Lớp học gắn kết tình quân dân

Sau hơn 3 tháng miệt mài học tập, nghiên cứu tiếng dân tộc thiểu số, giờ đây, những cán bộ, chiến sĩ của BĐBP Đắk Lắk đã thuần thục kỹ năng nghe, nói với tiếng dân tộc Ê Đê, giúp cho tình quân dân nơi biên giới ngày càng gần gũi, thắm thiết hơn.

Lãnh đạo Bộ Chỉ huy BĐBP Đắk Lắk và cán bộ, chiến sĩ các đơn vị trao đổi kinh nghiệm công tác dân vận trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Ảnh: Ngọc Lân

Lãnh đạo Bộ Chỉ huy BĐBP Đắk Lắk và cán bộ, chiến sĩ các đơn vị trao đổi kinh nghiệm công tác dân vận trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Ảnh: Ngọc Lân

Hiện nay, khu vực biên giới của tỉnh Đắk Lắk có 4 xã thuộc 2 huyện Buôn Đôn và Ea Súp, dân số hơn 23 nghìn người, với 26 dân tộc anh em cùng sinh sống, Trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 39,3%, đặc biệt, có những địa phương đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 78%, đa số là người đồng bào dân tộc thiểu số Ê Đê, M’nông... Những năm qua, từ thực hiện hiệu quả phương châm “3 bám, 4 cùng”, công tác dân vận của BĐBP Đắk Lắk trong đồng bào dân tộc thiểu số đạt nhiều kết quả nổi bật. Một trong những yếu tố quan trọng góp phần tạo nên thành công đó chính là sự quan tâm của Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh vào công tác bồi dưỡng kiến thức và học tiếng dân tộc thiểu số. Từ năm 2015 đến nay, đã có gần 200 cán bộ Biên phòng được học và cấp chứng chỉ tiếng dân tộc thiểu số.

Gần đây nhất, đầu tháng 2 vừa qua, Bộ Chỉ huy BĐBP Đắk Lắk đã phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên thành phố Buôn Ma Thuột khai giảng lớp học tiếng dân tộc Ê Đê cho 60 học viên là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp của các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Chỉ huy BĐBP Đắk Lắk. Với thời gian học 6 tháng vào 2 buổi tối trong tuần, lớp học được tổ chức bằng hình thức học tập trực tiếp và trực tuyến.

Thượng tá Bùi Khắc Hiệp, Phó Chủ nhiệm Chính trị BĐBP Đắk Lắk cho biết: “Lớp học được bố trí cả hình thức trực tiếp và trực tuyến để đảm bảo phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của cán bộ, chiến sĩ các đơn vị. Đối với khối cơ quan Bộ Chỉ huy, quân số thường xuyên tập trung nên việc bố trí học trực tiếp sẽ phù hợp, còn đối với cán bộ, chiến sĩ các đồn Biên phòng, do yêu cầu nhiệm vụ lực lượng phải phân tán trên nhiều địa bàn nên hình thức học trực tuyến sẽ phù hợp hơn, vừa đảm bảo thực hiện nhiệm vụ, vừa đảm bảo quá trình học tập”.

Khi chưa triển khai lớp học, nhiều cán bộ trẻ về nhận công tác tại địa bàn có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống như Trung úy Lê Kim Nguyên, nhân viên Đội Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Sê Rê Pốk gặp không ít khó khăn, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, vận động cũng hạn chế. Nói về những khó khăn đó, Trung úy Lê Kim Nguyên bộc bạch: “Đặc thù của xã biên giới Krông Na có 13 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số người Ê Đê, M’nông… chiếm 78,21%. Thời gian đầu về đảm nhận công tác vận động quần chúng, mỗi khi đi đến tuyên truyền cho bà con người dân tộc thiểu số, do không hiểu được tiếng của đồng bào nên nói mà bà con không hiểu, bà con nói, bản thân mình cũng không hiểu. Vậy nên, mỗi lần đi xuống dân đều phải có thêm anh em trong đội đi cùng để phiên dịch”.

Không riêng trường hợp Trung úy Nguyên mà còn nhiều trường hợp khác, nhất là cán bộ trẻ mới ra trường cũng gặp khó khăn. Lớp học tiếng dân tộc thiểu số được triển khai đã tháo gỡ được những khó khăn, rào cản về ngôn ngữ này. Giờ đây, sau 3 tháng học tập, Trung úy Nguyên và nhiều anh em đã có thể giao tiếp tốt với bà con trong buôn, trong thôn, khoảng cách về ngôn ngữ không còn, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ cũng tốt lên, đặc biệt, niềm vui không những ở những người lính Biên phòng, mà sự tin yêu của bà con nhân dân biên giới với BĐBP cũng được nâng lên.

Già làng Y Kar Byă, người dân tộc Ê Đê sống tại buôn Trí, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn vui mừng chia sẻ: “Bà con trong buôn, trong thôn trân trọng và vui mừng lắm khi thấy các chú BĐBP học được tiếng đồng bào. Khi cán bộ Biên phòng nói tiếng dân tộc, chúng tôi cảm thấy gần gũi như người thân, người anh em trong nhà nên nói gì, hay tuyên truyền, vận động điều gì, bà con đều tin và nghe theo”.

Đại úy Y Toàn Byă hướng dẫn, kèm cặp những đồng chí đang theo học tiếng Ê Đê. Ảnh: Ngọc Lân

Đại úy Y Toàn Byă hướng dẫn, kèm cặp những đồng chí đang theo học tiếng Ê Đê. Ảnh: Ngọc Lân

Ngoài sự chỉ dạy tận tình của các thầy cô giáo ở Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên thành phố Buôn Ma Thuột, nhiều đơn vị còn có những người thầy “đặc biệt”. Họ là những đồng chí, đồng đội ngay trong đơn vị. Với lợi thế là người đồng bào dân tộc thiểu số hoặc là những đồng chí tốt nghiệp từ khóa học trước, các anh trở thành những người cầm tay dạy bảo cho từng đồng chí đang theo học. Đại úy Y Toàn Byă, Đội trưởng Đội Trinh sát, Đồn Biên phòng Sê Rê Pốk được anh em trong đơn vị gọi là “thầy giáo”. Bởi, sau những giờ học trực tuyến, anh em trong đơn vị nếu có ai chưa hiểu rõ nội dung gì, có từ khó phát âm, hay muốn biết cách viết như thế nào thì Đại úy Y Toàn lại dành thời gian hướng dẫn thêm.

Đại úy Y Toàn cho biết: “Tiếng Ê Đê tuy khó nói, khó đọc, nhưng luyện tập, giao tiếp trực tiếp và tương tác nhiều sẽ giúp người học tiếp thu dễ dàng hơn. Vậy nên, tranh thủ ngoài giờ làm việc, tôi thường xuyên hướng dẫn và luyện tập, giao tiếp cho anh em để nâng cao kỹ năng nghe, nói. Có thể một lần, hai lần, những từ, những câu anh em chưa nhớ thì mình nhắc lại nhiều lần sẽ nhớ. Cứ như thế, người học sẽ tiến bộ nhanh hơn”.

Cùng với học tiếng Ê Đê, Bộ Chỉ huy BĐBP Đắk Lắk mở thêm các lớp bồi dưỡng kiến thức về dân tộc, giúp cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị hiểu rõ hơn về văn hóa, phong tục, tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số Ê Đê. Qua đó, góp phần tích cực vào công tác tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, gắn với thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới, phát triển kinh tế - xã hội, bảo tồn bản sắc, văn hóa truyền thống ở địa phương nơi đóng quân. Đồng thời, cụ thể hóa Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 và thực hiện Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.

“Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, chúng tôi nhận thấy học tiếng dân tộc thiểu số là một yêu cầu quan trọng của người lính Biên phòng, nhất là ở những địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới, có đa dân tộc, đa văn hóa, đời sống bà con còn khó khăn. Cũng chính vì thế, tinh thần học tập của những cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị luôn nghiêm túc và trách nhiệm nhất” - Thiếu tá Nguyễn Hữu Lương, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Sê Rê Pốk trần tình.

Nguyễn Ngọc Lân

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/lop-hoc-gan-ket-tinh-quan-dan-post461427.html