Làm trước để dân tin

'Phải gương mẫu, đi đầu, phải làm trước, làm thật hiệu quả để người dân tin. Khi đó, người dân sẽ tích cực hưởng ứng, tham gia các phong trào do địa phương phát động, đặc biệt là trong xóa đói giảm nghèo. Đó là cách làm của tôi trong suốt hơn 20 năm làm trưởng thôn và ngay cả bây giờ, khi tôi được bầu là người uy tín' - ông Bùi Đức Long, thôn 6, xã Phú Long (huyện Nho Quan) bắt đầu câu chuyện như vậy.

Mô hình chăn nuôi lợn rừng của gia đình ông Bùi Đức Long cho thu nhập cao.

Mô hình chăn nuôi lợn rừng của gia đình ông Bùi Đức Long cho thu nhập cao.

Ông Bùi Đức Long kể, trước đây, thôn 6 chỉ có chừng hơn chục hộ gia đình. Trong khi đó, trong thôn, phần lớn dân số là đồng bào dân tộc Mường. Nhiều bà con đã quen với tiếng mẹ đẻ nên còn hạn chế trong việc tiếp nhận các thông tin, chính sách được triển khai.

Mặc dù bà con ở rất thưa thớt, đường sá đi lại khó khăn, vậy nhưng, khi ấy, với vai trò là trưởng thôn, ông Long đi từng hộ dân để tuyên truyền những thông tin mới về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào dân tộc hoặc chia sẻ những tấm gương, những mô hình làm kinh tế giỏi để bà con có thể vận dụng vào gia đình mình.

"Nhưng dẫu người thực hiện công tác tuyên truyền có sát sao, nhiệt tình đến bao nhiêu đi chăng nữa, đối với đồng bào dân tộc Mường, thì "tai nghe không bằng mắt thấy". Tôi không thể vận động bà con phát triển kinh tế trong khi chính gia đình mình còn nhiều khó khăn. Bởi vậy, tôi quyết tâm phát triển thật vững kinh tế gia đình, vừa là để có điều kiện nuôi ba đứa con ăn học đến nơi đến chốn, vừa là một "phép thử" để bà con chắt lọc, làm theo"- ông Long chia sẻ.

Ông Long kể rằng, thời ấy, để tìm ra hướng phát triển kinh tế ở vùng đất Phú Long, không phải là việc dễ dàng. Dẫu vậy, ông không nề hà việc khó, sẵn sàng mạo hiểm đưa vào nuôi, trồng thử nghiệm các cây, con có giá trị kinh tế cao hơn cây sắn - loại cây chủ lực của địa phương thời ấy. Năm 2007, ông Long mạnh dạn thầu 10ha đất để trồng mía, nhưng vụ thu hoạch đầu tiên thất bại. Ông Long nhớ lại: Là người đầu tiên đưa cây mía về trồng, chưa có kinh nghiệm nên vụ thu hoạch đầu không có hiệu quả, tôi trắng tay.

Không nản, tôi tiếp tục cải tạo đất, vay mượn tiền để mua giống trồng tiếp vụ sau. Người thân lo lắng khi thấy tôi phải đi vay mượn tiền tiếp tục trồng loại cây mà chưa có chút hiệu quả nào. Nhưng tôi vẫn quyết tâm làm. Đến năm thứ 3 thì tôi thành công. Tôi đã thu được hàng trăm triệu đồng từ mía.

Thắng lợi vụ mía đầu tiên không chỉ đền đáp cho tôi khoản tiền kha khá để trang trải hết nợ nần, thậm chí còn dư chút ít để quay vòng trồng vụ tiếp theo. Điều đó đã gieo cho tôi niềm tin mãnh liệt, chỉ cần có quyết tâm, nhất định mảnh đất cằn này sẽ cho quả ngọt.Khi đã ổn định diện tích trồng mía, ông Long còn tìm vào các thung, cải tạo thêm đất hoang để trồng thêm chuối và chăn nuôi lợn, trâu. Con đường vào thung đi lại rất khó khăn.

Dẫu vậy, đến tận bây giờ, khi kinh tế gia đình đã khá giả, cả 3 người con tốt nghiệp đại học đã có việc làm ổn định, gia đình hạnh phúc, bản thân ông Long cũng không còn trẻ nữa, nhưng ông vẫn duy trì việc chăn nuôi gia súc ở trong thung. Theo lời ông, thì đó vừa là cách để rèn luyện sức khỏe, vừa có thêm thu nhập và quan trọng nữa là để truyền cảm hứng cho đồng bào nơi đây.

Ông Long cho biết, chỉ riêng nuôi lợn rừng, mỗi năm cũng cho gia đình khoản thu nhập trên 300 triệu đồng. Quy trình nuôi lợn gần như khép kín. Thức ăn của lợn khá đơn giản, chỉ là rau củ, hoàn toàn có thể tự trồng được. Ông Long tự trồng hàng ha sắn để cho lợn ăn. Trước hiệu quả kinh tế của nuôi lợn rừng, ông khuyến khích bà con trong thôn phát triển mô hình nuôi lợn, ông sẵn sàng bán chịu lợn giống, đến khi lợn đủ tuổi, đủ trọng lượng để xuất chuồng, ông Long sẽ hỗ trợ tiêu thụ cho bà con.

Ngoài ra, với vai trò là người uy tín của thôn, ông Long phối hợp với Ban Công tác Mặt trận thôn, vận động bà con phát huy truyền thống "tương thân tương ái", hỗ trợ, giúp đỡ nhau cùng phát triển kinh tế. Những hộ có lao động sẵn sàng hỗ trợ những gia đình khan hiếm lao động, hoặc bị ốm đau trong những ngày mùa vụ để việc gieo cấy, thu hoạch kịp thời trong khung thời vụ. Nhờ đó, tình làng nghĩa xóm càng thêm thắt chặt. Kinh tế ổn định, việc vận động bà con trong thôn đóng góp xây dựng các công trình phúc lợi cũng thuận lợi hơn. Bằng sự hỗ trợ, chung tay của đồng bào, thôn 6 cũng đã xây dựng được Nhà văn hóa.

Đặc biệt, khi địa phương bắt tay vào thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, ông Bùi Đức Long đã vận động các hộ dân trong thôn hiến đất, góp tiền, ngày công để hoàn thành đường rong thôn theo phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm". Con đường bê tông phẳng lỳ không những giúp bà con đi lại được thuận tiện, mà còn tạo cơ hội trong phát triển kinh tế, giao thương hàng hóa, nông sản, mang lại nguồn thu nhập khá.

Ông Nguyễn Đình Độ, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Long cho biết: Thôn 6, xã Phú Long giờ đã phát triển lên trên 80 hộ. Cuộc sống của người dân trong thôn đã có nhiều khởi sắc. Đến nay, toàn thôn chỉ còn 1 hộ nghèo. Hầu hết các gia đình đều đã mua sắm được các thiết bị nghe nhìn hiện đại. Từ đó, việc tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước nói chung, những thông tin về tình hình thời sự nói riêng cũng có nhiều thuận lợi hơn. Tỷ lệ hộ nghèo cuối năm 2020 của xã chỉ còn 1,84%. Có được thành quả ấy, là sự đóng góp không nhỏ của những người có uy tín như ông Bùi Đức Long.

Bài, ảnh: Đào Hằng

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/lam-truoc-de-dan-tin/d20210917081932960.htm