Ngạo nghễ trước trừng phạt từ phương Tây, kinh tế Nga vẫn đi từ thành công này đến thành công khác?

Đồng Ruble đang quá mạnh, liệu nó có đang 'che giấu' các vấn đề của kinh tế Nga?

Mỹ tuyên bố hàng loạt hành động nhằm vào Nga, gửi thông điệp nguy hiểm đến Tổng thống Putin

Mỹ tuyên bố hàng loạt hành động nhằm vào Nga, gửi thông điệp nguy hiểm đến Tổng thống Putin

Tạp chí The Economist của Anh dự báo, Nga có thể tạo ra thặng dư thương mại 250 tỷ USD trong năm 2022. Tất cả những điều này tạo ra ấn tượng rằng các lệnh trừng phạt không hiệu quả như kế hoạch. Tuy nhiên trên thực tế, các chuyên gia kinh tế cảnh báo không nên đưa ra kết luận vội vàng.

Lạm phát được kiềm chế và Ruble mạnh hơn nhiều

Trong bối cảnh Nga đang tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine và phải đối mặt với rất nhiều biện pháp trừng phạt chưa từng có, nước này vẫn thể hiện hết thành công này đến thành công khác về kinh tế. Lãi suất cơ bản đã trở lại mức trước cuộc xung đột. Lạm phát đã được kiềm chế và đồng Ruble mạnh hơn nhiều so trước.

Giáo sư kinh tế Nataliya Subarevich tại Đại học Tổng hợp Moscow cho rằng, Ngân hàng trung ương Nga đã đối phó một cách chuyên nghiệp trước những khó khăn của nền kinh tế Nga sau khi cuộc xung đột nổ ra, nhưng những thách thức lớn nhất đối với Nga vẫn còn ở phía trước.

“Đúng là lạm phát của nền kinh tế Nga trong 3 tuần qua gần như không có, nhưng điều này là do nhu cầu tiêu dùng của người dân giảm mạnh. Do đó, có thể nói rằng kinh tế Nga hiện không có lạm phát, thậm chí giảm phát, vì "đơn giản là người dân ngừng mua hàng", Giáo sư Nataliya Subarevich khẳng định.

Theo Giáo sư Subarevich, ít ai có thể dự đoán được giá năng lượng lại tăng mạnh như vậy. Điều này dẫn đến một dòng tiền khổng lồ chảy vào cường quốc xuất khẩu năng lượng, trong khi đó khối lượng nhập khẩu giảm mạnh. Chênh lệch xuất khẩu - nhập khẩu quá lớn khiến thặng dư thương mại dự kiến lên tới 250 tỷ USD, cao gấp đôi so với năm 2021.

Nhưng trong khi giá khí đốt và dầu mỏ xuất khẩu tăng rất mạnh, Nga khó có thể nhập khẩu rất nhiều loại hàng hóa cần thiết do lệnh trừng phạt. Vì vậy, lượng cung không đủ so với khả năng chi tiêu của nền kinh tế.

Trên thực tế, những mặt hàng nhập khẩu này rất cần thiết. Linh kiện và phụ tùng thay thế đặc biệt thiếu trong các ngành như cơ khí, giao thông, công nghiệp năng lượng. Theo Giáo sư Subarevich, hoạt động sản xuất đang bị đình trệ khiến nền kinh tế Nga bị đình trệ theo.

Chỉ gần đây tập đoàn khí đốt khổng lồ Gazprom mới biện minh cho việc giảm khối lượng khí đốt cung cấp cho Đức do vấn đề kỹ thuật, thiếu các máy nén khí cần thiết. Theo cáo buộc từ Gazprom, tập đoàn Siemens của Đức đã không đưa máy nén khí được sửa chữa ở nước ngoài trở lại Nga như kế hoạch. Siemens cho biết, điều này không thể được thực hiện vì các lệnh trừng phạt.

Rắc rối của một đồng tiền mạnh

Theo truyền hình Tagesschau của Đức, bất chấp các lệnh trừng phạt, đồng Ruble của Nga vẫn mạnh hơn so với những năm trước. Nhưng trên thực tế, tỷ giá hối đoái của đồng tiền này đang "che giấu" các vấn đề của nền kinh tế Nga và có thể gây nhiều hệ lụy cho đất nước này.

Đồng Ruble mạnh cũng có thể là bước lùi của "nhà vô địch xuất khẩu năng lượng" Nga. Vì đồng Ruble mạnh sẽ khiến hàng xuất khẩu trở nên đắt đỏ hơn. Ngoài ra, trên thực tế, do các lệnh trừng phạt trên diện rộng, hiện đồng Ruble không thể hoán đổi với các ngoại tệ quan trọng khác như USD và Euro.

Chuyên gia kinh tế Sergey Suwerov cũng cảnh báo rằng, tỷ giá hối đoái của Ruble hiện không phù hợp với thông lệ thị trường. Chuyên gia này cho biết, giá trị của đồng Ruble hiện đã hoàn toàn tách rời khỏi tình hình kinh tế thực tế của đất nước. Ngân hàng Trung ương Nga từng dự báo, (GDP) của Nga có thể giảm 10% trong năm nay.

Giá trị đồng Ruble cần phải tương quan với điều này. Nhưng hiện tại, đồng Ruble đang "mạnh một cách giả tạo", theo ông Suwerov.

Tuy nhiên, trên thực tế, nếu không có đồng Ruble mạnh như hiện tại, lạm phát của nền kinh tế Nga có thể sẽ tăng gấp đôi, thậm chí khoảng 30 - 40%.

Đồng Ruble đã tăng lên mức cao nhất trong 7 năm vào tháng 5 so với USD, khiến Phó Thủ tướng Andrei Belousov đã phải đề nghị phải làm suy yếu đồng tiền này. Một số biện pháp kiểm soát vốn đã được nới lỏng. Chẳng hạn, vào tháng 5, tỷ trọng doanh thu ngoại hối mà các nhà xuất khẩu phải bán đã giảm xuống 50% từ 80%. Ngân hàng Trung ương Nga cũng đã hạ lãi suất, vốn đã được tăng trước đó để nâng đỡ đồng nội tệ.

Đồng Ruble của Nga giảm khoảng 4,5% vào thứ Năm (17/6), với tỷ giá hối đoái chạm mức 55,38 Ruble/USD ngay sau khi Thống đốc ngân hàng Trung ương Nga nói rằng, hầu hết các biện pháp kiểm soát tiền tệ nên được loại bỏ.

Ngoài ra, phát biểu tại Hội nghị Kinh tế thường niên St.Petersburg 2022 (SPIEF-2022) bàn về các giải pháp cho nền kinh tế Nga, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga Elvira Nabiullina cũng đưa ra gợi ý, Moscow nên suy nghĩ về sự phụ thuộc của đất nước vào xuất khẩu để có doanh thu. Thay vào đó, bà đề nghị tập trung các ngành công nghiệp nhằm phục vụ thị trường nội địa.

"Rõ ràng là mọi thứ sẽ không như trước. Không thể quay lại như cũ, thế giới đã thay đổi. Nhưng chính xác là điều gì đã thay đổi? Điều kiện bên ngoài đã thay đổi trong thời gian dài và có thể là mãi mãi", bà Nabiullina cảnh báo.

Bộ Kinh tế Nga tuần trước cho biết, dự báo GDP của nền kinh tế Nga sẽ giảm 7,8% vào năm 2022. Trước đó, bộ này nhận định rằng GDP đang trên đà giảm hơn 12%, đây sẽ là mức giảm lớn nhất kể từ khi Liên Xô tan rã.

Chu Văn

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/ngao-nghe-truoc-trung-phat-tu-phuong-tay-kinh-te-nga-van-di-tu-thanh-cong-nay-den-thanh-cong-khac-187787.html