Mô hình bài giảng '3 tốt' ở Trường Sĩ quan Chính trị

Những năm qua, các khoa giáo viên của Trường Sĩ quan Chính trị (SQCT) đã triển khai nhiều cách làm hay, mô hình tốt, đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy-học theo hướng tích cực, nỗ lực, sáng tạo trong từng bài giảng, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo.

Đến Khoa Công tác Đảng, công tác chính trị (CTĐ, CTCT), Trường SQCT, chúng tôi được tham dự buổi giảng mẫu rút kinh nghiệm của giảng viên. Theo Đại tá, TS Nguyễn Văn Tượng, Chủ nhiệm khoa đây là hoạt động thường xuyên của khoa nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy, đồng thời thông qua đó để truyền thụ kinh nghiệm, bồi dưỡng phương pháp, kiến thức cho đội ngũ giảng viên trẻ. Cũng từ những buổi giảng mẫu, mô hình bài giảng “3 tốt” của khoa ngày càng hoàn thiện và mang lại hiệu quả thiết thực.

Đại tá, TS Phạm Quang Thanh, Bí thư Đảng ủy, Phó chủ nhiệm khoa CTĐ, CTCT chia sẻ: “Mô hình bài giảng “3 tốt” thực sự mang lại hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy nói chung, chất lượng đội ngũ giảng viên nói riêng. “3 tốt” ở đây là: Hồ sơ bài giảng tốt; nội dung bài giảng tốt; phương pháp giảng dạy tốt. Theo đó, giảng viên biên soạn bài giảng theo đúng hướng dẫn của Cục Nhà trường (Bộ Tổng Tham mưu) từ bố cục, dung lượng, thể thức đến quy trình soạn bài. Để có bài giảng chất lượng, giảng viên phải tuân thủ đề cương bài giảng, chủ động cập nhật thông tin, kiến thức mới, nắm chắc đối tượng giảng dạy, định hướng tư tưởng tốt, sát đối tượng, lý luận phải gắn với thực tiễn cùng các số liệu cụ thể, trích nguồn dẫn chính xác, có câu hỏi phát vấn phù hợp với nội dung truyền thụ...”.

Một buổi giảng rút kinh nghiệm ở Khoa Công tác Đảng, công tác chính trị, Trường Sĩ quan Chính trị.

Một buổi giảng rút kinh nghiệm ở Khoa Công tác Đảng, công tác chính trị, Trường Sĩ quan Chính trị.

Đồng quan điểm với Đại tá, TS Phạm Quang Thanh, Đại tá, TS Tạ Minh Hưng, Chủ nhiệm bộ môn Công tác tổ chức, Khoa CTĐ, CTCT nêu kinh nghiệm: "Để có bài giảng hay, giờ giảng tốt, giảng viên phải chủ động làm mới nội dung bài giảng bằng những thông tin, hình ảnh sinh động, kinh nghiệm thực tiễn phong phú, nêu bật được những vấn đề quan trọng để học viên trao đổi, thảo luận, gợi mở tư duy sáng tạo của học viên, có phương pháp phù hợp, thuyết phục người học trên cơ sở lý luận khoa học, không được áp đặt một chiều".

Mô hình bài giảng “3 tốt” không chỉ phát huy hiệu quả ở Khoa CTĐ, CTCT mà còn được tất cả các khoa giáo viên của Trường SQCT tổ chức thực hiện, thu được kết quả tích cực. Đặc biệt, nội dung “phương pháp giảng dạy tốt” đã được các khoa triển khai với nhiều cách làm sáng tạo. Trên cơ sở lấy người học làm trung tâm, các khoa thực hiện đổi mới toàn diện phương pháp giảng dạy theo hướng tích cực, áp dụng công nghệ thông tin trong giảng bài, chuyển mạnh từ phương pháp dạy học truyền thống “thầy đọc, trò ghi” sang phương pháp dạy học tích cực: Thầy giảng những nội dung chính, gợi ý, hướng dẫn, học viên tích cực nghiên cứu, trao đổi, thảo luận... Tại Khoa CTĐ, CTCT, hiện 100% giảng viên thực hành giảng bài thông qua phần mềm trình chiếu với những thông tin, hình ảnh, video clip sinh động trong phòng học chuyên dùng, thực hiện huấn luyện liên kết môn với Khoa Chiến thuật nhằm bảo đảm kết hợp chặt chẽ giữa hoạt động của người lãnh đạo và người chỉ huy đơn vị, giúp học viên dễ hiểu, dễ nhớ và từng bước hình thành năng lực thực tiễn. Thượng sĩ Lê Huỳnh Đức, học viên Hệ 4, Trường SQCT cho biết: “Từ khi giảng viên áp dụng phương pháp dạy học tích cực giúp học viên nắm kiến thức nhanh hơn, việc áp dụng công nghệ thông tin vào bài giảng cũng làm bài giảng dễ hiểu, thêm sinh động, gợi mở sự tìm tòi, sáng tạo trong học viên”.

Bên cạnh mô hình bài giảng "3 tốt”, các khoa giáo viên còn có nhiều mô hình, cách làm thiết thực, như: “Bài giảng thanh niên”, “Giờ luyện tập kiểu mẫu”, “Seminar 3 tốt”... Đại tá Chu Xuân Hải, Phó chủ nhiệm khoa Triết học, Trường SQCT cho rằng: “Để góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, người giảng viên phải nỗ lực, sáng tạo trong từng bài giảng, giờ học. Ví dụ, trong thực hiện mô hình “Seminar 3 tốt”, giảng viên phải điều hành thảo luận linh hoạt, định hướng nhận thức và vận dụng thực tiễn, phát huy khả năng tư duy độc lập, sáng tạo cho học viên sát với chức trách, nhiệm vụ người chính trị viên, bí thư chi bộ đại đội theo mục tiêu đào tạo của nhà trường”.

Theo Thượng tá, TS Nguyễn Đỗ Phú, Trưởng ban Kế hoạch huấn luyện, Phòng Đào tạo, Trường SQCT, những cách làm, kinh nghiệm quý trong dạy-học sẽ tiếp tục được nhà trường phổ biến, nhân rộng nhằm góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo trong thời gian tới.

Bài và ảnh: BÙI HẢI NINH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/mo-hinh-bai-giang-3-tot-o-truong-si-quan-chinh-tri-648264