Một số xu hướng nổi lên ở Trung Đông trong năm 2023

Cuộc xung đột ở Ukraine trong năm 2022 tác động sâu rộng trên toàn thế giới, đặc biệt là ở Trung Đông, nơi nguồn cung cấp năng lượng, tuyến đường thủy chiến lược và thậm chí cả ngành công nghiệp vũ khí của khu vực đóng vai trò then chốt trong cuộc xung đột này. Trong bối cảnh đó, các chuyên gia của CNN dự báo về một số xu hướng nổi lên ở Trung Đông trong năm 2023.

Các quốc gia vùng Vịnh vẫn là nguồn cung quan trọng trước dự báo giá dầu thế giới sẽ tăng trong năm 2023

Các quốc gia vùng Vịnh vẫn là nguồn cung quan trọng trước dự báo giá dầu thế giới sẽ tăng trong năm 2023

Phép thử với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã đặt ra một loạt mục tiêu đầy tham vọng cho đất nước nhân dịp 100 năm thành lập vào năm 2023, nhưng rất có thể, đó là năm mà ông phải tập trung vào việc cố gắng giữ vững chiếc ghế lãnh đạo của mình.

Xung đột Ukraine đã chứng kiến nỗ lực làm trung gian hòa giải giữa các bên của Thổ Nhĩ Kỳ. Điều này đã tạo ra một cú hích trong nước cho Tổng thống Recep Tayyip Erdogan khi nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ lao đao vì suy thoái do lạm phát. Nhưng thời gian gần đây, đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ đã giảm mạnh về giá trị và chi phí sinh hoạt tăng chóng mặt do các chính sách tiền tệ bị chỉ trích rộng rãi của ông Erdogan nhằm tránh tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát. Cùng với bộ máy lãnh đạo nắm quyền đã nhiều năm và một thế hệ cử tri mới đang tìm kiếm sự thay đổi, năm 2023 có khả năng đánh dấu sự suy giảm quyền lực của ông Erdogan.

Lần đầu tiên sau nhiều năm, phe đối lập - ít nhất là cho đến thời điểm hiện tại - dường như thống nhất xung quanh việc tìm kiếm một ứng cử viên có thể đối đầu với ông Erdogan. Năm ngoái, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đã phải chịu một thất bại lớn trong các cuộc thăm dò dư luận. Trên mặt trận quốc tế, Ankara vẫn có quan hệ căng thẳng với Mỹ - đồng minh chủ chốt ở NATO khi Mỹ được cho là vẫn ủng hộ một nhóm người Kurd có vũ trang ở Syria mà Thổ Nhĩ Kỳ coi là mối đe dọa với an ninh quốc gia. Những tranh chấp chưa được giải quyết với Hy Lạp về biên giới biển ở Địa Trung Hải cũng như khẩu chiến về việc Hy Lạp triển khai quân đội tại các đảo nhỏ ở Aegean gần Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục làm gia tăng căng thẳng với châu Âu. Đó là chưa kể, châu Âu và Thổ Nhĩ Kỳ vẫn “dùng dằng” trong hợp tác xử lý người di cư và người tị nạn. Những khó khăn đó đang bủa vây nhà lãnh đạo Ankara trong năm bầu cử then chốt này.

Chính phủ Israel và những chính sách mới

Đầu năm 2023, Israel có một chính phủ mới và đứng đầu là Thủ tướng Benjamin Netanyahu - một gương mặt quen thuộc. Đáng chú ý là ông Itamar Ben Gvir, Bộ trưởng An ninh quốc gia phụ trách cảnh sát Israel và ông Bezalel Smotrich, Bộ trưởng Tài chính đều là những luật sư định cư theo cánh hữu trở thành chính trị gia. Ông Ben Gvir và những người đồng hành đã công khai bày tỏ về việc thay đổi hiện trạng tại địa điểm linh thiêng nhất của Jerusalem - (được gọi là Núi Đền đối với người Do Thái và Haram al-Sharif đối với người Hồi giáo) và sau đó là Bờ Tây. Hợp tác an ninh giữa quân đội Israel và lực lượng an ninh

Palestine, từ lâu đã được các nhà lãnh đạo Israel coi là chìa khóa để giữ yên ổn cho Bờ Tây, đã trở nên căng thẳng vào năm ngoái.

Một trong những câu hỏi lớn nhất là chính quyền Mỹ sẽ làm việc với Chính phủ Israel như thế nào và liệu họ có tương tác với hai bộ trưởng này không. Vào tháng 12-2022, Ngoại trưởng Antony Blinken nói rằng Mỹ sẽ đánh giá chính phủ Israel “bởi các chính sách mà họ theo đuổi hơn là tính cách cá nhân”.

Một OPEC+ gắn kết hơn

Các quốc gia vùng Vịnh vốn muốn giữ thái độ trung lập trong cái mà họ coi là một trật tự thế giới hướng tới đa cực nên cảm thấy khó xử khi một bên là quan hệ với Nga trong liên minh các nước xuất khẩu dầu mỏ OPEC mở rộng, bên kia là các đồng minh truyền thống phương Tây muốn gia tăng sức ép đối với Nga.

Theo dự đoán, năm 2023 sẽ là một năm mà OPEC+ vẫn rất đoàn kết bởi một nước Nga bị cô lập trên toàn cầu cần liên minh và có khả năng sẽ tuân theo các quyết định của nhóm. Và một điều chắc chắn là, việc các quốc gia phương Tây áp giá trần đối với dầu của Nga vào tháng 12-2022 có thể ảnh hưởng đến giá dầu toàn cầu. Trong bối cảnh Nga có thể cắt giảm sản lượng tới 700.000 thùng/ngày, các quốc gia vùng Vịnh sẽ xem xét lấp đầy khoảng trống đó, đồng thời họ cũng có khả năng trở thành nhà cung cấp khí đốt quan trọng cho châu Âu khi châu Âu loại bỏ nguồn cung cấp của Nga.

Theo (Theo CNN)

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/mot-so-xu-huong-noi-len-o-trung-dong-trong-nam-2023-post527751.antd