Mưa lớn gây sạt lở đất vùi lấp nhiều nhà dân, phương tiện

Mưa lớn trên địa bàn huyện Bắc Quang, Hà Giang gây thiệt hại về người, tài sản của Nhà nước và nhân dân. Hiện nay, huyện Bắc Quang đang huy động lực lượng '4 tại chỗ' khẩn trương tìm kiếm cứu nạn, giúp nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai; di dời các hộ dân đã bị và có nguy cơ bị ngập úng, sạt lở đất đến khu vực an toàn.

CBCS Công an huyện Bắc Quang và lực lượng chức năng đang tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ người dân bị mắc kẹt do mưa lớn gây sạt lở nhà dân.

CBCS Công an huyện Bắc Quang và lực lượng chức năng đang tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ người dân bị mắc kẹt do mưa lớn gây sạt lở nhà dân.

Từ đêm 27/9 đến 9h00' sáng 29/9, trên địa bàn huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang có mưa to đến rất to kèm theo dông, sét tại một số xã, thị trấn: Thượng Bình, Đồng Tâm, Việt Vinh, Hữu Sản, Kim Ngọc, Tân Lập, Tân Thành... gây ảnh hưởng, thiệt hại đến tài sản của nhân dân.

Thông tin từ Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN) huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang cho biết, đến 9h sáng 29/9, nước lũ cuốn trôi bà Vần Thị Xưởng, SN 1970; trú tại thôn Thượng Mỹ, xã Việt Vinh.

Hiện tại Ban chỉ huy PCTT và TKCN xã Việt Vinh đang huy động lực lượng chức năng tìm kiếm.

Tại xã Đồng Tâm, sạt taluy dương vùi lấp nhà bếp hộ gia đình ông Mai Ngọc Thắng, thôn Bản Buốt, xã Đồng Tâm. Trong nhà lúc này có cháu Mai Thị Chang, học sinh lớp 5 chưa thoát ra ngoài được.

Hiện, các lực lượng đang tiếp cận hiện trường để tổ chức tìm kiếm.

CBCS Công an huyện Bắc Quang và lực lượng chức năng đang tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ người dân bị mắc kẹt do mưa lớn gây sạt lở nhà dân.

CBCS Công an huyện Bắc Quang và lực lượng chức năng đang tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ người dân bị mắc kẹt do mưa lớn gây sạt lở nhà dân.

Nhiều tuyến đường giao thông trên địa bàn huyện Bắc Quang bị ảnh hưởng. Trong đó, tại Km 51, Quốc lộ 2 đoạn qua xã Việt Vinh, nước lũ tràn qua đường với độ sâu khoảng 1m gây ách tắc giao thông.

Nhiều tuyến đường liên thôn tại các xã Thượng Bình, Hữu Sản, Việt Vinh, Đồng Tâm bị sạt lở, ảnh hưởng đến việc đi lại của nhân dân.

Riêng tại xã Đồng Tâm, các tuyến đường liên thôn Bản Buốt, Pha nước lũ dâng cao, có đoạn ngập sâu trên 2m, làm ách tắc giao thông.

Hiện nay, huyện Bắc Quang đang huy động lực lượng “4 tại chỗ” khẩn trương tìm kiếm cứu nạn, giúp nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai; di dời các hộ dân đã bị và có nguy cơ bị ngập úng, sạt lở đất đến khu vực an toàn.

Công tác tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ người dân bị mắc kẹt do mưa lớn gây sạt lở nhà dân rất khẩn trương.

Công tác tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ người dân bị mắc kẹt do mưa lớn gây sạt lở nhà dân rất khẩn trương.

Ngay sau khi nhận được thông tin, Công an huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang đã bố trí lực lượng tiếp cận hiện trường nắm bắt tình hình, xác minh thiệt hại và hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả thiên tai. Đồng thời, giúp các hộ dân có nhà ở nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở di chuyển về nơi an toàn.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác tìm kiếm cứu nạn cứu hộ, xác định người dân bị mắc kẹt trong nhà dân, trong các phương tiện ô tô... đưa ra ngoài. Hiện công tác cứu hộ gặp nhiều khó khăn do nhiều đoạn đường trên địa bàn đang bị sạt lở...

Phòng CSGT Công an tỉnh Hà Giang bố trí lực lượng, phương tiện tuần tra kiểm soát, hướng dẫn phân luồng, đảm bảo trật tự an toàn giao thông; hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả do mưa lớn, ngập úng, sạt lở đất gây ra.

Một số hình ảnh tại hiện trường vụ sạt lở tại tuyến đường Quốc lộ 2 tại Km51 đoạn qua xã Việt Vinh:

Vụ sạt lở khiến nhiều phương tiện bị xô đẩy, một số ô tô bị lật...

Vụ sạt lở khiến nhiều phương tiện bị xô đẩy, một số ô tô bị lật...

Xe con bị lật sau vụ sạt lở.

Xe con bị lật sau vụ sạt lở.

Chủ động ứng phó với ứng phó với mưa lớn khu vực Bắc Bộ và Thanh Hóa

Trong một diễn biến liên quan, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản chỉ đạo chủ động ứng phó với mưa lớn khu vực Bắc Bộ và Thanh Hóa.

Theo đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ và Thanh Hóa chủ động ứng phó với diễn biến của mưa lớn, nguy cơ lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt.

Theo bản tin của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, chiều tối và đêm 28/9/2024, vùng núi và trung du Bắc Bộ có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có nơi mưa to đến rất to với lượng mưa từ 15-30mm, có nơi trên 80mm.

Từ chiều tối 29/9 đến 30/9/2024, khu vực Bắc Bộ và Thanh Hóa có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến từ 50-100mm, cục bộ có nơi trên 200mm.

Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh; nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất trên sườn dốc và ngập úng tại các khu vực trũng, thấp.

Để chủ động ứng phó với diễn biến của mưa lớn, nguy cơ lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố thực hiện một số nội dung sau:

1.Theo dõi chặt chẽ bản tin dự báo, cảnh báo mưa lớn, lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh, nguy cơ ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, thông tin kịp thời, đầy đủ đến các cấp chính quyền, người dân biết để chủ động phòng tránh, ứng phó, giảm thiểu thiệt hại.

2.Triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động khơi thông dòng chảy; chủ động di dời, sơ tán người dân ở khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn.

3.Tổ chức lực lượng canh gác, kiểm soát, hỗ trợ, hướng dẫn bảo đảm giao thông an toàn cho người và phương tiện, nhất là tại các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, khu vực đã xảy ra sạt lở hoặc có nguy cơ xảy ra sạt lở; kiên quyết không cho người và phương tiện qua lại nếu không bảo đảm an toàn; không để xảy ra thiệt hại đáng tiếc về người do bất cẩn, chủ quan; bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính khi xảy ra mưa lớn.

4.Tổ chức vận hành và triển khai phương án đảm bảo an toàn các hồ chứa và hạ du, đặc biệt là các hồ chứa thủy điện nhỏ, hồ thủy lợi xung yếu, công trình đang thi công; bố trí lực lượng thường trực để vận hành điều tiết và sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra.

Sẵn sàng phương án phòng chống lũ, đảm bảo an toàn đê điều theo cấp báo động. Kiểm tra, rà soát, triển khai công tác đảm bảo an toàn đối với các hầm mỏ, khu khai thác khoáng sản.

5.Sẵn sàng phương án tiêu nước chống úng bảo vệ sản xuất, khu công nghiệp, khu đô thị, khu tập trung dân cư.

6.Sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.

7.Chỉ đạo cơ quan phát thanh, truyền hình và các cơ quan thông tin đại chúng địa phương tăng cường các biện pháp thông tin về diễn biến, bản tin cảnh báo, dự báo mưa lớn, lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh, nguy cơ ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất đến các cấp chính quyền và người dân biết để chủ động phòng tránh, ứng phó.

8.Trực ban nghiêm túc (24/24h), thường xuyên báo cáo về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (qua Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai).

Nguồn Chính Phủ: https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/mua-lon-gay-sat-lo-dat-vui-lap-nhieu-nha-dan-phuong-tien-119240929133326206.htm