M&A kênh thu hút nguồn lực đầu tư quan trọng

Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng tại Diễn đàn M&A Việt Nam 2019 'Thay đổi để bứt phá' diễn ra ngày 6/8 do báo Đầu tư tổ chức tại TP.HCM.

Quang cảnh diễn đàn

Quang cảnh diễn đàn

Hiện, Việt Nam đang có rất nhiều yếu tố tích cực góp phần mở ra một kỷ nguyên mới cho hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) tại Việt Nam, đưa M&A trở thành kênh quan trọng để thu hút đầu tư trong thời gian tới. Trước hết, phải kể đến các yếu tố nội tại của nền kinh tế như tốc độ tăng trưởng GDP những năm gần đây được duy trì ở mức cao 7%/năm, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, thu hút đầu tư nước ngoài đạt kết quả tích cực, số lượng DN được thành lập mới gia tăng, DN tư nhân ngày một lớn mạnh…

Đồng thời, quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng của đất nước đã tạo ra cơ hội cho DN Việt Nam tham gia vào nền kinh tế khu vực và toàn cầu thông qua hàng loạt hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương. Trong đó, có các hiệp định thế hệ mới như CPTPP, EVFTA góp phần mở ra thị trường rộng lớn về xuất nhập khẩu, đầu tư... thúc đẩy nâng cao năng lực sản xuất, cạnh tranh quốc gia. Số liệu thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, năm 2009 tổng giá trị thương vụ M&A mới chỉ đạt 1,1 tỷ USD thì đến năm 2018, con số này đã đạt mốc 10,2 tỷ USD, đưa tổng giá trị thương vụ trong thập kỷ qua đạt khoảng 55 tỷ USD.

Nhận định về nguồn vốn ngoại vào Việt Nam qua kênh M&A, TS. Stefano Pellegrino - Tổng Thư ký EuroCham cho biết, các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có nhiều DN đến từ châu Âu luôn coi trọng các vấn đề môi trường xã hội và chuyển giao công nghệ. Trong đó, những lĩnh vực như công nghệ, dược phẩm, logistics, dầu khí hoặc các ngành mới hơn như cấp nước, sản xuất, hàng tiêu dùng, thực phẩm và đồ uống đang thu hút nguồn vốn đầu tư mạnh mẽ.

“Nhiều DN châu Âu đã dành sự quan tâm đến Việt Nam, bởi các Hiệp định EVFTA, IPA sẽ được ký và sớm có hiệu lực. Nhờ đó, nhiều hợp đồng hợp tác kinh doanh giữa các nhà đầu tư nước ngoài và DN Việt Nam sẽ được ký kết. Điều này mở ra cơ hội cho nhiều lĩnh vực mới như năng lượng tái tạo, công nghệ bán dẫn, xử lý nước và chất thải. Đây là những “mảng miếng” mà DN châu Âu có uy tín và công nghệ cao”, TS. Stefano Pellegrino chia sẻ.

Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) thông tin thêm, hiện Chính phủ Việt Nam đang tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh, tập trung vào tái cơ cấu đầu tư công, hệ thống tài chính ngân hàng và DNNN. Riêng đối với DNNN đã có nhiều giải pháp thúc đẩy cổ phần hóa, bán vốn tại những DN mà nhà nước không nắm giữ cổ phần, vốn góp chi phối, kể cả những DN đang kinh doanh có hiệu quả.

Trong giai đoạn từ 2016 đến nay, Việt Nam đã thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn tại DNNN trên 200.000 tỷ đồng, gấp đôi giai đoạn 5 năm trước. Thông qua hoạt động này, nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đã mua và sở hữu được cổ phần của DN có vốn nhà nước như Vinamilk, Sabeco...

Bàn về vấn đề này, ông Đặng Quyết Tiến - Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính cho rằng, việc sắp xếp lại các DNNN hết sức cần thiết, song quá trình này đang gặp phải một số vướng mắc. Trong đó, “nổi cộm” là vấn đề đất đai, cần được xem xét, đánh giá một cách thận trọng, nhằm tránh tình trạng gây thất thoát, lãng phí.

Bên cạnh đó, một mấu chốt cần được đặt ra đối với các DN sau cổ phần hóa phải tiến hành niêm yết trên thị trường chứng khoán nhằm hướng tới các chuẩn mực quốc tế. Vì vậy, các quy định, chính sách đưa ra phải đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật, minh bạch thông tin, giúp các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư nước ngoài thấy được quyết định đầu tư vào thị trường Việt Nam luôn rõ ràng, minh bạch, từ đó mới thu hút được dòng vốn ngoại và thúc đẩy mạnh M&A phát triển, tạo ra dòng vốn đầu tư lớn cho thị trường.

“Song bên cạnh việc thu hút nguồn ngoại lực cũng như thúc đẩy quá trình cổ phần hóa DNNN, Chính phủ Việt Nam cũng xác định khu vực tư nhân là động lực tăng trưởng của nền kinh tế. Vì vậy, Chính phủ đang nỗ lực đẩy nhanh việc hoàn thiện các cơ chế, chính sách nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển, tạo điều kiện cho DN tư nhân tham gia đầy đủ vào tất cả các khu vực của nền kinh tế đất nước. Thời gian tới nhiều quy định của Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán, Luật Xây dựng... sẽ được sửa đổi, cắt giảm để tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn, giảm thiểu chi phí cho DN. Tuy nhiên, để thị trường M&A Việt Nam thực sự có sự bứt phá, ngoài sự trông đợi những thay đổi mạnh mẽ từ quá trình ban hành và thực thi chính sách, bản thân các DN trong nước cũng cần có sự năng động kết nối, xây dựng, định vị thương hiệu để tạo ra những sản phẩm hàng hóa giá trị cho thị trường M&A”, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng nhấn mạnh.

Thanh Tuyết

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/ma-kenh-thu-hut-nguon-luc-dau-tu-quan-trong-90773.html