Nâng tầm HTX trong liên kết chuỗi giá trị nông sản

Chuỗi giá trị hàng hóa là mô hình hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp đang thu hút các doanh nghiệp và HTX tích cực tham gia liên kết. Tuy nhiên, để phát huy được vai trò của HTX trong liên kết chuỗi giá trị nông sản còn không ít vấn đề cần giải quyết, đặc biệt là việc mở rộng quy mô thành viên để tăng diện tích sản xuất, từ đó có vùng nguyên liệu lớn, đồng đều về tiêu chuẩn chất lượng...

Nếu mỗi người nông dân tự sản xuất trên quy mô nhỏ lẻ sẽ chỉ có thể bán nông sản do mình làm ra tại chợ truyền thống. Tuy nhiên, khi tham gia chuỗi giá trị hàng hóa thông qua HTX, cũng chính người nông dân đó có thể được ký hợp đồng hợp tác lâu dài với doanh nghiệp liên kết. Từ đây, nông sản được sản xuất theo quy trình, đạt chứng nhận theo yêu cầu, được sơ chế, chế biến, đóng gói, bảo quản để tiêu thụ tại các siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch và xuất khẩu.

Đa lợi ích từ liên kết HTX - doanh nghiệp

Trước những lợi ích và tầm quan trọng của chuỗi giá trị hàng hóa, nhiều địa phương đã có chuỗi liên kết nông sản phát triển và thu được những thành công bước đầu.

Cả nước đã có 2.618 HTX thực hiện liên kết chuỗi giá trị.

Cả nước đã có 2.618 HTX thực hiện liên kết chuỗi giá trị.

Tiêu biểu như tại Trà Vinh, các HTX đã không ngừng hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, tham gia chuỗi giá trị hàng hóa thông qua mối liên kết với doanh nghiệp. Hiện, trên địa bàn tỉnh có 13 HTX xây dựng mô hình HTX kiểu mới gắn với phát triển chuỗi giá trị sản phẩm, với các sản phẩm hàng hóa như: lúa, rau củ, cây ăn quả.

Cụ thể là HTX nông nghiệp Tân Hòa, HTX nông nghiệp Vạn Hưng liên kết với Công ty Á Châu (Bến Tre); HTX nông nghiệp Huyền Hội liên kết với Công ty Lương Quới (Bến Tre) tiêu thụ sản phẩm dừa trái; HTX nông nghiệp Phú Cần hợp đồng với Công ty TNHH Lương thực Tấn Vương (An Giang) trong liên kết tiêu thụ lúa gạo. Hay như Công ty Mía đường Trà Vinh ký hợp đồng tiêu thụ với HTX Lưu Nghiệp Anh; HTX Thành Công liên kết tiêu thụ ớt với Công ty TNHH hạt giống Vạn Phát, Công ty TNHH sản xuất và chế biến ớt Phạm Tân (TP.HCM), Công ty TNHH MTV Trọng Hiếu, Công ty Phạm Gia, Công ty TNHH xuất nhập khẩu Gia Hân Phát ở Hóc Môn (TP.HCM) để thực hiện xuất khẩu nông sản sang Singapore, Malaysia và Hàn Quốc…

Trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, vấn đề liên kết theo chuỗi cũng đã được hình thành với những nông sản chủ lực. Như ở lĩnh vực thủy sản, toàn tỉnh đã có 35 đơn vị sản xuất áp dụng thực hành sản xuất tốt (VietGAP, ASC, GlobalGAP, BAP) trên 1.656,8 ha, trong đó có 4 HTX với diện tích gần 200 ha (HTX Thủy sản Toàn Thắng, HTX Hòa Nghĩa, HTX Hưng Phú và HTX Nông ngư 14/10 Hòa Nhờ A) nuôi tôm theo chuẩn ASC, liên kết với nhà máy chế biến thu mua nguyên liệu...

Những ví dụ nêu trên là minh chứng rõ nét cho thấy sự liên kết đã đem lại kết quả rất lớn trong sản xuất nông nghiệp. Theo thống kê, trên cả nước hiện nay đã có 2.618 HTX thực hiện liên kết chuỗi giá trị trong chế biến và tiêu thụ sản phẩm, giảm bớt khâu trung gian và hạ giá thành sản phẩm, tăng 1,5 lần so với năm 2020.

Đặc biệt, nhiều chuỗi liên kết giữa HTX và doanh nghiệp mang lại lợi ích thiết thực không chỉ cho người dân, thành viên HTX mà còn cho cả cộng đồng. Tiêu biểu như liên kết giữa HTX dịch vụ nông nghiệp Mỹ Đồng 2 (Đồng Tháp) với Công CP Rynan Smart Fertilizers, Công ty TNHH Lúa gạo Việt Nam (Vinarice, thuộc Tập đoàn Vinaseed) đã giúp HTX phát triển cánh đồng lúa lý tưởng ứng dụng công nghệ 4.0 ở tất cả các khâu trong canh tác.

Chuỗi liên kết này đã giúp giảm lượng phân bón của thành viên đến 300kg/ha và giảm số lần phun thuốc trước 40 ngày sau cấy và không sử dụng thuốc trừ bệnh trong 20 ngày trước khi thu hoạch... Nhờ vậy, thành viên HTX không chỉ tiết kiệm chi phí đầu tư mà còn tiết kiệm thời gian, tiết kiệm nước tưới, đồng thời đưa sản xuất phù hợp trong điều kiện hạn hán ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Ông Ưng Thế Lãm, Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn và xúc tiến thương mại Toàn Cầu, cho biết việc liên kết theo chuỗi giá trị hàng hóa thông qua HTX, doanh nghiệp không chỉ giúp nông sản của Việt Nam vượt qua được các rào cản kỹ thuật mà các nước trên thế giới đặt ra, mà còn bảo đảm tính ổn định của các khâu trong chuỗi, loại bỏ rủi ro do đứt gãy chuỗi. Đây là cách thức góp phần thúc đẩy ngành nông nghiệp Việt Nam chuyển dịch theo cơ chế thị trường.

Đặc biệt, từ sự thành công của mối liên kết với doanh nghiệp tại nhiều địa phương cho thấy, HTX đã phát huy vai trò tổ chức kinh tế tập thể để liên kết nông dân, thành viên cùng nhau áp dụng chung quy trình kỹ thuật trong sản xuất nhằm tạo ra khối lượng sản phẩm lớn, đồng đều về chất lượng. HTX nông nghiệp còn là tác nhân trung gian chủ đạo, đóng vai trò khâu nối và thúc đẩy liên kết dọc với doanh nghiệp là tác nhân điều phối, giám sát thực hiện hợp đồng liên kết với doanh nghiệp.

Tạo lực hút với doanh nghiệp

Mối liên kết HTX - doanh nghiệp có vai trò quan trọng trong thúc đẩy sản xuất, nhất là trong ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, có một điều đáng quan tâm hiện nay là HTX muốn liên kết theo chuỗi giá trị hiệu quả với doanh nghiệp cần có diện tích sản xuất lớn, có vùng nguyên liệu lớn để đáp ứng các đơn hàng. Muốn vậy, điều quan trọng nhất là HTX phải có lượng thành viên đủ lớn để tập hợp được diện tích đất lớn, phát triển được vùng nguyên liệu theo những cánh đồng lớn, từ đó thuận lợi trong ứng dụng công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Vậy nhưng hiện nay, nhiều HTX vẫn có quy mô thành viên còn khiêm tốn nên khó tích tụ ruộng đất, khó đầu tư các dịch vụ khi liên kết với doanh nghiệp.

Ông Trần Thanh Hiền, Phó Giám đốc điều hành dịch vụ nông nghiệp Tập đoàn Lộc Trời cho biết, mỗi năm, số HTX lúa gạo ở Đồng bằng sông Cửu Long sẽ tăng dần. Nhưng hiện nay, các HTX phần lớn vẫn đang hoạt động riêng lẻ, quy mô thành viên chưa thực sự lớn. Chỉ có một vài tỉnh, thành lập Liên hiệp HTX với quy mô lớn hơn thông qua việc liên kết giữa các HTX với nhau, nhưng hình thức này vẫn còn khiêm tốn. Để có thể sản xuất và xây dựng được vùng nguyên liệu lớn hơn, đủ tầm phục vụ xuất khẩu, hay nói cách khác là làm kinh tế nông nghiệp thì hiện vẫn cần mở rộng quy mô HTX.

Thống kê của Bộ NN&PTNT cho thấy, Đồng bằng sông Cửu Long là vựa lúa của cả nước, hiện có 2.615 HTX nông nghiệp, 20 Liên hiệp HTX nông nghiệp, chiếm 13,4% tổng số HTX nông nghiệp toàn quốc. So với thời điểm năm 2016, tổng số HTX nông nghiệp cả vùng tăng gấp hơn 2 lần, nhưng quy mô thành viên HTX thấp, chỉ khoảng 67 thành viên/HTX. Điều này khiến các HTX chưa phát huy hết ưu điểm của mô hình HTX để khai thác tiềm năng ngành nông nghiệp lúa nước.

Còn trên cả nước, theo Sách Trắng Việt Nam, bình quân mỗi HTX nông nghiệp có 202 thành viên. Tổng doanh thu của HTX khoảng 139 nghìn USD/HTX (tương đương 3,2 tỷ đồng), lợi nhuận trước thuế là 105,5 triệu đồng/HTX, giảm 15,2% so với năm 2020.

Theo TS Võ Thị Kim Sa, nguyên Phó hiệu trưởng Trường Chính sách công và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT), mọi so sánh đều có thể khập khiễng, nhưng bà rất ấn tượng với hiệu quả trong liên kết sản xuất và tầm ảnh hưởng của các HTX ở châu Đại Dương. Cụ thể là quy mô thành viên trung bình của HTX là 7.114 thành viên, doanh thu trung bình là gần 30 triệu USD/HTX, mang lại lợi ích trực tiếp cho gần 38% dân số, những người là thành viên “đồng sở hữu” HTX.

Còn tại châu Á có hơn 1.933.299 HTX với hơn 484 triệu thành viên, chiếm 12,7% dân số. Trung bình một HTX cũng có 250 thành viên, doanh thu trung bình khoảng 338 nghìn USD/HTX.

“Nếu so sánh ở khía cạnh số lượng thành viên, quy mô thành viên trung bình của một HTX ở Việt Nam là 202 thành viên/HTX chỉ bằng 3% quy mô HTX ở châu Đại Dương, 5% quy mô HTX ở Bắc Mỹ, 49% quy mô HTX ở châu Á và 49% quy mô HTX trung bình trên toàn thế giới”, TS Võ Thị Kim Sa thông tin.

Còn ở khía cạnh doanh thu, doanh thu trung bình của HTX ở Việt Nam chỉ bằng 0,5% doanh thu HTX ở châu Đại dương, 0,6% doanh thu HTX ở Bắc Mỹ, 41,2% doanh thu HTX ở châu Á và 12,3% doanh thu HTX trung bình trên toàn thế giới.

“Quy mô thành viên bé nhỏ sẽ kéo theo những khó khăn trong sản xuất quy mô lớn, liên kết chuỗi với doanh nghiệp để xuất khẩu và kéo theo doanh thu cũng sẽ nhỏ”, TS Võ Thị Kim Sa cho biết. Bà cũng cho rằng, từ kinh nghiệm thế giới có thể thấy, muốn thu hút thành viên, phát triển được các chuỗi giá trị thì cần tăng niềm tin của người dân về mô hình HTX, bởi ưu điểm của HTX là luôn lấy con người làm trọng tâm. HTX cũng cần được xây dựng trên tinh thần hợp tác tương trợ, dân chủ, minh bạch, bình đẳng, bác ái, trách nhiệm cộng đồng để thu hút nhiều người tham gia cũng như thuận lợi trong liên kết với doanh nghiệp.

Một khi HTX có quy mô thành viên lớn cũng sẽ tận dụng được lợi thế của mô hình kinh tế tập thể, đó là tập trung đất đai, cung ứng dịch vụ đầu vào bảo đảm chất lượng, giải quyết khó khăn về vốn, công nghệ, đào tạo, cũng như hàng loạt các khâu sau thu hoạch, từ đó HTX sẽ có lực hút với doanh nghiệp.

Huyền Trang

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//hop-tac-xa/nang-tam-htx-trong-lien-ket-chuoi-gia-tri-nong-san-1099188.html