Ký ức trận mạc của một thầy giáo

Nhà giáo Ưu tú, CCB Phạm Quý Hùng, sinh năm 1942, nguyên Phó giám đốc Sở Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Nghệ An từng tham gia quân đội và cùng đơn vị có mặt trong ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975). Với người thầy giáo già, kỷ niệm về một thời trận mạc luôn hiện hữu trong ký ức như mới hôm qua.

Tháng 9-1972, khi đang là Phó hiệu trưởng Trường THPT Tân Kỳ (tỉnh Nghệ An), thầy Phạm Quý Hùng có cơ hội đi nghiên cứu sinh ở Liên Xô (cũ), nhưng không chần chừ, thầy quyết định lên đường nhập ngũ. Lưu luyến tạm biệt người vợ trẻ và con thơ chưa đầy hai tháng tuổi, thầy khoác ba lô lên đường, được biên chế vào Tiểu đoàn 13, Lữ đoàn 52, Quân khu 5, giữ cương vị trợ lý chính trị, quân lực của tiểu đoàn.

 Nhà giáo Ưu tú, CCB Phạm Quý Hùng.

Nhà giáo Ưu tú, CCB Phạm Quý Hùng.

Thầy Hùng kể, trải qua thời gian chiến đấu ở chiến trường Quảng Nam, Quảng Ngãi và ở nước bạn Lào, đến tháng 4-1975, đơn vị được lệnh tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh. Dọc đường hành quân vào Nam, đơn vị vừa hành quân, vừa đánh giặc, vừa tiến hành công tác dân vận... Đi đến đâu, bộ đội giải phóng cũng được bà con tin yêu. Khi chia tay nhân dân để tiếp tục lên đường, ai cũng bịn rịn, đứng nhìn theo đến khi đoàn quân khuất dần về hướng Nam.

Thầy Hùng còn nhớ, trước khi Chiến dịch Hồ Chí Minh bắt đầu, toàn quân phát động đợt học chính trị: Dám hy sinh trước giờ thắng lợi. Mỗi chiến sĩ đều viết quyết tâm thư thể hiện lời hứa của mình. Tiểu đoàn của thầy được lệnh kéo pháo theo Quốc lộ 1 tiến vào Sài Gòn, gặp địch ở đâu dừng đánh ở đó. Thầy nhớ mãi một lần khi hành quân gần đến Đồng Nai, một xe tăng của ta bị bắn cháy, đồng đội đang trèo vào xe tăng đưa các đồng chí hy sinh ra khỏi xe. Đơn vị của thầy đứng nghiêm, bồng súng mặc niệm, nước mắt rưng rưng. “Rất nhiều đồng đội của chúng tôi đã ngã xuống trước giờ thắng lợi!”, thầy Hùng xúc động kể.

Ngày 29-4, xe pháo của đơn vị hành quân đến Đồng Nai thì trời tối nên được lệnh tập kết vào rừng cao su trú quân. Đêm tối như mực, đơn vị mỗi người mỗi việc, người mắc võng, người kiểm tra xe pháo, chuẩn bị hậu cần... Đêm đó, tâm trạng ai cũng hồi hộp, mong muốn được chứng kiến đại quân ta tiến vào giải phóng Sài Gòn. Ngày 30-4, xe pháo của đơn vị chạy qua các trận địa pháo của quân ngụy. Gần đến Sài Gòn, các anh đã chứng kiến cảnh tượng lính ngụy cởi trần, mặc quần xà lỏn lũ lượt chạy từng đoàn, súng vứt thành đống, mặt mày thất thểu.

Khi đội hình tiến vào Sài Gòn, hai bên đường, các tầng lớp nhân dân cầm cờ giải phóng, cờ đỏ sao vàng náo nức vẫy chào Quân giải phóng. Đơn vị đi đến đâu, các mẹ, các chị đều mang hoa quả, nước giải khát ra tận xe tặng các chiến sĩ. “Uống nước từ những trái dừa do các mẹ, các chị tặng, chúng tôi thấy ấm áp nghĩa tình ruột thịt Bắc-Nam”, thầy Hùng nhớ lại.

Trở về sau ngày đất nước thống nhất, thầy Hùng tiếp tục công tác trong ngành giáo dục, gắn bó với sự nghiệp trồng người, bởi thầy luôn tâm niệm, đây là sứ mệnh thiêng liêng, là lẽ sống của mình. Tháng 9-1975, thầy được Ty Giáo dục (nay là Sở GD-ĐT tỉnh Nghệ An) phân công về công tác tại Trường THPT Nam Đàn 2, sau đó về giữ chức Hiệu trưởng Trường THPT Phạm Hồng Thái (huyện Hưng Nguyên). Năm 1981, thầy được điều động về công tác tại Sở GD-ĐT tỉnh Nghệ An và giữ chức phó giám đốc sở vào năm 1992. Trải qua nhiều cương vị công tác, từ chiến sĩ giải phóng quân, giáo viên, rồi làm quản lý giáo dục... thầy luôn được đồng đội, các thế hệ học sinh, bạn bè, đồng nghiệp kính trọng. Năm 2002, thầy Hùng vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú. Hiện thầy là Trưởng ban liên lạc Hội Nhà giáo nhập ngũ năm 1972 của tỉnh Nghệ An; tích cực tham gia các hoạt động xã hội, kết nối đồng đội, giúp đỡ nhau nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, tương trợ đồng đội trong cuộc sống.

Dù là giáo viên dạy môn toán, nhưng sinh ra trong một gia đình cách mạng, bản thân là con người nhạy cảm nên thầy giáo Phạm Quý Hùng rất yêu văn thơ và đã có nhiều tập thơ, văn xuôi được xuất bản. Những kỷ niệm, ký ức những ngày tham gia quân ngũ, được chứng kiến thời khắc lịch sử trọng đại của dân tộc, đó là niềm cảm hứng để thầy viết văn, làm thơ. Kể về một thời quân ngũ, thầy say sưa đọc những vần thơ giản dị, mộc mạc như chính con người của thầy-một nhà giáo từng qua thời trận mạc: "Lính Trường Sơn vốn là nhà giáo/ Đánh giặc xong lại hát, lại làm thơ/ Yêu xe pháo, xăng dầu chính là lính pháo/ Say chiến công đẹp những ước mơ...".

Bài và ảnh: HOÀNG HOA LÊ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/hau-phuong-chien-si/que-huong/ky-uc-tran-mac-cua-mot-thay-giao-642390