Mô hình khởi nghiệp ở Như Cố

Phát huy tinh thần khởi nghiệp dám nghĩ, dám làm, những thanh niên dân tộc thiểu số thuộc xã Như Cố (huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn) đã thành lập Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp thanh niên Như Cố, đi đầu trong phong trào xây dựng nông thôn mới, tạo thu nhập ổn định cho người dân trên địa bàn huyện Chợ Mới.

Dám nghĩ, dám làm

Xã Như Cố là địa phương có địa hình đồi núi, khí hậu thuận lợi cho trồng trọt các loại cây nông nghiệp và công nghiệp. Ngoài ra, địa phương này còn có nguồn nhân lực dồi dào, có nhiều kinh nghiệm trong lao động sản xuất nhưng vẫn chưa có thu nhập ổn định. Sớm nhận thấy những tiềm năng chưa được đánh thức, ngay từ khi còn là sinh viên của Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên, anh Lường Đình Hùng (nay là cố vấn HTX Nông nghiệp thanh niên Như Cố) đã ấp ủ ý tưởng khởi nghiệp trên mảnh đất quê hương. Tốt nghiệp đại học, anh Hùng trở về quê nhà, giữ cương vị Bí thư Đoàn Thanh niên xã Như Cố, từ đó tổ chức nhiều phong trào, tập hợp đông đảo thanh niên tham gia.

Xã viên chăm sóc dưa lưới trong nhà màng tại Hợp tác xã Nông nghiệp thanh niên Như Cố (xã Như Cố, huyện Chợ Mới).

Xã viên chăm sóc dưa lưới trong nhà màng tại Hợp tác xã Nông nghiệp thanh niên Như Cố (xã Như Cố, huyện Chợ Mới).

Để hiện thực hóa những ý tưởng ban đầu, năm 2017, anh Hùng đã mạnh dạn đứng ra thành lập Tổ hợp tác Thanh niên Như Cố với 25 thành viên đều là thanh niên dân tộc Tày chăm chỉ, chịu thương chịu khó. Xác định rõ mục tiêu sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, tổ quyết định thí điểm chuyển đổi 6.000m2 đất ruộng tại thôn Nà Chào (xã Như Cố) sang trồng rau và cây ăn quả. Ban đầu, người dân xã Như Cố rất lo lắng vì với họ, trồng một loại cây khác trên mảnh ruộng bao đời nay trồng lúa là một quyết định mạo hiểm. Hùng cùng các thanh niên trong tổ hợp tác đã thuyết phục bà con. Với những nỗ lực miệt mài, cùng sự cẩn thận, tỉ mỉ trong từng khâu của quy trình sản xuất, tổ đã thành công với rau bí siêu ngọn, dưa chuột, dưa hấu, cà chua, rau cải... Bên cạnh đó, tổ còn thử nghiệm sản xuất thành công trồng rau trái vụ. Kết quả, ngay trong năm đầu tiên, mỗi 1.000m2 rau màu luân canh đã cho thu nhập khoảng 60 triệu đồng, cao gấp nhiều lần so với trồng lúa.

Từng bước phát triển vững chắc

Từ thành công bước đầu, anh Hùng cùng các thành viên khác quyết định nâng tổ hợp tác lên thành HTX Nông nghiệp thanh niên Như Cố. Với mục tiêu phát triển bền vững, HTX đã đi học hỏi kinh nghiệm trồng rau màu theo hướng hữu cơ tại nhiều địa phương như Hà Nội, Hà Giang... nghiên cứu áp dụng khoa học-kỹ thuật vào sản xuất, nói không với hóa chất, thực hiện nghiêm túc quy trình canh tác, ghi chép cụ thể các bước chăm sóc, thu hoạch.

Trò chuyện với chúng tôi, anh Hùng cho biết: Để mở rộng vùng nguyên liệu, HTX đã chủ động liên kết với bà con qua phương thức người dân góp đất, góp nhân công; HTX hỗ trợ kỹ thuật, hướng dẫn quy trình chuẩn trồng cây hiệu quả, bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Chính nhờ mối liên kết sản xuất, tiêu thụ khép kín này mà những sản phẩm của HTX luôn duy trì chất lượng theo đúng quy định an toàn vệ sinh thực phẩm, người dân có nguồn thu nhập ổn định. Theo đó, doanh thu năm 2020 của HTX đạt gần 3 tỷ đồng, thu nhập của mỗi thành viên đạt trung bình 5 triệu đồng/tháng.

Bên cạnh đó, để mở rộng quy mô, HTX đã tiến hành xây dựng hệ thống nhà lưới, nhà màng chuyên canh, đa dạng hóa các loại cây trồng, từng bước tiếp cận nông nghiệp công nghệ cao. Hiện tại, HTX có một nhà lưới công nghệ cao với quy mô khoảng 2.000m2 chuyên trồng sản phẩm dưa lưới, đạt doanh thu 200 triệu đồng/vụ. Đối với cây chè, HTX cam kết thu mua chè của người dân xã Như Cố và xử lý tại xưởng chế biến rộng 320m2, doanh thu mỗi năm đạt khoảng 600 triệu đồng. Ngoài ra, HTX còn phát triển thêm 1ha mướp đắng rừng, 2,55ha thanh long ruột đỏ... Không chỉ sản xuất rau màu, củ, quả, HTX còn phát triển các mô hình chăn nuôi như: Nuôi gà với quy mô 10.000 con/lứa, nuôi ong lấy mật... Để đáp ứng nhu cầu thị trường, nâng cao khả năng cạnh tranh, tất cả sản phẩm do HTX cung cấp ra thị trường đều có nhãn mác, mã số, mã vạch do cơ quan chức năng cấp. Đến nay, HTX đã có 4 sản phẩm là trà mướp đắng rừng, chè Như Cố, bún khô và mật ong đạt OCOP 3 sao.

Với những thành tích đạt được, năm 2020, HTX đã vinh dự nhận bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn vì “đã có thành tích tiêu biểu trong thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) tỉnh Bắc Kạn giai đoạn (2018-2020)” và bằng khen của Liên minh HTX Việt Nam vì “đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua xây dựng và phát triển kinh tế tập thể, HTX giai đoạn 2018-2020”. Theo ông Hoàng Văn Giáp, Chánh Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo tỉnh Bắc Kạn, mô hình khởi nghiệp của HTX Nông nghiệp thanh niên Như Cố vừa thể hiện ý chí vượt khó vươn lên làm giàu tại quê nhà, lan tỏa tinh thần khởi nghiệp đến đông đảo thanh niên; vừa góp phần khẳng định vai trò của thanh niên nông thôn trong công cuộc phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương.

Phát huy tinh thần khởi nghiệp dám nghĩ, dám làm, những thanh niên dân tộc thiểu số thuộc xã Như Cố (huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn) đã thành lập Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp thanh niên Như Cố, đi đầu trong phong trào xây dựng nông thôn mới, tạo thu nhập ổn định cho người dân trên địa bàn huyện Chợ Mới.

Bài và ảnh: MAI THU HƯƠNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/mo-hinh-khoi-nghiep-o-nhu-co-655693