Lần đầu tiên công bố chỉ số 'Xanh' cấp tỉnh: Trà Vinh, Lạng Sơn, Bắc Ninh đứng đầu bảng

Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI 2022) lần đầu tiên được Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) điều tra và công bố. 3 tỉnh là Trà Vinh, Lạng Sơn, Bắc Ninh đứng đầu Top 10 địa phương có chính sách đầu tư kinh doanh thân thiện môi trường.

Khuyến khích phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường

Ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch VCCI cho biết, Việt Nam đã bắt đầu quá trình chuyển đổi sang một mô hình tăng trưởng kinh tế bền vững hơn. Chính phủ Việt Nam cũng đã khởi động nhiều chính sách khác nhau để thu hút đầu tư xanh, trong đó bao gồm việc hợp tác với các đối tác phát triển trong quá trình chuyển đổi năng lượng và phát hành trái phiếu xanh.

Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm của Đảng đã nhấn mạnh việc chú trọng thu hút đầu tư nước ngoài công nghệ cao và các dự án đầu tư có yếu tố bảo vệ môi trường.

Top 3 tỉnh, thành phố có chỉ số PGI hàng đầu Việt Nam là: Trà Vinh, Lạng Sơn, Bắc Ninh. Ảnh: Hải Anh

Top 3 tỉnh, thành phố có chỉ số PGI hàng đầu Việt Nam là: Trà Vinh, Lạng Sơn, Bắc Ninh. Ảnh: Hải Anh

PGI là bộ chỉ số đánh giá và xếp hạng địa phương thân thiện với môi trường dưới góc nhìn từ thực tiễn kinh doanh như: mức độ ứng dụng công nghệ thân thiện môi trường của các doanh nghiệp tại địa phương, trình độ quản trị và ứng xử với môi trường của doanh nghiệp, mức độ quan tâm, sẵn sàng đầu tư về vấn đề môi trường của chính quyền địa phương và nhiều vấn đề môi trường quan trọng khác.

“Bằng việc xây dựng và công bố PGI, chúng tôi mong muốn cổ vũ các tỉnh, thành phố tại Việt Nam quan tâm hơn tới phát triển kinh tế gắn với việc bảo vệ môi trường. PGI cung cấp thông tin kịp thời hỗ trợ chính quyền tỉnh, thành phố trong hoạch định chính sách liên quan đến đầu tư và môi trường…” - ông Phạm Tấn Công nói.

Theo ông Đậu Anh Tuấn - Tổng thư ký VCCI, PGI được xây dựng nhằm cung cấp thông tin đầu tư vào phục vụ cho công tác hoạch định chính sách ở cả cấp trung ương và địa phương nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực việc biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường đối với hoạt động sản xuất kinh doanh và tính bền vững của doanh nghiệp.

Ông Đậu Anh Tuấn cho biết, Top 10 tỉnh có điểm PGI 2022 cao nhất gồm: Trà Vinh, Lạng Sơn, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Hải Dương, Lào Cai, Bắc Kạn, Bắc Giang, Vĩnh Phúc.

Không đánh đổi môi trường, lấy kinh tế một cách đơn thuần

Cũng theo ông Đậu Anh Tuấn, kết quả PGI 2022 cho thấy chất lượng môi trường của các địa phương cần được quan tâm cải thiện hơn, hơn một nửa số doanh nghiệp trên toàn quốc đánh giá chất lượng môi trường tại địa phương là tốt hoặc rất tốt.

30% doanh nghiệp cho biết địa phương nơi họ hoạt động là “không ô nhiễm” hoặc chỉ “hơi ô nhiễm”. 37% doanh nghiệp cho biết không bị ảnh hưởng gì bởi ô nhiễm. Đáng lưu ý, 58% doanh nghiệp quan sát thấy hiện tượng doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường là phổ biến tại địa phương.

“Một địa phương được coi là có chất lượng quản trị môi trường tốt khi có những nỗ lực phòng ngừa và giảm thiểu ô nhiễm, tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu; thực thi các quy định và có các biện pháp hợp lý để đảm bảo việc tuân thủ các quy định pháp luật về môi trường mà không tạo thêm gánh nặng quá lớn cho doanh nghiệp. Khuyến khích “xanh hóa” mô hình sản xuất kinh doanh thông qua các chính sách và chương trình hỗ trợ cụ thể…” - ông Đậu Anh Tuấn khẳng định.

Kỳ vọng đổi mới tư duy cải thiện môi trường đầu tư từ chỉ số Xanh cấp tỉnh. Ảnh: TL

Kỳ vọng đổi mới tư duy cải thiện môi trường đầu tư từ chỉ số Xanh cấp tỉnh. Ảnh: TL

Theo VCCI, phản ánh ý kiến của các doanh nghiệp cho thấy, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực quản lý môi trường cần được nâng cao. Chính quyền các địa phương cần triển khai mạnh mẽ, hiệu quả hơn công tác hướng dẫn, phổ biến các nội dung liên quan đến quy định pháp luật môi trường và các biện pháp bảo vệ môi trường cho các doanh nghiệp.

Ngoài ra, theo các doanh nghiệp, mức độ tiếp cận của doanh nghiệp với các chương trình khuyến khích, hỗ trợ thực hành xanh còn khá hạn chế ở hầu hết các địa phương.

Đáp lại nguyện vọng của cộng đồng doanh nghiệp, ông Lê Văn Hẳn - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh (địa phương đứng đầu PGI 2022) cho biết, tỉnh đã ban hành nhiều kế hoạch để triển khai thực hiện, toàn hệ thống chính trị cùng tham gia bảo vệ môi trường một cách đồng bộ.

“Quan điểm của tỉnh là không đánh đổi môi trường, lấy kinh tế một cách đơn thuần, kiên quyết không đưa vào vận hành các dự án, cơ sở sản xuất chưa đáp ứng các yêu cầu về môi trường chưa xây dựng hoàn thiện các công trình xử lý ô nhiễm” - lãnh đạo tỉnh Trà Vinh nhấn mạnh.

Tương tự, là địa phương liên tiếp dẫn đầu chỉ số PCI, ông Nguyễn Xuân Ký - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh cho hay, tỉnh xác lập tầm nhìn dài hạn trong tính liên thông với các kế hoạch trung hạn, ngắn hạn nhằm thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng xanh theo hướng bền vững dựa vào ba trụ cột: thiên nhiên, con người, văn hóa.

Vì thế, tỉnh Quảng Ninh đang tập trung nhiều nguồn lực, sẵn sàng chào đón và cam kết đồng hành thực chất, tạo mọi điều kiện thuận lợi thúc đẩy doanh nghiệp phát triển bền vững.

Nhận định thêm về vấn đề này, ông Đậu Anh Tuấn cho rằng, PGI sẽ giúp tìm ra được những kinh nghiệm tốt từ các địa phương trong việc kết hợp giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường...

USAID đánh giá cao sáng kiến PGI của Việt Nam

Theo USAID, việc tiếp cận nguồn lực tăng trưởng xanh đem lại nhiều tác động lớn cho doanh nghiệp và nền kinh tế. Đây là động lực thúc đẩy Việt Nam phát triển bền vững và hiện thực các mục tiêu đã cam kết.

Việt Nam cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, là quốc gia có thu nhập trung bình cao vào năm 2050. Để thực hiện điều này, đòi hỏi có sự hợp tác của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và PGI là công cụ quan trọng để đánh giá hiệu quả của các cơ quan công quyền về vấn đề bảo vệ môi trường.

Song Linh

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/lan-dau-tien-cong-bo-chi-so-xanh-cap-tinh-tra-vinh-lang-son-bac-ninh-dung-dau-bang-125672.html