Mong manh tiến trình hòa bình tại Afghanistan

Quân đội Mỹ cũng như liên quân quốc tế do Mỹ dẫn đầu sắp hoàn tất quá trình rút quân hoàn toàn khỏi Afghanistan, dự kiến vào ngày 31-8 tới. Kể từ khi Mỹ khởi động quá trình rút quân vào ngày 1-5 vừa qua, Afghanistan đã chứng kiến tình trạng gia tăng bạo lực nghiêm trọng khi quân nổi dậy Taliban tăng cường tấn công đánh chiếm các quận, huyện trọng yếu trên khắp đất nước.

Lính biệt kích Afghanistan được tăng cường cho lực lượng an ninh ở thủ phủ tỉnh Badakhshan trong bối cảnh Taliban chiếm được các huyện lị lân cận ở tỉnh này vào đầu tháng 7. Ảnh: REUTERS

Lính biệt kích Afghanistan được tăng cường cho lực lượng an ninh ở thủ phủ tỉnh Badakhshan trong bối cảnh Taliban chiếm được các huyện lị lân cận ở tỉnh này vào đầu tháng 7. Ảnh: REUTERS

Nhiều cựu lãnh đạo Mỹ cùng lãnh đạo quân sự và chính trị gia của cả Mỹ và Afghanistan từng chỉ trích việc Mỹ rút quân khỏi Afghanistan. Giới quan sát khu vực cho biết, kể từ khi Mỹ triển khai rút quân đến nay, lực lượng an ninh của Chính phủ Afghanistan đang cho thấy sự thất thế trước sự trỗi dậy mạnh mẽ của Taliban, đồng thời liên tục đưa ra những lời kêu gọi cộng đồng quốc tế có biện pháp ngăn chặn Taliban. Một trong những động thái đáng chú ý gần đây của Chính phủ Afghanistan là ban bố lệnh giới nghiêm từ 10 giờ tối đến 4 giờ sáng nhằm giúp lực lượng an ninh phòng thủ tốt hơn trước các cuộc tấn công của Taliban. Giới quan sát đánh giá, động thái này là một trong những dấu hiệu minh chứng cho sự “đuối sức” của Chính phủ Afghanistan.

Trong những tuần qua, khi Taliban đánh chiếm các mục tiêu ở khu vực biên giới, nhiều binh sĩ Afghanistan đã bỏ chạy sang các nước láng giềng để thoát thân. Thậm chí, truyền thông khu vực còn cho biết, Taliban chiếm quyền kiểm soát 19 quận quan trọng mà không xảy ra đụng độ với lực lượng an ninh của chính phủ. Đặc biệt, Taliban đã chiếm được một số cửa khẩu biên giới với Iran, Uzbekistan và Tajikistan, mở ra nguồn tiếp viện tiềm năng cho nhóm.

Việc Mỹ rút quân khỏi Afghanistan được khởi nguồn từ thời cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump. Đầu năm 2020, Mỹ và Taliban đã đạt được thỏa thuận lịch sử mở đường cho hồi kết của cuộc chiến dài hơi nhất của Mỹ, trong đó có việc rút toàn bộ quân Mỹ khỏi Afghanistan trước tháng 5 năm nay. Tuy nhiên, chính quyền của tân Tổng thống Mỹ Joe Biden đã lùi tiến trình này đến ngày 11-9, sau đó, đẩy nhanh tiến độ lên ngày 31-8.

Giới chuyên gia quốc tế cho rằng, thực chất, Taliban “ôm mộng” thành lập nhà nước riêng nên khó có thể chấp nhận giải pháp chia sẻ quyền lực điều hành đất nước với Chính phủ Afghanistan. Đây cũng là nguyên do căn bản khiến các cuộc đàm phán chính trị giữa Taliban và Chính phủ Afghanistan bế tắc.

Theo giới chức quân đội Mỹ, Taliban đã đánh chiếm gần một nửa tổng số quận huyện trên cả nước nhưng chưa chiếm toàn bộ bất kỳ 1 tỉnh thành nào trong số 34 tỉnh thành của Afghanistan. Dẫu vậy, việc đánh chiếm các “thủ phủ” dường như là một chiến lược của Taliban nhằm bao vây khoảng một nửa số tỉnh thành và cô lập nhiều trung tâm đông dân cư.

Thỏa thuận giữa Mỹ và Taliban quy định rõ ràng việc Taliban không được liên kết và không để các tổ chức khủng bố hoạt động trên lãnh thổ Afghanistan. Song, thực tế đang cho thấy điều ngược lại khi Taliban vẫn liên kết chặt chẽ với các tổ chức khủng bố khác, bao gồm al-Qaeda - tổ chức khủng bố gây ra thảm họa 11-9, châm ngòi cho cuộc chiến của Mỹ ở Afghanistan. Một báo cáo của Liên hợp quốc vào tháng trước cho biết, số lượng lớn các chiến binh al-Qaeda và các phần tử khủng bố khác liên kết với Taliban đang ở nhiều vùng khác nhau của Afghanistan, thậm chí còn tổ chức ăn mừng khi Mỹ và liên quân quốc tế tiến hành rút quân khỏi quốc gia này.

Khi thời hạn hoàn tất việc rút quân nước ngoài cận kề, mối lo ngại về sự trỗi dậy mạnh mẽ hơn nữa của Taliban ngày càng lớn. Taliban hiện cho thấy những động thái bất chấp những lời kêu gọi ngừng bắn và không thiện chí tham gia tiến trình hòa bình Afghanistan.

Các nhà phân tích an ninh cho rằng, trong thời gian tới, “nội lực” của Taliban khó có thể độc lập chiếm quyền kiểm soát cả nước nên Taliban dường như sẽ liên kết với các tổ chức khủng bố khác lũng đoạn Afghanistan. Trong kịch bản này, Afghanistan rất có thể sẽ tiếp tục chìm trong cảnh hỗn loạn, đau thương sau 2 thập kỷ chiến tranh.

Thanh Trúc

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/mong-manh-tien-trinh-hoa-binh-tai-afghanistan-post442114.html