Lấy văn hóa làm động lực phát triển

PTĐT - Trong các tiêu chí để xây dựng nông thôn mới thì hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở có vai trò rất quan trọng. Những năm qua, hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở (TCVHCS) tại các địa phương trên toàn tỉnh...

Kỳ I: Cơ sở vật chất, nguồn nhân lực gặp nhiều khó khăn

Nhà văn hóa xuống cấp tới mức không thể sử dụng được ở khu Mít 1, xã Tân Lập, huyện Thanh Sơn.

Nhà văn hóa xuống cấp tới mức không thể sử dụng được ở khu Mít 1, xã Tân Lập, huyện Thanh Sơn.

PTĐT - Trong các tiêu chí để xây dựng nông thôn mới thì hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở có vai trò rất quan trọng. Những năm qua, hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở (TCVHCS) tại các địa phương trên toàn tỉnh đã được đầu tư và phát huy hiệu quả hoạt động, góp phần đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, nâng cao đời sống, tinh thần của nhân dân.

Thực hiện Nghị quyết số 33 - NQ/TW ngày 9/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa XI) về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”; Nghị quyết số 179/2009/NQ - HĐND ngày 20/4/2009 của HĐND tỉnh về Quy hoạch phát triển văn hóa tỉnh Phú Thọ đến năm 2020… các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân trong tỉnh đã có nhiều nỗ lực nhằm hoàn thiện hệ thống TCVHCS. Toàn tỉnh hiện có 2.887 nhà văn hóa khu dân cư; 225 nhà văn hóa xã, kiêm Trung tâm học tập cộng đồng; 13 Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp huyện… Hệ thống thiết chế văn hóa đã được xây dựng đồng bộ từ tỉnh đến địa phương, trở thành địa chỉ hoạt động văn hóa, thể thao, trung tâm bồi dưỡng nghiệp vụ và làm động lực cho phong trào văn hóa, thể thao ở cơ sở; là địa chỉ thu hút đông đảo nhân dân đến vui chơi, giải trí, thụ hưởng và sáng tạo văn hóa, rèn luyện sức khỏe và tuyên truyền, phục vụ tốt các nhiệm vụ chính trị địa phương.
Bên cạnh những kết quả đạt được, thời gian qua, thực trạng hoạt động của nhiều nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng ở các địa phương và đội ngũ cán bộ phụ trách văn hóa cơ sở vẫn còn nhiều khó khăn, thiếu thốn.

Nhiều nhà văn hóa xuống cấp

Là nơi sinh hoạt văn hóa, hội họp của người dân trong khu từ nhiều năm qua, nhưng nhà văn hóa khu Tân Thịnh, xã Văn Luông, huyện Tân Sơn đang ở trong tình trạng xuống cấp. Hội trường chật hẹp, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho sinh hoạt văn hóa của người dân thiếu thốn, nghèo nàn, không đồng bộ. Khu Tân Thịnh hiện có 91 hộ dân với hơn 400 nhân khẩu, nhưng hội trường lại chỉ có sức chứa khoảng 50 người. Do đó, để người dân tham gia các hoạt động, họp hành đầy đủ luôn là công việc khó đối với lãnh đạo khu.
Tuy vậy, khu Tân Thịnh vẫn còn may mắn hơn nhiều khu khác là có nhà văn hóa. Bởi cách đó không xa, khu Hồng Hà, xã Văn Luông hiện chưa có nhà văn hóa. Những khi có hội họp hay triển khai các chương trình, nghị quyết bà con phải mượn tạm nhà trưởng khu hoặc sân chùa. Thực trạng này khiến việc triển khai các hoạt động văn hóa văn nghệ của người dân trong khu dân cư gặp nhiều khó khăn.Bà Nguyễn Thị Thanh Hoa - Phó Chủ tịch UBND xã Văn Luông cho biết: Trên địa bàn xã có nhiều nhà văn hóa xây dựng từ lâu, cơ sở vật chất thiếu thốn, không đảm bảo phục vụ cho nhân dân. Cá biệt còn có khu chưa có nhà văn hóa để sử dụng. Các khu dân cư lâu nay đã kiến nghị nâng cấp, xây mới nhà văn hóa nhưng vì nhiều lý do, trong đó chủ yếu là thiếu kinh phí nên vẫn chưa thể thực hiện được.

Trẻ em sinh hoạt văn nghệ trong không gian chật hẹp, xuống cấp ở nhà văn hóa khu Tân Thịnh, xã Văn Luông, huyện Tân Sơn.

Trẻ em sinh hoạt văn nghệ trong không gian chật hẹp, xuống cấp ở nhà văn hóa khu Tân Thịnh, xã Văn Luông, huyện Tân Sơn.

Tại các khu Mít 1, xã Tân Lập, huyện Thanh Sơn hay khu 13, xã Ngọc Quan, huyện Đoan Hùng, nhà văn hóa khu dân cư đang xuống cấp nghiêm trọng. Những nhà này đều được xây dựng bằng gỗ, kiểu nhà sàn, qua thời gian dài sử dụng đã bị mối mọt, có nguy cơ đổ sập. Bên cạnh đó, hệ thống bàn, ghế, quạt đều thiếu, hệ thống điện nước chập chờn, nhà vệ sinh không có nên rất hạn chế trong việc hội họp. Ông Hà Đức Sản - Trưởng khu 13, xã Ngọc Quan, huyện Đoan Hùng cho biết: Hầu hết người dân trong khu là đồng bào dân tộc Cao Lan. Những năm qua, thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” đã giúp đời sống người dân có nhiều đổi thay; những nét đẹp văn hóa, thuần phong mỹ tục, tập quán, bản sắc độc đáo của dân tộc Cao Lan luôn được các gia đình và cộng đồng gìn giữ, phát huy. Tuy nhiên, hiện nay nhà văn hóa của khu đang bị xuống cấp, bà con trong khu không có điều kiện sửa chữa hay xây mới. Do đó, ảnh hưởng rất lớn đến việc phát huy đời sống văn hóa tinh thần, gìn giữ các phong tục tập quán của nhân dân. Thực tế cho thấy, có một số nhà văn hóa xã, nhà văn hóa khu dân cư đã được quy hoạch và xây dựng từ những năm 2000, 2005 nên không nằm ở vị trí trung tâm; một số nhà quy mô nhỏ, không đảm bảo diện tích sử dụng. Cơ sở vật chất, trang thiết bị tăng âm loa máy được cấp theo chương trình mục tiêu quốc gia từ năm 2003 đến hết 2014 là 109 bộ cho nhà văn hóa khu dân cư và 63 bộ cho nhà văn hóa xã. Tỷ lệ này còn rất nhỏ so với tổng số nhà văn hóa xã, khu dân cư hiện có... Kinh phí hạn hẹn dẫn tới phương tiện, trang thiết bị thiếu và lạc hậu, hoạt động không thường xuyên, định kỳ, nên chưa đáp ứng nhu cầu phát triển.

Nhà văn hóa khu 13, xã Ngọc Quan, huyện Đoan Hùng bị xuống cấp, mối mọt nhiều nơi.

Nhà văn hóa khu 13, xã Ngọc Quan, huyện Đoan Hùng bị xuống cấp, mối mọt nhiều nơi.

Đội ngũ cán bộ văn hóa còn gặp nhiều khó khănCùng với cơ sở vật chất thì nguồn nhân lực chuyên trách văn hóa cơ sở cũng là yếu tố vô cùng quan trọng quyết định chất lượng hoạt động. Hiện nay, đội ngũ cán bộ văn hóa cấp xã, phường, thị trấn tuy không thiếu nhưng trình độ chuyên môn không đồng đều, một bộ phận thiếu tâm huyết, chưa khai thác được hết thế mạnh, tiềm năng văn hóa của địa phương mình. Cá biệt có nơi không nắm rõ lịch sử, không nắm rõ các chủ trương, kế hoạch hoạt động chung hằng năm. Việc thiếu chủ động, thiếu sáng tạo dẫn tới tình trạng các hoạt động chủ yếu chỉ nhằm phục vụ các sự kiện chính trị nhất thời mà chưa đa dạng, phong phú, chưa đáp ứng nhu cầu hưởng thụ và phát huy năng lực sáng tạo văn hóa của nhân dân.Ở các khu dân cư, thôn, bản, tình trạng chung vẫn do các chức danh như bí thư, trưởng khu kiêm nhiệm vụ quản lý văn hóa nên không có nghiệp vụ chuyên môn. Hầu hết chỉ thực hiện theo kế hoạch của cấp trên, ít có những hoạt động mang tính bản sắc, nếu có cũng chủ yếu là các giải thi đấu thể thao nhỏ, hoạt động văn hóa, văn nghệ vẫn còn thiếu khuyết. Hơn nữa, việc tổ chức thiếu tính sáng tạo, còn theo lối mòn nên không thu hút sự tham gia của nhân dân. Việc xây dựng cơ chế, chính sách đãi ngộ đối với đội ngũ cán bộ công tác tại hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở cũng còn chậm, thiếu. Chế độ thù lao bồi dưỡng luyện tập, biểu diễn còn thấp, không đáp ứng với nhu cầu và xu hướng phát triển. Sự bùng nổ của thời đại công nghệ 4.0 cũng tạo ra những rào cản lớn trong toàn bộ các hoạt động của thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở. Các thiết bị công nghệ hiện đại và việc truy cập mạng internet dễ dàng dẫn đến tình trạng người dân tự nguyện đến các thiết chế để sinh hoạt và hưởng thụ các dịch vụ văn hóa là rất khó khăn. Chị Đinh Thị Huyền - cán bộ văn hóa xã Văn Luông, huyện Tân Sơn cho biết: Chỉ một vài khu trong xã, bí thư và trưởng khu có khả năng và tâm huyết để tổ chức hiệu quả nhiều chương trình văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao và không phải khu nào hoạt động này cũng được tổ chức tốt và được nhân dân hưởng ứng nhiệt tình.Ông Trần Văn Giang - Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Tân Sơn cho biết: Hằng năm, chúng tôi đã có các hoạt động bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ văn hóa cơ sở. Nhiều cán bộ sau khi được đào tạo, có thâm niên công tác, có tâm huyết và chủ động trong công việc nên hoạt động văn hóa trên địa bàn nhiều xã rất hiệu quả. Phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, các câu lạc bộ… ở các xã này rất mạnh, khai thác được bản sắc cũng như tiềm năng, thế mạnh của địa phương, thu hút sự tham gia của đông đảo nhân dân.Đặc biệt sau khi thực hiện chủ trương sáp nhập các đơn vị hành chính cấp khu, xã thì nhà văn hóa khu dân cư bị dôi dư, việc sinh hoạt gặp nhiều khó khăn. Huy động kinh phí xây dựng mới nhà văn hóa, đáp ứng được các quy định cũng như diện tích, chỗ ngồi tại nhiều nơi còn khó khăn. Việc quy hoạch đất cho các nhà văn hóa khu dân cư giai đoạn trước đây là phù hợp, tuy nhiên sau sáp nhập, số hộ tăng, diện tích nhà văn hóa cũ không đáp ứng nhu cầu hội họp, sinh hoạt cộng đồng, thực tế này đặt ra vấn đề cần có sự điều chỉnh hợp lý.

Kỳ II: Cần đầu tư hoàn thiện hệ thống các thiết chế văn hóa cơ sở

Tú Anh - Trà My

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/van-hoa/202012/lay-van-hoa-lam-dong-luc-phat-trien-174395