Làm sao để hết 'móm'?

Báo Sức khỏe&Đời sống mở chuyên mục Tư vấn thẩm mỹ nhằm giải đáp những thắc mắc của bạn đọc trong lĩnh vực làm đẹp, thẩm mỹ.

Người tư vấn:Đại tá - TS.BS. Nguyễn Huy Thọ (ảnh), nguyên Chủ nhiệm khoa Phẫu thuật hàm mặt và Tạo hình - Bệnh viện TW Quân đội 108, Ủy viên Hội đồng Khoa học Sở Y tế Hà Nội.

Em còn trẻ, chưa bị rụng răng, nhưng luôn phải mang biệt danh “bà móm” vì em bị vẩu hàm dưới (nhìn nghiêng, môi trên bị tụt hẳn vào trong so với môi dưới). Em chỉ ước có một sáng mai thức dậy, soi vào gương, thấy hai bờ môi của mình ở đúng vị trí như những người bình thường khác. Bác sĩ giúp em với!

(Thanh Bình - Thanh Hóa)

Vẩu hàm dưới do nhiều nguyên nhân. Trong quá trình phát triển xương hàm, hoặc xương hàm trên kém phát triển, hoặc xương hàm dưới phát triển quá mức, hoặc phát triển lệch. Mọi sự lệch lạc này làm mất cân đối giữa hàm trên và hàm dưới, ảnh hưởng đến chức năng nhai cũng như tính thẩm mỹ của khuôn mặt. Việc mất cân đối này còn phải tìm ra nguyên nhân do thiểu sản (hàm trên kém phát triển) hay do xương đối diện phát triển quá mức để còn có các giải pháp tương ứng. Nếu xương hàm dưới phát triển bình thường mà xương hàm trên bị lép thì sẽ phải cắt xương hàm trên, kéo chỉnh ra phía trước. Nếu xương hàm dưới phát triển quá mức thì sẽ cắt chẻ xương hàm dưới, đẩy lùi ra sau, hoặc cắt và xoay trục của xương hàm dưới để phù hợp với xương hàm trên. Cũng có trường hợp phải cắt cả hai xương để đưa xương hàm trên ra phía trước và đẩy lùi xương hàm dưới ra phía sau.

Hình ảnh hàm móm (vẩu hàm dưới).

Hình ảnh hàm móm (vẩu hàm dưới).

Trước hết, bạn cần đi khám nha khoa để tìm nguyên nhân khớp cắn không đúng và nắn chỉnh nhóm răng. Có thể bạn sẽ phải đeo hàm nắn trong khoảng thời gian khá lâu, vài tháng, thậm chí vài năm. Sau khi cung răng đạt yêu cầu, bạn mới bước vào giai đoạn phẫu thuật, do các bác sĩ phẫu thuật hàm mặt thực hiện.

V.H.T (ghi)

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/lam-sao-de-het-mom-n175437.html