Kỳ nghỉ hè ở Việt Nam có từ bao giờ?

Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng kỳ nghỉ hè ở nước ta có từ thời Pháp thuộc. Câu hỏi đặt ra là có nên thay đổi kỳ nghỉ này cho phù hợp xã hội hiện tại và xu hướng thế giới?

Trước câu hỏi "nghỉ hè có từ bao giờ", dịch giả, nhà nghiên cứu lịch sử Nguyễn Quốc Vương cho rằng kỳ nghỉ vào mùa hè có từ thời Pháp.

Nghỉ hè hay các trường hoạt động theo khung thời gian là giáo dục cận đại, xuất phát từ châu Âu. Trong các cuộc cải cách giáo dục sau này, kỳ nghỉ hè được nhắc lại bằng thông tin một năm học có 9 tháng (kỳ nghỉ hè 3 tháng).

 Học sinh lớp 12, trường THPT Lê Hồng Phong, TP.HCM trong ngày chia tay cuối cấp. Ảnh: Tùng Tin.

Học sinh lớp 12, trường THPT Lê Hồng Phong, TP.HCM trong ngày chia tay cuối cấp. Ảnh: Tùng Tin.

Nguyên Bộ trưởng GD&ĐT: "Từ những năm 1940 đã có nghỉ hè"

Là người bắt đầu học phổ thông từ những năm 1940, GS Phạm Minh Hạc - nguyên Bộ trưởng GD&ĐT thông tin khi đó, đã có nghỉ hè. Ngày đó chưa có luật giáo dục nói chung nên kỳ nghỉ hè không được định nghĩa bằng văn bản mà ảnh hưởng bởi nền giáo dục Pháp thuộc.

GS Hạc cho hay năm 1917, phủ Toàn quyền Đông Dương đã ban nghị định, quy định lại bộ máy giáo dục với ba bậc: Tiểu học, trung học và đại học, với hai hệ thống giáo dục gồm trường Pháp và trường Pháp bản xứ.

GS Phạm Minh Hạc kể ông học tiếng Pháp từ tiểu học. Tiếng Pháp có ở tất cả môn và nhà trường.

PGS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT - cũng học tập vào giai đoạn này (1940-1954). Ông khẳng định giáo dục Việt Nam thời Pháp thuộc đã có kỳ nghỉ hè. Ngày đó, kỳ nghỉ hè bắt đầu vào cuối tháng 5 và đến tháng 9, học sinh trở lại trường. Khi đó, thời gian nghỉ rất hợp lý, bởi thời tiết mùa hè thường khắc nghiệt.

Nghỉ hè được định nghĩa trong nghị định từ năm 1956

TS Vũ Thu Hương - nguyên giảng viên khoa Giáo dục Tiểu học, ĐH Sư phạm Hà Nội - cho biết kỳ nghỉ hè được nêu rõ hơn trong những lần đổi mới, cải cách của giáo dục Việt Nam. Trong đó, các văn bản không nêu rõ là “kỳ nghỉ hè” nhưng có viết “một năm học có 9 tháng”.

Cách mạng tháng Tám thành công, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập, lịch sử giáo dục nước nhà sang một trang mới. Bộ Quốc gia giáo dục là một trong những bộ - thành viên Chính phủ - được thành lập ngay từ những ngày đầu. Bộ trưởng đầu tiên là ông Vũ Đình Hòe.

Đến năm 1950, cuộc cải cách giáo dục được tiến hành, quyết định thực hiện hệ thống trường phổ thông 9 năm và chương trình giảng dạy mới.

Năm 1956, Thủ tướng Chính phủ, theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Giáo dục, đã ban hành chính sách giáo dục phổ thông của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Như vậy, theo TS Vũ Thu Hương, lần đầu tiên kỳ nghỉ hè được định nghĩa trong Nghị định số 1027-TTg Ban hành bản chính sách giáo dục phổ thông của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa như sau:

“Năm học phổ thông gồm 9 tháng, chia ra làm từng học kỳ để học tập đỡ căng thẳng và tiện ôn tập, tổng kết kinh nghiệm. Niên học khai giảng ngày 1/9 năm trước và kết thúc ngày 31/5 năm sau. Điều này phù hợp niên học ở các nước, tiện cho học sinh đi học nước ngoài để học sinh được nghỉ hè vào những tháng nóng nhất (6, 7, 8)”.

Kỳ nghỉ hè 3 tháng như hiện nay quá dài, khiến học sinh bị hụt kiến thức, khi khởi động lại năm học mới gặp nhiều khó khăn. Chia năm học thành 4 kỳ với 4 kỳ nghỉ ngắn là hợp lý, đi theo xu thế toàn cầu.

Thầy Nguyễn Xuân Khang

Cũng từ năm 1956, một năm chia thành 4 kỳ học, giữa mỗi kỳ nghỉ ngắn 1-2 ngày. Hiện tại, nền giáo dục nước ta chỉ có một ngày nghỉ ở giữa 2 kỳ mỗi năm.

Là người học tập trong giai đoạn từ năm 1956 trở đi, TS Lê Viết Khuyến - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT, cho hay trong hoàn cảnh khó khăn chung của đất nước, vào mùa hè, học sinh thường đi làm thêm kiếm tiền trang trải cho việc học của năm sau. Thời bấy giờ, kỳ nghỉ hè của Việt Nam cũng tương đồng nhiều nước trên thế giới.

Thầy Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng trường Marie Curie, Hà Nội thông tin, năm 1954, tháng 6 của kỳ nghỉ hè sẽ là thời gian chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp và chuyển cấp. Tháng 7, giáo viên mới được nghỉ thực sự và tháng 8 nhà trường chuẩn bị cơ sở vật chất, hoạt động chuyên môn cho năm học mới.

Những năm gần đây, việc phân bố kế hoạch năm học, Bộ GD&ĐT giao cho địa phương sắp xếp hợp lý. Tại Hà Nội, năm học sớm nhất sẽ bắt đầu ngày 1/8 và kết thúc muộn nhất ngày 31/5.

Ủng hộ thời gian 4 kỳ nghỉ/năm

TS Vũ Thu Hương ủng hộ thời gian nên có 4 kỳ nghỉ/năm thay vì chỉ có một kỳ nghỉ hè như hiện tại. Theo nữ tiến sĩ, 4 kỳ nghỉ ngắn trong năm sẽ giảm thiểu được vấn nạn dạy thêm, học thêm. Thời gian này, học sinh được nghỉ ngơi trước khi bước vào phần học mới, không có cảm giác một năm học quá dài.

Với một kỳ nghỉ dài như hiện nay, phần lớn phụ huynh cho con tham gia các lớp học thêm vì không có người chăm sóc, trông coi trẻ. Cha mẹ cũng không có kỹ năng chăm sóc, giáo dục con tại nhà trong thời gian dài như vậy.

Thầy Nguyễn Xuân Khang cũng cho rằng kỳ nghỉ hè 3 tháng như hiện nay quá dài, khiến học sinh bị hụt kiến thức, khi khởi động lại năm học mới gặp nhiều khó khăn.

Thầy Khang cho hay chia năm học thành 4 kỳ với 4 kỳ nghỉ ngắn là hợp lý, đi theo xu thế toàn cầu. Tuy nhiên, phương án này cần được thực hiện thống nhất trên toàn quốc chứ không thể chỉ áp dụng với Hà Nội hay một số tỉnh, thành.

Thầy Đào Tuấn Đạt - phụ trách chuyên môn trường Anhxtanh, Hà Nội, thông tin hiện nay, học sinh không còn có kỳ nghỉ hè đầy đủ 3 tháng như trước kia. Thời gian nghỉ hè còn khoảng từ 2 đến 2,5 tháng. Học sinh tựu trường vào tháng 8 chứ không phải tháng 9. Học sinh đi học cả tháng rồi mới khai giảng.

Không cho rằng phải nhất thiết giữ các kỳ nghỉ thống nhất trên toàn quốc, thầy Đào Tuấn Đạt nêu ý kiến các địa phương không cần có năm học theo lộ trình giống nhau, mỗi tỉnh có thể khai giảng khác nhau và có các kỳ nghỉ khác nhau. Thậm chí, thời điểm kết thúc năm học cũng có thể không giống nhau.

Nếu kỳ thi cuối cấp giao về các địa phương, xét tuyển đại học được tổ chức nhiều lần trong năm, việc “địa phương hóa” lịch học, lịch nghỉ hoàn toàn khả thi.

PGS Trần Xuân Nhĩ cũng cho rằng mỗi địa phương có thể sắp xếp kỳ nghỉ khác nhau, tùy thuộc điều kiện khí hậu, văn hóa. Tuy nhiên, đảm bảo khối lượng học tập trong năm và thời gian kết thúc năm học phải tương đồng nhau.

Giáo viên còn băn khoăn với đề xuất cho học sinh nghỉ hết tháng 3 Đề xuất của UBND TP.HCM về việc cho học sinh nghỉ hết tháng 3 nhận được nhiều ý kiến tán đồng về sự kịp thời và chủ động. Tuy nhiên, một số giáo viên còn bày tỏ băn khoăn.

Quyên Quyên

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/ky-nghi-he-o-viet-nam-co-tu-bao-gio-post1049217.html