Mở ra thị trường lớn cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam

Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam với Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland (UKVFTA) chính thức có hiệu lực từ 23 giờ ngày 31-12-2020, tức là 6 giờ sáng 1-1-2021 theo giờ Việt Nam.

Theo Bộ Công Thương, trong bối cảnh Vương quốc Anh đã chính thức rời khỏi Liên minh châu Âu và giai đoạn chuyển tiếp chuẩn bị kết thúc (ngày 31 tháng 12 năm 2020), việc áp dụng tạm thời Hiệp định UKVFTA sẽ bảo đảm thương mại song phương giữa Việt Nam và Vương quốc Anh không bị gián đoạn sau khi kết thúc giai đoạn chuyển tiếp trong khi hai bên tiếp tục hoàn thành các thủ tục trong nước phù hợp với quy định của pháp luật mỗi bên.

Bên cạnh đó, với nền tảng là kế thừa Hiệp định EVFTA, Hiệp định UKVFTA cũng sẽ tạo khuôn khổ hợp tác kinh tế - thương mại toàn diện, lâu dài, ổn định giữa Việt Nam và Vương quốc Anh, từ đó tạo động lực cho việc tăng cường và làm sâu sắc quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa hai bên, đặc biệt trong bối cảnh hai bên vừa gia hạn việc duy trì quan hệ song phương ở cấp độ đối tác chiến lược.

Dư địa tăng trưởng thị trường tại Vương quốc Anh cho sản phẩm Việt Nam còn rất lớn.

Dư địa tăng trưởng thị trường tại Vương quốc Anh cho sản phẩm Việt Nam còn rất lớn.

Với UKVFTA, các lợi ích trong mối quan hệ thương mại hiện có của hai bên tại Hiệp định EVFTA được duy trì. Hiệp định song phương này là sự khởi đầu của một giai đoạn mới trong quan hệ giữa hai nước đối với việc phát triển các lĩnh vực thương mại chủ chốt. UKVFTA không chỉ tự do hóa thương mại hàng hóa và dịch vụ, mà còn tích hợp nhiều yếu tố quan trọng khác, chẳng hạn như hướng tới tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.

Anh là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam tại khu vực châu Âu. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, năm 2019, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hai nước đạt 6,6 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 5,8 tỷ USD và nhập khẩu đạt 857 triệu USD. Trong giai đoạn từ 2011-2019, tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu song phương Việt - Anh tăng trung bình 12,1%/năm, cao hơn mức trung bình chung của Việt Nam 10%/năm. Tăng trưởng tổng kim ngạch xuất nhập khẩu với thị trường này cũng đạt mức cao (trên 10%).

 Hàng hóa Việt Nam trên kệ ở siêu thị Vương quốc Anh.

Hàng hóa Việt Nam trên kệ ở siêu thị Vương quốc Anh.

Các sản phẩm xuất khẩu chính của Việt Nam sang Anh là: Điện thoại - linh kiện, hàng dệt may, giày dép, thủy sản, gỗ và sản phẩm gỗ, máy vi tính - linh kiện, hạt điều, cà phê, hạt tiêu.

Việt Nam nhập khẩu từ Anh gồm: Máy móc, thiết bị, dược phẩm, sắt thép, hóa chất. Mặt hàng xuất nhập khẩu giữa hai quốc gia mang tính bổ sung thay vì cạnh tranh.

Dư địa tăng trưởng thị trường tại Vương quốc Anh cho sản phẩm Việt Nam còn rất lớn vì tất cả các sản phẩm xuất khẩu Việt Nam chỉ chiếm được không quá 1% thị phần trong tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa mỗi năm gần 700 tỉ USD (2019) của Anh. Tuy nhiên, khi Anh rời EU, các ưu đãi mang lại từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) sẽ không được áp dụng tại thị trường Anh. Bởi vậy, việc ký kết một FTA song phương sẽ tạo điều kiện cho hoạt động cải cách, mở cửa thị trường, thuận lợi hóa thương mại ở hai quốc gia trên cơ sở kế thừa các kết quả đàm phán tương đối tích cực ở EVFTA, tránh gián đoạn các hoạt động thương mại do hệ quả mang lại của Brexit.

Trong thời gian tới, bên cạnh việc hoàn thành các thủ tục trong nước để phê duyệt Hiệp định EVFTA, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan ban hành các văn bản hướng dẫn cụ thể để áp dụng tạm thời Hiệp định; đồng thời triển khai việc xây dựng Kế hoạch thực thi nhằm bảo đảm tận dụng tối đa cơ hội mang lại từ Hiệp định này, đem lại lợi ích cho người dân và doanh nghiệp Việt Nam.

PHƯƠNG HẰNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/tin-tuc/mo-ra-thi-truong-lon-cho-hang-hoa-xuat-khau-cua-viet-nam-648143