Làm rẹt rẹt

Ghê. Dịp tết vừa rồi, chuyện xử phạt về vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông tăng gần 600% so với tết 2019. Vậy nghĩa là ra đường sẽ ít an toàn hơn?

- Thống kê đó chủ yếu có nghĩa là việc phát hiện và xử phạt liên quan đến nồng độ cồn nghiêm khắc hơn. Mà do nghiêm vậy, tai nạn mới giảm. Giới cầm vô lăng mấy năm nay biết rõ chuyện đã bị “thổi” mà dính nồng độ cồn theo mức quy định thì đừng hòng xin xỏ hay thông cảm. Cảnh sát phạt rất rát, nên nhiều người phải chọn dứt khoát đã cầm lái thì không uống bia rượu.

- Nhưng rõ ràng, người ta vẫn có thể chọn phương tiện giao thông công cộng để lỡ uống cũng an toàn?

- Một số ít người vẫn tự tin quá lố về khả năng lái xe khi đã “dzô”. Nhưng mặt khác, nhận thức của số đông đã đồng thuận với việc xử phạt nặng các hành vi vi phạm luật giao thông. Đã sai là xử tương xứng, chứ không còn nạn móc alo gọi cho cô Ba chú Tám cậu Năm nhờ can thiệp. Pháp luật có công bằng hay không là do chuyện thực thi. Nếu chạy xe lạng quạng đều bị phạt tương xứng, đâu ai dám lờn.

- Không chỉ là giao thông mà trong mọi lĩnh vực, thói quen tự động tuân thủ luật luôn là điều cốt lõi. Xã hội sẽ tiến bộ, ngày càng đàng hoàng nếu mọi cái sai bậy đều bị xử phạt nghiêm khắc. Cứ theo quy định mà làm rẹt rẹt!

TƯ QUÉO

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/lam-ret-ret-post677234.html