Lạc - mô hình nhân rộng ở Cổ Mỹ cho năng suất cao

Vụ hè thu 2019, mô hình nhân rộng 'Hỗ trợ thực hành nông nghiệp thông minh thích ứng biến đổi khí hậu' (CSA) thuộc Dự án Cải thiện nông nghiệp có tưới (WB7) được Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Quảng Trị tổ chức thực hiện trên cây lạc tại HTX Cổ Mỹ, xã Vĩnh Giang, huyện Vĩnh Linh.

 Lạc được trồng theo mô hình CSA ở HTX Cổ Mỹ cho năng suất cao

Lạc được trồng theo mô hình CSA ở HTX Cổ Mỹ cho năng suất cao

Ông Lê Chẩn, Giám đốc HTX Cổ Mỹ cho biết, mô hình nhân rộng CSA trên cây lạc được triển khai với diện tích 17 ha đã mang lại hiệu quả cho 200 hộ dân tham gia. Ngoài việc sử dụng giống là lạc Lì Tây Nguyên thì khâu làm đất trước khi gieo rất quan trọng. Đất được cày sâu đến tầng đế cày để góp phần tăng năng suất lạc. Ngoài ra cần bừa kĩ cho đất tơi xốp, hạt dễ nảy mầm, cây lạc sinh trưởng tốt. Sau khi bừa đất lần cuối, cần lên luống, rạch hàng sâu 10-15 cm, bón phân lót, phủ đất lấp kín phân để tránh hạt bị thối do tiếp xúc với phân. Bước tiếp theo là gieo hạt, phủ kín hạt ở độ sâu 3-5 cm, đồng thời làm phẳng mặt luống. Phun đều thuốc trừ cỏ tiền nảy mầm lên mặt luống. Trong trường hợp đất khô thì phun nước tưới trước rồi phun thuốc trừ cỏ sau. Theo ông Chẩn, màng ni lông che phủ rộng 120 cm, nên mặt luống cần rộng 100 cm, rãnh 30 cm, luống cao 15- 20 cm. Mặt luống được chia thành 4 hàng chạy dọc theo chiều dài luống, khoảng cách hàng cách hàng 22 cm, cây cách cây 10 cm (nếu gieo 1 hạt/hốc) hoặc cây cách cây 20 cm (nếu gieo 2 hạt/hốc), đảm bảo mật độ 45 cây/m2.

Cây lạc rất cần bón phân lân, kali và vôi bột. Trước hết là bón lót bằng rải trước một lớp phân hữu cơ vi sinh, rồi tiếp tục rải tất cả các loại phân đơn nói trên sau khi đã được trộn đều, tiến hành bừa lại lần cuối. Vôi bột bón lót một nửa trước khi rạch hàng, nửa còn lại bón sát gốc vào lúc lạc đâm tia. Điều cần chú ý là ở đất chua, hoạt động cố định đạm của vi khuẩn nốt sần kém, nếu bón nhiều vôi cho lạc thì phải bón nhiều lần. Tránh bón quá nhiều vôi vì thừa có thể làm cho cây còi cọc.

Khác với ruộng đại trà, ruộng mô hình gieo với mật độ dày, tận dụng triệt để dinh dưỡng trong đất đồng thời ruộng mô hình bón phân đầy đủ và cân đối tỉ lệ NPK, kết hợp chăm sóc đúng quy trình kĩ thuật, nên cây phát triển nhanh và khỏe hơn ruộng đại trà.

Trong quá trình thực hiện mô hình, nông dân HTX Cổ Mỹ đã tuân thủ quy trình của dự án đề ra, đó là sử dụng phân bón vi sinh đã giúp làm tăng độ phì và độ tơi xốp cho đất trồng lạc tại vụ hè thu 2019. Việc thực hiện bón phân tập trung giai đoạn đầu đã làm tăng hiệu quả sử dụng phân bón, cây trồng hấp thu hết và không lãng phí ra môi trường xung quanh, hạn chế bay hơi, rửa trôi, lượng phân được cân đối giữa lượng hữu cơ và vô cơ.

Thực hiện dự án nông dân được hỗ trợ một phần giống lạc, công cụ gieo hạt, đạm vàng, 100% màng phủ ni lông... Lạc được gieo bằng máy gieo hạt giúp ruộng mô hình đảm bảo được mật độ gieo trồng, đồng thời giảm công lao động nên người dân rất thuận lợi khi thực hiện.

Ông Phan Ngọc Giới, một thành viên của HTX cho biết năm nay gia đình ông sử dụng giống lạc Lì Tây Nguyên với tỉ lệ khoảng 160 kg lạc vỏ/ha. Trước khi gieo từ 5-7 ngày nên phơi lại giống lạc (cả vỏ) trong nắng nhẹ 1- 2 ngày, phơi xong mới bóc vỏ. Đây là cách thức gieo mới mà ông cùng người dân ở đây được thử nghiệm, tuy nhiên lại cho tỉ lệ hạt nảy mầm cao hơn 20 - 30% so với cách thức canh tác trước đây. Áp dụng màng phủ ni lông, ông cùng mọi người tiết kiệm được khá nhiều công lao động. Những ngày nắng nóng, khi kiểm tra tình hình sinh trưởng của cây lạc, chân ruộng nào có màng phủ thì cây lạc sinh trưởng tốt, cho năng suất cao hơn so với những ruộng không có màng phủ. Lạc trồng theo mô hình cho năng suất bình quân đạt gần 25 tạ/ha, cao hơn sản xuất đại trà gần 8 tạ/ha. Lợi nhuận thu được ở ruộng mô hình cao hơn ruộng đại trà trung bình 9,5 triệu đồng/ha, có nhiều hộ làm tốt lợi nhuận đạt mức 15 triệu đồng/ha.

Người dân ở HTX Cổ Mỹ còn được hướng dẫn xử lí các phụ phẩm sau thu hoạch như rơm rạ, thân, lá bằng nhiều biện pháp phù hợp và nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu, thực hành nông nghiệp thông minh ứng phó với biến đổi khí hậu. Từ đó giúp nông dân thay đổi cách sản xuất cũ để tiếp cận với tiến bộ khoa học kĩ thuật giúp cây trồng tăng năng suất, giảm chi phí sản xuất. Ngoài ra, sau khi thu hoạch lạc xong nông dân cũng được hướng dẫn thu gom toàn bộ ni lông trên ruộng, tập kết về nơi thu gom rác tại địa phương để xử lí theo đúng quy định. Việc thu gom ni lông giúp môi trường đồng ruộng không bị ô nhiễm chất thải khó phân hủy và hạn chế tối đa được nguồn bệnh lây lan cho vụ sau.

Chủ tịch UBND xã Vĩnh Giang Phan Thị Liên đề nghị dự án tiếp tục hỗ trợ, xây dựng cơ sở hạ tầng như nâng cấp hệ thống tưới tiêu hoàn chỉnh, phục vụ sản xuất lạc tập trung theo hướng hàng hóa, ngày càng mang lại hiệu quả cao hơn. Tiếp tục nhân rộng mô hình CSA trên đại trà nhằm mở rộng đối tượng tham gia, tạo cơ hội cho nông dân tiếp cận khoa học kĩ thuật vào sản xuất.

Ông Nguyễn Hữu Tâm, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cho biết, mục tiêu quan trọng mà dự án WB7 hướng đến là khả năng nhân rộng của mô hình trong sản xuất, thay đổi được nhận thức cũng như tập quán sản xuất cũ nhằm góp phần giúp nông dân thích nghi với phương thức sản xuất thích ứng với sự biến đổi phức tạp của điều kiện khí hậu và mang lại giá trị cao trên một đơn vị diện tích.

Tú Linh

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=143950