Mỹ 'chốt' kinh phí và thời hạn phát triển tên lửa đạn đạo liên lục địa mới

Mỹ đã bắt đầu phát triển một thế hệ tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) mới, nằm trong chương trình ngăn chặn chiến lược với sự tham gia thiết kế và chế tạo của Tập đoàn Northrop Grumman.

Mỹ ấn định kinh phí và thời hạn phát triển ICBM thế hệ mới. (Nguồn: Top War)

Năm 2017, hai gã khổng lồ của ngành công nghiệp quân sự Mỹ là Northrop Grumman và Boeing đã đăng ký tham gia phát triển ICBM mới.

Tuy nhiên, sau đó, Boeing quyết định rút khỏi cuộc đua và Northrop Grumman trở thành ứng viên duy nhất cho công việc tốn kém cả về tài chính lẫn thời gian này.

Theo kế hoạch của quân đội Mỹ, vào cuối thập niên 2020, các tên lửa mới sẽ thay thế ICBM Minuteman III, vốn được phát triển vào nửa cuối thập niên 1960. Sau hơn nửa thế kỷ, Minuteman III chỉ trải qua quá trình hiện đại hóa tối thiểu, cho nên, nhu cầu thay thế trong thập kỷ tới là điều không còn phải nghi ngờ.

Một trong những vấn đề chính hiện nay là tài trợ cho việc phát triển và xây dựng một ICBM mới. Theo tính toán ban đầu, toàn bộ quá trình sẽ tiêu tốn của ngân khố Mỹ khoảng 85 tỷ USD, bao gồm 13 tỷ USD cho việc nghiên cứu mà Northrop Grumman sẽ nhận được cho đến năm 2025.

Số tiền này sẽ được phân bổ từng phần, theo từng giai đoạn. Theo đó, 7,3 tỷ USD khác sẽ dành cho việc hoàn thành chu trình nghiên cứu. Từ năm 2026, hơn 61 tỷ USD sẽ được quân đội Mỹ chi cho việc mua ICBM mới.

Việc hiện đại hóa bộ ba hạt nhân của Mỹ hiện đang được Nhà Trắng coi là ưu tiên trong định hướng quân sự. Tổng thống Donald Trump tuyên bố mong muốn đầu tư hơn 2.000 tỷ USD để tăng cường khả năng phòng thủ nước Mỹ và phát triển vũ khí mới. Việc cải tiến ICBM, bom hạt nhân và tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo đã được lên kế hoạch.

Tuy nhiên, hiện các chuyên gia cho biết, việc tài trợ các dự án của quân đội Mỹ có thể được duy trì cầm c hoặc thậm chí cắt giảm. Lý do là chi phí và tổn thất khổng lồ liên quan đến đại dịch Covid-19 mà nước Mỹ phải gánh chịu.

Tất nhiên, không loại trừ khả năng Washington sẽ không từ bỏ hiện đại hóa bộ ba hạt nhân trong mọi trường hợp, vì khả năng phòng thủ của Mỹ phụ thuộc vào việc thực hiện thành công chương trình này.

Hơn nữa, cạnh tranh gay gắt với Trung Quốc và Nga có thể buộc Mỹ phải gấp rút tài trợ cho công việc nghiên cứu và do đó, thời gian để tạo ra ICBM mới sẽ có thể còn ngắn hơn nữa.

Yêu cầu tài chính cho năm 2021 quy định phân bổ 17,7 tỷ USD cho việc hiện đại hóa toàn bộ hệ thống răn đe hạt nhân, và đây là số tiền chỉ cho 1 năm.

Và thực tế là Lầu Năm Góc còn yêu cầu thêm 500 triệu USD cho một loại tên lửa hành trình tầm xa, 2,8 tỷ USD cho máy bay ném bom B-21, 4,2 tỷ USD để cải thiện hệ thống kiểm soát vũ khí hạt nhân quốc gia.

(theo Top War)

Lê Ngọc

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/my-chot-kinh-phi-va-thoi-han-phat-trien-ten-lua-dan-dao-lien-luc-dia-moi-113931.html