Ngăn chặn sâu keo hại cây trồng

Dù mới ghi nhận xuất hiện trên địa bàn tỉnh nhưng sâu keo (còn gọi là sâu keo mùa thu) đã gây ra tác hại lớn. Nhiều diện tích ngô lấy hạt, ngô hàng hóa của bà con nông dân tại một số địa phương đã bị thất thu. Lo ngại hơn, vụ mùa đã bắt đầu nếu không kiểm soát được, sâu sẽ lan rộng, tổn thất còn lớn hơn.

Hơn 5 sào ngô của bà Nguyễn Thị Thu, xóm 5, xã Tân Long (Yên Sơn) có nguy cơ không được thu hoạch do sâu keo.

Hơn 5 sào ngô của bà Nguyễn Thị Thu, xóm 5, xã Tân Long (Yên Sơn) có nguy cơ không được thu hoạch do sâu keo.

Xã Sơn Nam, một trong những xã trồng rau màu lớn của huyện Sơn Dương, từ tháng 4 đến nay nhiều diện tích ngô, rau các loại của bà con đã bị sâu keo phá hoại. Anh Dương Văn Rổ, thôn Ngòi Lèo cho biết, hơn 3 sào ngô của gia đình đã bị sâu keo phá hoại từ lúc được 3 - 4 lá, dù đã phun đủ các loại thuốc nhưng cũng chỉ diệt được một phần rất nhỏ, sâu vẫn sinh sôi, nảy nở cắn phá cho đến kỳ ngô phun râu. Để hạn chế thiệt hại, vừa qua gia đình đã phải tận thu để làm thức ăn cho bò.

Ở các xã An Khang, Nông Tiến, Thái Long, Tràng Đà (TP Tuyên Quang); Tân Long, Trung Môn, Thái Bình (Yên Sơn) một số diện tích ngô mật độ sâu keo phá hại lên đến 5 - 8 con/m2. Bà Nguyễn Thị Thu, xóm 5, xã Tân Long (Yên Sơn) chia sẻ, gia đình có 5 sào bãi chuyên trồng ngô, nếu như các năm trước mỗi vụ cũng cho thu hơn 1 tấn thì vụ xuân vừa qua ngô bị sâu ăn xơ xác tận thu cũng chỉ được khoảng 3 tạ. Cuối tháng 5, bà Thu làm đất trồng thêm vụ hè mong bù lại vụ xuân nhưng ngô vừa được 3 - 4 lá sâu keo lại xuất hiện và tàn phá, có khả năng mất trắng.

Không những ngô, vùng trồng rau sạch xã Hồng Thái (Na Hang) cũng đang phải hứng chịu nạn sâu keo phá hại. Ông Đặng Đức Toàn, Bí thư Đảng ủy xã cho biết, lần đầu tiên trên địa bàn xã xuất hiện sâu lạ, gần chục ha rau bắp cải trái vụ của bà con trị giá hàng chục triệu đồng đã bị nhiễm sâu. Sâu quá nhiều, ăn như tằm ăn rỗi, bắt thủ công không xuể nên có một số luống bà con chấp nhận mất trắng.

Theo đánh giá của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, chưa có con số thống kê chính thức nhưng sâu keo đã lan rộng ở khắp các huyện, thành phố, trong đó nặng nhất là Sơn Dương, Yên Sơn, thành phố Tuyên Quang; tại các huyện vùng cao Lâm Bình, Na Hang cũng đã xuất hiện sâu keo gây hại trên cây rau, màu.

Bà Trần Thị Lịch, Phó chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết, sâu keo là loài đa thực, thức ăn của loài sâu này là tất cả các loại rau, cây màu, đặc biệt sâu rất thích ăn ngô. Trong điều kiện cây ngô được bà con trồng 3 vụ trong năm, nguồn thức ăn luôn có trên đồng ruộng là môi trường lý tưởng để sâu keo tồn tại, phát sinh. Hơn nữa với đặc tính sâu keo thường chui sâu vào nõn ngô để trú ngụ, cắn phá nên việc phòng trừ sẽ vô cùng khó khăn.

Ngành Nông nghiệp khuyến cáo, chuẩn bị vào vụ trồng rau, màu, đặc biệt là ngô để ngăn chặn, diệt trừ sâu keo bà con nên đồng bộ các biện pháp: Canh tác, thủ công, sinh học, sử dụng bả thậm chí là cả sử dụng thuốc hóa học. Tuy nhiên, khi sử dụng biện pháp hóa học phun thuốc sâu trừ sâu trực tiếp vào nõn và quả ngô, phải thực hiện nghiêm quy định “4 đúng” (đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng thời điểm, đúng thời gian cách ly) để bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm trong sản phẩm nông nghiệp.

Bài, ảnh: Đoàn Thư

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/kinh-te/nong-nghiep-nong-thon/ngan-chan-sau-keo-hai-cay-trong-120407.html