Nâng cao giá trị sản phẩm chè Hải Hà

Là địa phương duy nhất của tỉnh Quảng Ninh được thiên nhiên ban tặng cho thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp phát triển trồng cây chè với nhiều loại chè có chất lượng ngon, nổi tiếng, vì vậy những năm qua, huyện Hải Hà đã nỗ lực đưa cây chè trở thành sản phẩm chủ lực của địa phương, từng bước nâng cao giá trị sản phẩm chè và hướng tới sản xuất chè bền vững, đưa thương hiệu chè Hải Hà vươn xa đến với mọi người.

Hiện nay diện tích trồng chè của huyện Hải Hà là 800ha.

Hiện nay diện tích trồng chè của huyện Hải Hà là 800ha.

Nếu như trước đây trồng chè trên địa bàn huyện còn mang tính tự phát và nặng tính thủ công, thì nay từ định hướng phát triển vùng chè nguyên liệu, từng bước nâng cao giá trị từ sản phẩm chè, huyện Hải Hà đã tuyên truyền, vận động nhân dân áp dụng khoa học, kỹ thuật vào tất cả các khâu, từ cơ cấu giống, chăm sóc, đến thu hái và chế biến.

Chúng tôi đến thăm cơ sở sản xuất chè của anh Lê Văn Thắng ở thôn 6, xã Quảng Long, đây là một trong nhiều cơ sở sản xuất chè an toàn chất lượng cao trên địa bàn xã. Để không ngừng nâng cao giá trị cho cây chè, anh Thắng đã học hỏi, mạnh dạn đầu tư, mở rộng dây chuyền sản xuất, cùng với sự hỗ trợ từ địa phương, anh Thắng đã chuẩn hóa các quy trình hấp, vò, sao lăn... để sản phẩm đầu ra có chất lượng cao nhất. Những búp chè tươi non được hái với tiêu chuẩn “1 tôm, 2 lá”, và chỉ được hái vào sáng sớm, khi còn ngậm sương mai. Chè sau khi hái được thu mua về các xưởng và chế biến ngay trong ngày đã tạo ra được sản phẩm chè chất lượng cao, có giá trị kinh tế.

Chia sẻ về quy trình sản xuất của mình, anh Lê Văn Thắng cho biết: “Cơ sở chúng tôi có thu mua và tham gia sản xuất chè hữu cơ chất lượng cao, chủ yếu là giống chè Ngọc Thúy, hương Bắc Sơn. Giống chè này có hương vị thơm dịu mát, ngon và đậm nước, cho giá trị kinh tế cao hơn so với các giống chè cũ. Quy trình chăm sóc của chúng tôi chủ yếu sử dụng phân hữu cơ, vi sinh để nâng cao giá trị chất lượng sản phẩm".

Quá trình thu hái chè được thực hiện với tiêu chuẩn “1 tôm 2 lá”.

Quá trình thu hái chè được thực hiện với tiêu chuẩn “1 tôm 2 lá”.

Từ năm 2022 đến nay, huyện Hải Hà đã chuyển giao 4 quy trình công nghệ chế biến chè chất lượng cao gồm: Quy trình công nghệ chế biến chè xanh thơm; quy trình công nghệ chế biến chè xanh sợi; quy trình công nghệ chế biến chè mao tiêm và quy trình công nghệ chế biến chè hồng trà. Qua đó, một số cơ sở chế biến đã sản xuất được các sản phẩm đặc trưng như: Chè xanh thơm, xanh sợi của cơ sở chè Dũng Nga, cơ sở Thắng Hóa với nguyên liệu là chè trung du, Ngọc Thúy, Hương Bắc Sơn; sản phẩm hồng trà của cơ sở Đào Thị Bính; một số sản phẩm sản xuất thử nghiệm của cơ sở chè Dũng Nga…

Gia đình ông Bùi Văn Cử ở thôn 6, xã Quảng Thịnh đã ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước trong thâm canh cây chè theo tiêu chuẩn VietGAP. Với tổng diện tích 6.000m2 chè, bao gồm 4.000m2 chè Ngọc Thúy và 2.000m2 chè trung du lá nhỏ. Từ khi lắp hệ thống bơm bán tự động, gia đình đã tiết kiệm được hơn 50% lượng nước tưới hàng ngày và mỗi năm cho thu hoạch chè tăng thêm từ 1 đến 2 lứa.

Để từng bước nâng cao giá trị sản phẩm chè của địa phương, giai đoạn 2022-2025, huyện Hải Hà đã triển khai dự án cơ cấu lại ngành chè, trong đó áp dụng cơ chế, chính sách theo Nghị quyết 194/2019/NQ-HĐND ngày 30/7/2019 của Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ninh để hỗ trợ các hộ trồng chè về đầu tư thâm canh theo VietGAP; hỗ trợ nâng cấp cải tạo nhà xưởng, dây chuyền chế biến; đánh giá cấp chứng nhận HACCP cho cơ sở chế biến; chuyển giao quy trình thâm canh và chế biến chè chất lượng cao, hỗ trợ phát triển giống chè mới Hương Bắc Sơn… đã dần làm thay đổi năng suất, diện mạo vùng chè của huyện, từ đó nâng cao giá trị cây chè trên địa bàn.

Hiện sản phẩm chè Đường Hoa đã có nhãn hiệu tập thể và chỉ dẫn địa lý, xếp hạng 4 sao trong Chương trình OCOP Quảng Ninh.

Hiện sản phẩm chè Đường Hoa đã có nhãn hiệu tập thể và chỉ dẫn địa lý, xếp hạng 4 sao trong Chương trình OCOP Quảng Ninh.

Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Hải Hà Nguyễn Hữu Liêm cho biết: “Cây chè là một trong những cây trồng chủ lực của địa phương trong phát triển kinh tế. Để tiếp tục nâng cao chất lượng, giá trị cây chè, huyện đã triển khai Đề án tái cơ cấu ngành chè, trong đó chủ yếu tập trung sản xuất theo hướng hữu cơ, VietGAP. Huyện đã triển khai thí điểm trên diện tích 35ha để cho bà con học tập và nhân rộng; thực hiện hỗ trợ giống, phân bón, xưởng chế biến, nhãn mác, bao bì..., từ đó nâng cao được giá trị vùng chè. Hiện sản phẩm chè sản xuất theo hướng hữu cơ có giá bán dao động từ 300 đến 500 nghìn đồng/kg và sản phẩm sản xuất đến đâu tiêu thụ hết đến đấy.

Đến nay, diện tích trồng chè của huyện Hải Hà là 800ha chè với hơn 2.000 hộ dân tham gia hoạt động sản xuất chè; sản lượng chè tươi bình quân hằng năm đạt 6.300 tấn, cung cấp cho 7 cơ sở chế biến chính trong nước và xuất sang thị trường Trung Quốc, các nước Trung Đông.

Hiện nay, sản phẩm chè Đường Hoa của Hải Hà đã có nhãn hiệu tập thể và chỉ dẫn địa lý, xếp hạng 4 sao trong Chương trình OCOP Quảng Ninh với bao bì hoàn thiện, tem nhãn, mã vạch truy xuất nguồn gốc.

Sản phẩm chè của Hải Hà có bao bì, tem nhãn và mã vạch truy xuất nguồn gốc.

Sản phẩm chè của Hải Hà có bao bì, tem nhãn và mã vạch truy xuất nguồn gốc.

Ngoài hỗ trợ các hộ dân sản xuất chè áp dụng khoa học công nghệ đưa máy móc vào khâu thu hái, lắp đặt dây chuyền chế biến chè chất lượng cao để tạo ra sản phẩm có đủ sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế cũng như trong nước. Huyện Hải Hà đã xây dựng vùng chè kết hợp với du lịch sinh thái, đồng thời tham gia các hội chợ trong và ngoài nước để góp phần quảng bá, mở rộng thị trường sản phẩm chè Hải Hà, từ đó nâng cao giá trị cây chè, giúp nông dân gắn bó và làm giàu từ cây chè.

QUANG THỌ - TRẦN TRINH

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/nang-cao-gia-tri-san-pham-che-hai-ha-post833246.html