'Lương y chữa bệnh 3 đời' - người bệnh kêu trời có thấu?

Những nội dung quảng cáo sai sự thật gian dối, dùng lừa dối người tiêu dùng về công dụng, hiệu quả của các sản phẩm thực phẩm chức năng (TPCN) vẫn đang bủa vây người tiêu dùng.

Đã có nhiều trường hợp người dân trót tin tưởng và nhận lấy hậu quả “tiền mất tật mang”.

Không khó để người dùng Youtube bắt gặp các quảng cáo có nội dung như “nhà tôi 3 đời trị nhận chữa sỏi thận”, “điều trị dứt điểm đau xương khớp”, “bà con bị viêm xoang lâu ngày gọi ngay đến số hotline sau…”…

Theo các cơ quan có thẩm quyền, những loại quảng cáo này hoàn toàn sai sự thật, không đúng công dụng, nói quá về tác dụng của sản phẩm. Thậm chí, do đặc thù là clip, các quảng cáo còn lồng ghép một số đoạn video phỏng vấn những người chữa khỏi bệnh và phần tư vấn của các giáo sư, tiến sĩ, chuyên gia y tế. Điều này khiến người tiêu dùng có thể hiểu sai, hiểu chưa đúng về công dụng của sản phẩm, dẫn tới tốn tiền mà chưa chắc khỏi bệnh.

Hậu quả của từ cả tin

Nắm bắt tâm lý các đối tượng có nhu cầu dựa trên hành vi, thói quen sử dụng Internet cùng sự hỗ trợ của các công cụ phân tích dữ liệu người dùng. Các nội dung quảng cáo sai sự thật này thông qua đó tác động đến hành vi mua hàng để thu lợi nhuận từ việc bán sản phẩm.

Vừa qua, BV Nội tiết Trung ương cho biết Khoa Cấp cứu bệnh viện vừa tiếp nhận bệnh nhân N.V.T. (58 tuổi, ngụ tại Kiến Thụy, Hải Phòng) trong tình trạng đường huyết và huyết áp tăng cao, da niêm mạc phù nề, cơ thể mệt mỏi, hoạt động chậm. Người nhà bệnh nhân cho biết, khoảng 1 tháng nay, bệnh nhân T. tự ý bỏ thuốc theo đơn của bác sĩ và dùng thuốc nam cùng viên sủi không rõ nguồn gốc được quảng cáo trên mạng xã hội. Ông T. mua loại thuốc này với giá gần 3 triệu đồng cho một liệu trình với cam kết của người bán là “khỏi hoàn toàn bệnh đái tháo đường”. Tuy nhiên, sau khi dùng thuốc, bệnh không có dấu hiệu thuyên giảm, trạng đường huyết lại tăng lên. Khoảng một tuần nay, bệnh nhân thấy cơ thể và mặt phù nặng lên kèm theo cảm giác khó thở về đêm và sáng sớm.

Theo các bác sĩ điều trị, bệnh nhân T. không phải trường hợp duy nhất nhập viện cấp cứu do tự ý ngừng thuốc điều trị. Bệnh viện từng tiếp nhận và điều trị cho nhiều trường hợp bệnh nhân bỏ chỉ định điều trị của bác sĩ mà nghe theo các quảng cáo trên mạng và gặp biến chứng. Nhiều trường hợp nhập viện trong tình trạng nguy kịch.

Các video chứa nội dung quảng cáo sai sự thật thường được cắt ghép tinh vi. Sử dụng logo tương tự các kênh chính thống để đánh lừa người tiêu dùng

Các video chứa nội dung quảng cáo sai sự thật thường được cắt ghép tinh vi. Sử dụng logo tương tự các kênh chính thống để đánh lừa người tiêu dùng

Ghi nhận tại Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, BV Đa khoa Xanh Pôn, trước đó bệnh viện tiếp nhận bệnh nhân nam, 56 tuổi mắc bệnh tiểu đường nhiều năm, đồng thời mắc viêm gan B, ung thư gan. Bác sĩ chỉ định điều trị bằng thuốc tiêm insulin (chất kiểm soát chuyển hóa đường vào máu) định kỳ. Bệnh nhân vì tin theo lời quảng cáo mà bỏ điều trị, thay vào đó sử dụng thuốc nam không rõ thành phần, không rõ hàm lượng, không rõ nơi sản xuất và không có chứng nhận cấp phép. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng huyết áp tụt, thở nhanh sâu, đau bụng. Các chỉ số xét nghiệm đều xấu, có tình trạng nhiễm toan chuyển hóa (nhiễm acid trong máu) và toan lactic rất nặng, đe dọa ngừng hô hấp, ngừng tim. Sau nhiều nỗ lực cấp cứu, chống độc và hồi sức tích cực, bệnh nhân đã thoát khỏi tình trạng nguy kịch.

Quảng cáo sai sự thật: Một thực trạng nhức nhối

PGS-TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (ATTP) – Bộ Y tế khẳng định: “Tất cả những quảng cáo thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe khẳng định là giải pháp hoàn hảo, chữa khỏi, điều trị tận gốc bệnh… đều là lừa dối người tiêu dùng. Cục ATTP không bao giờ cấp phép các quảng cáo như những cụm từ này trong giấy phép”.

Theo ông Phong, các sản phẩm được quảng cáo tràn lan và thổi phồng như thuốc chữa bệnh thường xuất hiện nhiều hiện nay như sản phẩm hỗ trợ điều trị ung thư, tai biến mạch máu não, bệnh thận, gan, bệnh xương khớp, giảm cân, nam khoa…. có tới 99% quảng cáo TPCN qua mạng xã hội không đúng sự thật. Một số đối tượng còn sử dụng một số nhân vật có ảnh hưởng để quảng cáo. Nhiều người tham gia quảng cáo sai quy định, do không hiểu biết về các quy định của pháp luật, nên vô hình trung tiếp tay cho sai phạm, đặc biệt là sản phẩm làm đẹp, trong đó có một số sản phẩm TPCN giảm cân.

PGS.TS NGUYỄN THANH PHONG, CỤC TRƯỞNG CỤC AN TOÀN THỰC PHẨM (ATTP) – BỘ Y TẾ:
“Tất cả những quảng cáo thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe khẳng định là giải pháp hoàn hảo, chữa khỏi, điều trị tận gốc bệnh… đều là lừa dối người tiêu dùng. Cục ATTP không bao giờ cấp phép các quảng cáo như những cụm từ này trong giấy phép”.

PHÚC VÕ

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/luong-y-chua-benh-3-doi-nguoi-benh-keu-troi-co-thau-n186114.html