Ký ức mùa trăng

Mùa thu đang gõ cửa, ánh trăng dịu dàng của những ngày đầu tháng Tám âm lịch như kéo ta trở lại tuổi thơ với câu chuyện cổ tích về chú Cuội, chị Hằng, những đêm rước đèn, trông trăng phá cỗ đầy ắp tiếng cười nói vui vẻ. Xưa nay, Trung thu vốn là cái Tết dành cho thiếu nhi, nhưng với những người đã từng là 'thiếu nhi' thì ký ức về mùa trăng thuở nhỏ luôn là kỷ niệm đẹp nhất theo ta đi suốt cuộc đời…

Các em học sinh xã Khánh Nhạc (Yên Khánh) thi bày mâm ngũ quả trong ngày hội trăng rằm. Ảnh: Minh quang

Đã qua bên kia con dốc cuộc đời, trải qua bao mùa Trung thu ý nghĩa, cựu chiến binh Đỗ Xuân Núi ở khu phố Đông, Thị trấn Yên Ninh, Yên Khánh chia sẻ : ông nhớ nhất là những mùa trăng xưa…

Năm 1970, khi vừa tròn 17 tuổi, ông Núi tình nguyện lên đường nhập ngũ tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Ngày ấy, ông cùng đồng đội làm nhiệm vụ kéo pháo từ Sơn Tây (Hà Nội) vào chi viện lực lượng cho chiến trường Tây Nguyên. Suốt những năm tháng vào sinh ra tử trên chiến trường, dù cứng rắn và kiên cường đến đâu, ông Núi cũng không tránh khỏi những phút yếu lòng mỗi dịp Tết đoàn viên tới.

Trong tâm trí của người lính khi ấy, cảm giác nhớ nhà, nhớ những người bạn ấu thơ nơi quê nghèo lại ùa về. Đó là những ngày gia đình quây quần bên nhau phá mâm cỗ Trung thu đơn giản. Là buổi tối bạn bè khắp xóm tụ tập dưới ánh trăng sáng, tổ chức chơi các trò chơi dân gian, đánh trống ếch và để chân trần rồng rắn nối đuôi nhau đi khắp xóm làng.

Đối lập với không khí thanh bình nơi thôn dã, Trung thu trên chiến trường là những thời khắc chiến đấu vô cùng khốc liệt, chẳng có nổi phút giây yên bình. Tiếng bom rày đạn xéo cuốn con người vào vòng sinh tử. “Giây phút hiếm hoi được nghỉ ngơi, anh em chiến sĩ luôn cố gắng động viên nhau để vơi đi nỗi nhớ quê hương, cùng nhau hi vọng về một tương lai được đón Tết Trung thu đầm ấm, sum họp bên gia đình, người thân” - ông nói. Có lẽ, chính những ước mơ giản dị ấy là động lực thôi thúc người lính chiến đấu dũng cảm, kiên cường cho nền độc lập tự do của Tổ quốc, cho những mùa trăng sau này được trọn ven yêu thương.

Sinh ra và lớn lên khi đất nước đã hoàn toàn thống nhất, tuổi thơ của anh Vũ Đức Hiếu ở thôn Dưỡng Thượng, xã Ninh Vân, Hoa Lư trôi qua êm đềm dưới vầng trăng hòa bình, ấm áp. Anh tâm sự : Thuở bé, cứ gần đến ngày Rằm tháng Tám âm lịch hàng năm, suốt cả tuần trẻ con trong thôn chẳng tối nào chịu ở nhà. Bầu không khí yên bình thường ngày nơi thôn dã bỗng trở nên vui tươi, nhộn nhịp hơn hẳn. Người lớn uống trà, ngắm trăng rôm rả bàn chuyện mùa màng.

Trẻ em xôn xao rước đèn kéo quân, tụ họp về nhà văn hóa thôn xóm làm trại, các anh chị phụ trách chi đoàn nhiệt tình dạy các em nhỏ múa lân, múa sư tử. Tết Trung thu ngày ấy giản dị mà đong đầy cảm xúc. Anh Hiếu cùng bạn bè trong xóm tự tay làm các món đồ chơi yêu thích.

Có thể nói, những “nghệ nhân tí hon” rất thuần thục trong việc chặt tre, chẻ nan, đan lát, ghép khung đèn lồng, tỉ mẩn cắt giấy màu, trang trí đèn ông sao bằng các hình thù ngộ nghĩnh. Tối tối, những chiếc đèn thi nhau sáng rực trên khắp nẻo đường làng, hòa cùng tiếng cười giòn tan khiến ngày Tết Trung thu càng trở nên huyên náo. Tiết thu mát mẻ, những câu chuyện cổ tích bên tách trà, miếng bánh cứ thế nuôi lớn tâm hồn con trẻ, giáo dục lòng yêu quê hương, đất nước…

Ngày nay, Tết Trung thu đã ít nhiều thay đổi. Ngoài ý nghĩa đơn thuần vốn có, đây còn là cơ hội nhiều người lợi dụng để biếu cấp trên, đối tác những món quà xa xỉ. Thay vì gia đình quây quần cùng nhau thưởng thức mâm cỗ đơn giản, người ta lại tổ chức ăn uống linh đình, tốn kém. Không còn những chiếc đèn lồng, đèn ông sao giản dị tự làm nữa mà giờ đây, trẻ em luôn được bố mẹ mua cho những món đồ chơi nhiều màu sắc, có thể tự phát sáng trông rất thời thượng.

Cuộc sống tất bật, vội vã khiến các bậc phụ huynh “quên” kể cho con nghe những câu chuyện về nguồn gốc và ý nghĩa của ngày Tết Trung thu truyền thống. Phải chăng vì thế mà giờ đây, nhiều bạn nhỏ không còn thiết tha với Trung thu nữa khi mà những món đồ chơi, thiết bị công nghệ hiện đại đang dần chiếm hết thời gian rảnh rỗi của các em…

Những mùa trăng xưa đã xa nhưng giá trị về tinh thần của nó vẫn còn mãi. Giờ đây, Tết Trung thu rất cần được giữ lại những hương vị ẩm thực truyền thống, cần được nâng niu những giá trị cốt lõi về tình thân. Một mùa trăng nữa lại về, có lẽ, càng xa rời ấu thơ, ta càng hiểu rằng Trung thu đặc biệt không chỉ bởi đây là cái Tết của thiếu nhi mà nó còn mang ý nghĩa đoàn viên, sum họp, kết nối mọi người gần gũi nhau hơn.

Vân Anh

Nguồn Ninh Bình: http://baoninhbinh.org.vn/ky-uc-mua-trang-2019091308460750p0c3.htm