Lớp ghép và bài toán nâng cao chất lượng

Để bảo đảm quyền học của trẻ em miền núi, nhiều năm qua, ngành Giáo dục và Đào tạo đã duy trì mô hình lớp ghép bậc tiểu học tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần quan trọng giúp học sinh là con em nhân dân các dân tộc thiểu số tự tin về trường trung tâm học tập hoặc theo học các bậc cao hơn.

Kỳ I: Dạy học lớp ghép nhiều trình độ

Học sinh học lớp ghép tại điểm trường Khu Lóng, Trường tiểu học Thạch Kiệt, huyện Tân Sơn.

Giáo viên… vượt khó

Cách trường trung tâm hơn 10km, khu Sinh Tàn là khu lẻ, xã Thượng Cửu, huyện Thanh Sơn chưa có sóng điện thoại, 100% bà con nơi đây là đồng bào người Dao. Khu lẻ có 45 học sinh với ba lớp, trong đó có lớp ghép học sinh lớp ba và lớp bốn với 15 em do cô giáo Hà Thị Tình chủ nhiệm. Phòng học vỏn vẹn vài bộ bàn ghế, hai tấm bảng đen, được cô Tình xếp quay lưng lại phục vụ giảng dạy hai chương trình. Cô Tình tâm sự: “Để dạy tốt một lớp hai trình độ, tôi gần như không có thời gian ngồi yên một chỗ mà phải hoạt động liên tục. Thường xuyên di chuyển trong lớp để điều tiết và phân phối thời gian giảng dạy cho phù hợp. Chưa kể thời gian chuẩn bị giáo án, các điều kiện đảm bảo giảng dạy song song hai trình độ”.

Tại huyện Tân Sơn, Trường Tiểu học Thạch Kiệt có một lớp ghép với ba trình độ lớp ghép ba, bốn, năm tại điểm trường khu Lóng với tổng số 13 học sinh, trong đó có năm học sinh lớp ba, bốn học sinh lớp bốn, bốn học sinh lớp năm. Cô giáo Phan Thị Hằng- Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Do số lượng học sinh mỗi độ tuổi ở điểm trường lẻ thường ít, biên chế giáo viên của các trường lại hạn chế nên với các lớp ghép giáo viên phải dạy song song hai trình độ trở lên, do đó việc xây dựng và tổ chức kế hoạch dạy học phù hợp với từng đối tượng học sinh còn gặp nhiều khó khăn”.

Trong lớp ghép, học sinh ở những trình độ khác nhau, các em theo học những chương trình và mục tiêu riêng, do vậy nhiệm vụ học tập và các hoạt động của học sinh trong cùng một lớp ghép cũng khác nhau. Chính sự đa dạng này đòi hỏi lớp ghép phải được trang bị những nguồn tài liệu và đồ dùng dạy học hết sức phong phú mà đa số các nhà trường còn chưa đáp ứng được.

Cô giáo Đinh Thị Bình - Phó Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Tân Sơn cho biết: “Những năm qua, được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học của các lớp ghép đã đáp ứng những yêu cầu tối thiểu; một số lớp ghép được bố trí tại các điểm trường khang trang, trang thiết bị dạy học hiện đại. Giáo viên dạy lớp ghép được nhà trường lựa chọn từ những thầy cô vững về chuyên môn, tâm huyết với sự nghiệp giáo dục; được quan tâm chọn cử tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ; được chi trả phụ cấp hàng tháng nên yên tâm công tác và cống hiến”.

Giờ học Toán của lớp ghép hai trình độ lớp 4 và lớp 5 tại điểm trường lẻ khu Náy, xã Yên Lương, huyện Thanh Sơn.

Đảm bảo chất lượng lớp ghép

Bám sát chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT, các nhà trường đã xây dựng kế hoạch hoạt động cụ thể, giáo viên nhiệt tình, trách nhiệm, sáng tạo, đáp ứng được mục đích, yêu cầu đề ra. Cơ sở vật chất đầy đủ, thiết bị dạy học, kho học liệu phục vụ công tác giảng dạy và các hoạt động giáo dục của giáo viên phong phú, dễ khai thác, sử dụng khi tổ chức triển khai thực hiện. Việc tổ chức dạy học linh hoạt giúp mỗi giáo viên chủ động điều chỉnh kế hoạch dạy học, học sinh được tiếp cận nội dung học tập dưới các hình thức khác nhau, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học, đáp ứng được yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018. Học sinh tích cực tham gia các hoạt động theo sở thích cá nhân, giúp các em phát triển năng lực, phẩm chất nên tự tin hơn trong các hoạt động học tập.

Những năm học qua, chất lượng dạy học và các hoạt động giáo dục đối với lớp học có nhiều trình độ trong các cơ sở giáo dục tiểu học luôn được duy trì, phát triển, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh tiểu học. Tỉ lệ học sinh hoàn thành chương trình lớp học, cấp học luôn đạt trên 99%. Việc tổ chức dạy học đối với lớp học có nhiều trình độ đã tạo cơ hội cho học sinh được thực hành, vận dụng kiến thức, kỹ năng vào thực tiễn; thúc đẩy, tăng cường vai trò của học sinh đối với cộng đồng; học sinh nhận ra giá trị đoàn kết thông qua sinh hoạt tập thể, sinh hoạt nhóm, qua đó học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau trong quá trình làm việc, học tập, góp phần hình thành và phát triển ở học sinh những giá trị, năng lực cần thiết của con người Việt Nam trong giai đoạn mới.

Đến tận nơi, chứng kiến mới thấy khó có thể kể hết những vất vả mà giáo viên, học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số trải qua. Em Lý Bảo Nguyên- Lớp trưởng lớp ghép hai trình độ lớp ba và lớp bốn ở điểm Sinh Tàn thuộc khu lẻ, Trường tiểu học Thượng Cửu, huyện Thanh Sơn cho biết: “Mặc dù nhà em cách xa trường, điều kiện đi lại còn khó khăn nhưng em thích học chữ, vì vậy em thường chăm chú nghe cô giáo giảng và giúp các bạn học bài. Mỗi lần như vậy, em lại nhớ rõ hơn nội dung bài giảng đồng thời phát huy tinh thần vượt khó học tập”.

Năm học 2021-2022 được triển khai trong điều kiện hết sức khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Kế hoạch năm học, chương trình và nội dung giáo dục thay đổi linh hoạt theo từng giai đoạn khác nhau; cơ sở vật chất, đội ngũ ở một số trường, nhất là trường có điểm lẻ chưa đáp ứng đủ nhu cầu nên việc tổ chức các hoạt động của các câu lạc bộ các môn năng khiếu như: Thể dục thể thao, Âm nhạc, Mỹ thuật,... bị ảnh hưởng. Việc huy động kinh phí để tổ chức các hoạt động này còn hạn chế nhưng nhờ tâm huyết của đội ngũ giáo viên không quản gian khó “bám trường, bám lớp” và chỉ đạo xuyên suốt, nhất quán với nhiều giải pháp đồng bộ từ Sở GD&ĐT, chất lượng giáo dục lớp ghép tại các trường trên địa bàn tỉnh từng bước được nâng lên. Mô hình lớp ghép góp phần quan trọng giúp học sinh là con em đồng bào các dân tộc thiểu số tự tin hơn khi về trường trung tâm học tập hoặc theo học các bậc cao hơn.

>>>Kỳ II: Nâng chất lượng lớp ghép vùng cao

Hạnh Thúy

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn//giao-duc/lop-ghep-va-bai-toan-nang-cao-chat-luong/184563.htm