Mỹ lùi hạn chót áp thuế các sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc

Hàng hóa Trung Quốc được xếp tại cảng ở Long Beach, California, Mỹ ngày 10/5/2019. - Ảnh: AFP/TTXVN

* Úc khẳng định không bị lôi kéo vào cuộc tranh cãi Mỹ - Trung

Theo thông báo mới nhất của chính phủ Mỹ ngày 7/6, giới chức Mỹ gia hạn thêm 2 tuần cho các nhà xuất khẩu Trung Quốc để họ có thời gian xuất sản phẩm sang Mỹ trước khi những mặt hàng này bị tăng thuế.

Đại diện Thương mại Mỹ cho biết đang lùi hạn chót từ ngày 1/6 sang ngày 15/6 cho một số sản phẩm cụ thể của Trung Quốc được xuất sang Mỹ mà không bị áp thêm mức thuế 25%.

Cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới kéo dài gần một năm qua. Tiến trình đàm phán thương mại tưởng như đang đi đến hồi kết đã bất ngờ quay lại vạch xuất phát sau khi Washington cáo buộc Bắc Kinh "quay lưng" với những cam kết giữa hai bên, liên quan việc phía Trung Quốc muốn điều chỉnh một số điểm trong dự thảo thỏa thuận thương mại đã được dày công xây dựng sau 10 vòng đàm phán.

Cùng ngày 7/6, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc Dịch Cương cho biết nước này vẫn còn nhiều công cụ chính sách để giải quyết bất đồng thương mại với Mỹ. Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Bloomberg TV, ông Dịch Cương nêu rõ Trung Quốc còn có rất nhiều biện pháp để đối phó với cuộc chiến thương mại đang ngày càng nghiêm trọng.

Ông nhấn mạnh Ngân hàng Trung ương Trung Quốc có nhiều lựa chọn về lãi suất, tỉ lệ dự trữ bắt buộc, cũng như bộ công cụ chính sách tiền tệ và tài chính. Theo ông, khả năng điều chỉnh chính sách là "rất lớn”. Ông Dịch Cương đã tham gia nhiều vòng đàm phán thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ và dự kiến sẽ gặp Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin trong tuần này bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Nhật Bản. Ông cho biết cuộc gặp với ông Mnuchin sẽ là "cuộc thảo luận hữu ích như mọi khi", song các cuộc đàm phán về thương mại sẽ "không chắc chắn và khó khăn”.

Cùng ngày, Thủ tướng Úc Scott Morrison tuyên bố căng thẳng thương mại và sự cạnh tranh về công nghệ cao giữa Mỹ và Trung Quốc đang "ảnh hưởng vô cùng tiêu cực" tới nền kinh tế thế giới, đồng thời ông kêu gọi hai cường quốc giải quyết bất đồng. Phát biểu tại một bữa tiệc trưa trong chuyến thăm tới Singapore, Thủ tướng Morrison đã kêu gọi các nước tiếp tục mở rộng quan hệ đối tác với nhau khi mà Washington và Bắc Kinh chưa thể giải quyết bất đồng.

Ông Morrison nêu rõ: "Điều này ảnh hưởng vô cùng tiêu cực tới hiệu quả kinh tế toàn cầu... Điều này đang làm nản lòng vì nhiều nguyên tắc cơ bản của kinh tế toàn cầu đã được củng cố”. Thủ tướng Morrison cho biết việc Trung Quốc và Mỹ giải quyết bất đồng nằm trong lợi ích của toàn thế giới, nhưng cùng lúc các nước khác cần có những bước đi nhằm duy trì đà thúc đẩy tự do thương mại./.

Thủ tướng Morrison cũng cho biết ông sẽ không đưa ra lời khuyên nào cho các nước khác về việc có nên sử dụng thiết bị của Tập đoàn công nghệ Huawei của Trung Quốc trong việc xây dựng mạng 5G của họ hay không. Theo Thủ tướng Morrison, các quốc gia sẽ tự đưa ra những đánh giá của riêng họ về Huawei và Úc không tham gia vào quyết định của các quốc gia khác.

Thủ tướng Morrison cảnh báo không nên diễn giải quá mức về lệnh cấm của Úc và nói thêm rằng các mạng 5G sẽ đóng một vai trò “rất quan trọng” trong tương lai nhưng Úc phải chú ý đến các lợi ích an ninh.

Trước đó ngày 3/6, ông Morrison khẳng định Úc sẽ không bị lôi kéo vào cuộc tranh cãi giữa Mỹ và Trung Quốc, và cho rằng các quốc gia độc lập khác ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương cần có quan điểm riêng của mình. Nhiều quốc gia trong khu vực cũng không tin rằng cần phải cấm Huawei tham gia xây dựng mạng 5G trong nước. Vào tuần trước, tại Đối thoại Shangri-La 2019, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã giảm nhẹ những rủi ro mà Huawei có thể gây ra và kêu gọi Mỹ chấp nhận sự trỗi dậy của Trung Quốc. Về phần mình, Thủ tướng Malaysia ca ngợi công nghệ của Huawei tiến tiến hơn hẳn so với Mỹ.

H.T (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/92/221828/my-lui-han-chot-ap-thue-cac-san-pham-nhap-khau-tu-trung-quoc.html