Lương hưu luôn được điều chỉnh dù có thời điểm không tăng lương cơ sở

Có một số thời điểm mặc dù Nhà nước không tăng mức lương cơ sở, nhưng vẫn thực hiện điều chỉnh tăng lương hưu, theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội...

Người hưởng làm thủ tục nhận lương hưu. Ảnh: Duy Nguyễn.

Người hưởng làm thủ tục nhận lương hưu. Ảnh: Duy Nguyễn.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết nhận được kiến nghị của cử tri TP. HCM thắc mắc việc lương cơ sở của cán bộ, công chức tăng 30% nhưng đối với người đã nghỉ hưu chỉ là 15%. Vì vậy, cử tri kiến nghị cần quan tâm hơn nữa đến chính sách tiền lương đối với người đã nghỉ hưu.

NỖ LỰC ĐỂ ĐIỀU CHỈNH LƯƠNG HƯU ĐỀU ĐẶN

Phản hồi vấn đề cử tri nêu, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết theo quy định tại Điều 57 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, lương hưu được điều chỉnh trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế, phù hợp với ngân sách Nhà nước và Quỹ bảo hiểm xã hội.

Thời gian qua, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm, đảm bảo đời sống của người đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, và trợ cấp hằng tháng thông qua việc thực hiện điều chỉnh lương hưu, trợ cấp, từng bước cải thiện đời sống của họ.

Riêng trong giai đoạn 2013-2023, Chính phủ đã 7 lần điều chỉnh lương hưu với mức tăng bình quân hơn 8,43% cho mỗi lần điều chỉnh, cao hơn đáng kể so với mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng trong cùng giai đoạn.

“Có một số thời điểm mặc dù Nhà nước không tăng mức lương cơ sở, nhưng vẫn thực hiện điều chỉnh tăng lương hưu, như năm 2015 tăng 8% và năm 2022 tăng 7,4%”, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội thông tin.

Trong năm 2024, triển khai thực hiện Kết luận số 83-KL/TW ngày 21/6/2024 của Bộ Chính trị về cải cách tiền lương; điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 75/2024/NĐ-CP ngày 30/6/2024 quy định điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng.

Theo đó, từ ngày 1/7 thực hiện điều chỉnh tăng thêm 15% trên mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, và trợ cấp hằng tháng của tháng 6/2024 với người đang hưởng lương hưu, trợ cấp.

Đây là mức điều chỉnh gấp gần 2 lần mức điều chỉnh tăng bình quân của giai đoạn 2013-2023, cao hơn nhiều so với tổng mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế. Năm 2023, mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng là 3,25%, tăng trưởng kinh tế 5,05%, ước năm 2024 CPI từ 4%-4,5%, GDP từ 6%-6,5%.

Theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, tỷ lệ điều chỉnh tăng thêm trên mức lương hưu thể hiện sự nỗ lực của Chính phủ trong việc cân đối nguồn lực, nhằm cải thiện mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng, trên cơ sở phù hợp với khả năng cân đối của Quỹ bảo hiểm xã hội.

GIA TĂNG CƠ HỘI HƯỞNG LƯƠNG HƯU CHO NHIỀU NGƯỜI

Căn cứ theo Luật Bảo hiểm xã hội 2024, có hiệu lực từ ngày 1/7/2025, tới đây lương hưu sẽ tiếp tục được điều chỉnh trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng, phù hợp với khả năng của ngân sách Nhà nước và Quỹ Bảo hiểm xã hội.

Đồng thời, điều chỉnh mức tăng lương hưu thỏa đáng đối với đối tượng có mức lương hưu thấp và nghỉ hưu trước năm 1995, bảo đảm thu hẹp khoảng cách chênh lệch lương hưu giữa người nghỉ hưu ở các thời kỳ.

Người hưởng nhận lương hưu tại Hà Nội.

Người hưởng nhận lương hưu tại Hà Nội.

Đáng chú ý, thông qua quy định giảm điều kiện về số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để được hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 đã tạo cơ hội cho những người bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội muộn, hoặc tham gia không liên tục, hoặc làm công việc đặc thù có thời gian làm nghề ngắn, cũng có cơ hội được hưởng lương hưu hằng tháng, và được hưởng bảo hiểm y tế trong suốt quá trình hưởng lương hưu.

Đối với người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội dài hơn, thì vẫn được hưởng lương hưu với tỷ lệ hưởng lương hưu cao hơn không thay đổi so với quy định hiện hành.

Luật mới cũng quy định tỷ lệ hưởng lương hưu đối với lao động nam và lao động nữ có 15 năm đóng bảo hiểm xã hội, quy định mức tối đa giữ nguyên là 75%.

Cụ thể, lao động nam đóng bảo hiểm xã hội từ 15 năm đến dưới 20 năm: 15 năm đóng tương ứng 40%, mỗi năm đóng thêm tăng 1%, 20 năm đóng tương ứng 45%. Lao động nữ đóng bảo hiểm xã hội 15 năm tương ứng 45%. Sau đó, cứ mỗi năm đóng thêm được cộng thêm 2%.

Luật cũng quy định đối tượng và điều kiện hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động (Điều 65). Ngoài ra, tại Điều 141 cũng quy định chuyển tiếp đối với một số đối tượng.

Theo đó, người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện trước ngày 1/1/2021, và đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện trở lên, thì được hưởng lương hưu khi đủ 60 tuổi đối với nam, đủ 55 tuổi đối với nữ.

Người lao động có từ đủ 15 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên, và có văn bản của cơ quan Bảo hiểm xã hội xác nhận về việc chờ đủ điều kiện về tuổi đời để hưởng lương hưu được quy định tại Nghị định số 12/CP ngày 26/1/1995 được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị định số 01/2003/NĐ-CP ngày 9/1/2003 của Chính phủ, thì được hưởng lương hưu khi nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi.

Cán bộ xã thuộc đối tượng điều chỉnh của Nghị định số 09/1998/NĐ-CP ngày 23/1/1998 của Chính phủ, đã có quyết định hoặc giấy chứng nhận chờ đủ điều kiện về tuổi đời để hưởng trợ cấp hằng tháng của cơ quan Bảo hiểm xã hội, thì được hưởng trợ cấp hằng tháng khi nam đủ 55 tuổi, nữ đủ 50 tuổi.

Đối tượng quy định tại điểm a, b, c, d, đ, g và i khoản 1 Điều 2 của Luật này, đã tham gia bảo hiểm xã hội trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành, mà có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc từ đủ 20 năm trở lên, thì mức lương hưu hằng tháng thấp nhất bằng mức tham chiếu.

Mức tham chiếu dùng để tính mức đóng, mức hưởng một số chế độ bảo hiểm xã hội, và do Chính phủ quyết định. Khi chưa bãi bỏ mức lương cơ sở thì mức tham chiếu bằng mức lương cơ sở. Tại thời điểm mức lương cơ sở bị bãi bỏ thì mức tham chiếu không thấp hơn mức lương cơ sở tại thời điểm đó.

Các đối tượng này gồm: Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ đủ 1 tháng trở lên, kể cả trường hợp người lao động và người sử dụng lao động thỏa thuận bằng tên gọi khác, nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên.

Cán bộ, công chức, viên chức; Công nhân và viên chức quốc phòng, công nhân công an, người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu; Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật công an nhân dân; người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân.

Hạ sĩ quan, binh sĩ quân đội nhân dân; hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ công an nhân dân; học viên quân đội, công an, cơ yếu đang theo học được hưởng sinh hoạt phí.

Người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên, người đại diện phần vốn Nhà nước, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật; thành viên Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Giám đốc, thành viên Ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên và các chức danh quản lý khác được bầu của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã theo quy định của Luật Hợp tác xã có hưởng tiền lương.

Phúc Minh

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/luong-huu-luon-duoc-dieu-chinh-du-co-thoi-diem-khong-tang-luong-co-so.htm