ nhật xanh” được tổ chức với chủ đề “Tuổi trẻ Đất Tổ hưởng ứng phong trào chống rác thải nhựa” tập trung vào các nội dung: Trồng và chăm sóc cây xanh trên đường phố, xóm làng; không vứt rác bừa bãi nơi công cộng; tuyên truyền, vận động kêu gọi cộng đồng cùng nhau thay đổi hành vi, thói quen sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, túi nilon khó phân hủy, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khỏe con người và hệ sinh thái. Điều đó đã cho thấy thói quen sử dụng túi nilon, rác thải nhựa đang được các cấp, các ngành và mọi tầng lớp nhân dân quan tâm, điều quan trọng là cần thay đổi được thói quen đã ăn sâu hàng chục năm nay.

Nhóm PV Phòng Điện tử

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/van-de-hom-nay/201906/ky-ii-can-thay-doi-thoi-quen-165247