Ngày Giải phóng Thủ đô - 'mốc son' ghi dấu công nhân, tổ chức Công đoàn Thủ đô

Kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024) đang đến gần, chúng tôi được lắng nghe ông An Đức Độ - nguyên Chủ tịch Công đoàn Nhà máy Rạng Đông (nay là Công ty CP Bóng đèn phích nước Rạng Đông) chia sẻ về những ngày giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn xây dựng kinh tế sau ngày Thủ đô giải phóng. Đặc biệt, là những ký ức trong lần Bác Hồ ghé thăm nhà máy, đây như một minh chứng cho trang sử vàng của giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Thủ đô.

Chuyện về ngày đón đoàn quân giải phóng

Ông An Đức Độ (83 tuổi) - nguyên Chủ tịch Công đoàn Nhà máy Rạng Đông, nay là Công ty CP Bóng đèn phích nước Rạng Đông, quê gốc ở Thanh Trì. Cho đến nay, dù đã qua hàng chục năm, nhưng trong ký ức của ông An Đức Độ vẫn đậm nét kỷ niệm không thể nào quên về không khí hào hùng ngày Giải phóng Thủ đô 10/10/1954.

Theo lời kể của ông Độ, thời điểm năm 1954, để chuẩn bị cuộc mít tinh chào mừng đón đoàn quân giải phóng, trước ngày 10/10/1954 nhiều tuần lễ, cá nhân ông và một số bạn bè cùng trang lứa được đội ngũ dân quân tự vệ trong làng lựa chọn vào đội cổ động tuyên truyền.

Ông An Đức Độ - nguyên Chủ tịch Công đoàn Nhà máy Rạng Đông (nay là Công ty CP Bóng đèn phích nước Rạng Đông) chia sẻ về ký ức Ngày Giải phóng Thủ đô và kỷ niệm về dịp được gặp Bác Hồ.

Ông An Đức Độ - nguyên Chủ tịch Công đoàn Nhà máy Rạng Đông (nay là Công ty CP Bóng đèn phích nước Rạng Đông) chia sẻ về ký ức Ngày Giải phóng Thủ đô và kỷ niệm về dịp được gặp Bác Hồ.

Đó là niềm vinh dự không phải ai cũng có được. Chẳng thế mà, từ khi được chọn, đêm đêm ông Độ và các bạn của mình đều tập trung ra ngoài sân đình để tập đội ngũ. “Chúng tôi tập đi, tập nghỉ, tập quay trái, tập quay phải, tập hát, tập múa… Ai nấy đều rất hào hứng. Hơn hết, đêm đêm ở trong vùng đều vang lên bài ca cách mạng. Không khí cách mạng sục sôi” - ông An Đức Độ chia sẻ.

Tọa đàm trực tuyến nhân chứng lịch sử “Giai cấp Công nhân - Tổ chức Công đoàn Thủ đô: Tự hào quá khứ, xây dựng tương lai” do Báo Lao động Thủ đô tổ chức sáng 26/9, nhiều đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động bày tỏ niềm tự hào về giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Thủ đô; đồng thời khẳng định, bản thân sẽ nỗ lực phấn đấu để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, góp phần viết tiếp trang sử vàng của giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn.

Ông Ngô Minh Hoàn - Phó Chủ tịch Công đoàn ngành Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết, bản thân theo dõi chương trình trực tuyến ngay trên Báo Lao động Thủ đô và thấy xúc động khi theo dõi phóng sự tái hiện những mốc son lịch sử về Ngày Giải phóng Thủ đô đầy tự hào. Đặc biệt, nghe các vị khách mời chia sẻ về ký ức Ngày Giải phóng Thủ đô, ông đã hiểu thêm về ý nghĩa lịch sử của Ngày Giải phóng Thủ đô, truyền thống đấu tranh cách mạng vẻ vang và những đóng góp to lớn của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Hà Nội nói chung, tổ chức Công đoàn và công nhân lao động nói riêng trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đến tối ngày 9/10/1954, vào khoảng 9h tối, ông và các bạn của mình được lệnh tập trung và di chuyển vào Thủ đô. Đêm ấy dù không đèn đuốc, từ làng lên phố, đường xá vẫn quanh co, dù đi bộ cả đêm nhưng không ai kêu than mệt mỏi. Ai ai cũng háo hức đón đoàn quân giải phóng.

“Sáng hôm sau chúng tôi nhập vào đoàn người đón quân giải phóng. Giờ đây, mỗi khi nhìn lại những bức ảnh, xem lại những thước phim về ngày 10/10/1954, ký ức trong tôi lại tràn về. Tôi tự hào và tin trong đoàn người đón đoàn quân giải phóng ghi lại ở những thước phim trân quý ấy, thì ở đó có tôi - một cháu thiếu niên đón đoàn quân giải phóng trùng trùng tiến về Thủ đô” - ông Độ bồi hồi kể.

Ký ức về Bác Hồ

Xuyên suốt trong câu chuyện của mình, ông An Đức Độ đã chìm sâu trong miền ký ức hào hùng của ngày Thủ đô giải phóng. Đặc biệt hơn, sau quãng thời gian đó là Hà Nội bắt tay vào xây dựng kinh tế. Khi đó, ông Độ đang công tác tại Nhà máy Rạng Đông. Cũng chính tại đây, ông đã được gặp Bác Hồ, nghe Bác căn dặn và được Bác truyền thêm tình yêu thương với giai cấp, với cơ sở.

Ông An Đức Độ kể, sáng ngày 28/4/1964, Bác Hồ kính yêu đã về thăm Nhà máy Bóng đèn Phích nước Rạng Đông. Đó là cuộc viếng thăm đột xuất không báo trước của Bác. Bác đến thăm đầu tiên là khu vệ sinh công cộng, kế đến là nhà bếp, nhà ăn, nhà trẻ, rồi sau đó mới thăm xưởng sản xuất. Bác đứng nói chuyện với công nhân Nhà máy. Bác không đọc diễn văn mà căn dặn mộc mạc, sâu đậm.

Bác dạy Đảng bộ, cán bộ, công nhân viên Nhà máy về sứ mệnh, nhiệm vụ của nhà máy là phải sản xuất “Nhiều - Nhanh - Tốt - Rẻ”; sản phẩm phải bảo đảm chất lượng và giá cả phù hợp, mang lại giá trị cho người tiêu dùng, mang lại lợi ích cho cộng đồng và xã hội. Bác dạy: “Đáp ứng nhu cầu và nguyện vọng của nhân dân, đấy là lương tâm, trách nhiệm của các cô các chú ”.

Để làm được điều đó Bác dạy phải hết sức quan tâm đến nhân tố con người. Chính vì thế, Bác nhấn mạnh: “Đoàn kết là một nhân tố quan trọng dẫn đến thắng lợi của Nhà máy!”.

Phải chú trọng việc đào tạo, nâng cao năng lực trình độ của đội ngũ, nhất là thanh niên. Khuyến khích việc tự học, tự đào tạo, học tập suốt đời. Phải hết sức quan tâm, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, cải thiện điều kiện làm việc của người lao động, khuyến khích các sáng kiến cải tiến kỹ thuật nâng cao chất lượng, nâng cao năng suất, giảm giá thành, thực hành tiết kiệm.

Điểm trân quý ở chỗ, theo lời ông Độ, ngay từ hồi đó Bác Hồ đã rất chú trọng về môi trường và vệ sinh công nghiệp. Bác nói rằng, Bác từng đến thăm các nhà máy sản xuất ở các nước bạn bên châu Âu. Bác bảo, đến đâu nhà máy cũng sạch sẽ lắm, nhưng ở ta, các cô, các chú để nhà máy nhiều chỗ bẩn quá. Cho nên, các cô chú phải xây dựng nhà máy sạch sẽ, xây dựng nếp sống văn minh, nơi làm việc phải ngăn nắp.

Ngay tối 28/4/1964 năm đó, Ban Chấp hành Đảng bộ Nhà máy đã ra Nghị quyết lãnh đạo thực hiện theo lời dạy của Bác. Sáng sớm ngày 29/4/1964, đài truyền thanh Nhà máy đã truyền đi Nghị quyết phát động phong trào của Ban Chấp hành Đảng bộ.

Giai cấp công nhân lao động Thủ đô luôn nỗ lực lao động sản xuất để xây dựng đất nước và Thủ đô giàu đẹp.

Giai cấp công nhân lao động Thủ đô luôn nỗ lực lao động sản xuất để xây dựng đất nước và Thủ đô giàu đẹp.

Ngày 30/11/1993, sau 29 năm Bác Hồ về thăm, Đảng bộ và cán bộ, công nhân viên Công ty Bóng đèn Phích nước Rạng Đông đón và khánh thành Tượng Bác Hồ tại vườn hoa trung tâm, và quyết định chọn ngày 28/4 hằng năm là Ngày Truyền thống của Công ty.

Cũng từ đó, hình ảnh Bác nói chuyện với cán bộ, công nhân viên Nhà máy, lời dạy của Bác ngày về thăm đã phát triển thành phong trào thi đua học tập và làm theo lời Bác dạy.

Phong trào này được tiến hành thực chất, đều đặn, liên tục và hiệu quả, với mỗi năm chia thành 4 đợt, có mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể, được sơ kết, được bình bầu khen thưởng và tôn vinh thích đáng. Trong 4 đợt đó, 2 đợt được tổ chức tổng kết vinh danh toàn Công ty vào Ngày truyền thống 28/4 hằng năm và ngày 10/10 - Ngày Giải phóng Thủ đô.

“Hiện nay toàn Đảng, toàn dân toàn quân ta đang sôi nổi học tập và làm theo đạo đức, tác phong của Bác thì mọi hoạt động cần xoay quanh tư tưởng vĩ đại ấy. Ở tổ chức Công đoàn, dù là lao động trực tiếp hay gián tiếp, thì đều phải nắm vững và thực hiện tốt chức năng nhiêm vụ của mình. Đặc biệt phải thực hiện theo lời căn dặn của Bác. Công đoàn phải là người tổ chức, chăm lo đời sống cho công nhân. Mọi hiệu quả trong phong trào phải thực hiện theo lời Bác, ngày hôm nay phải tốt hơn hôm qua; chăm lo đời sống người lao động cũng phải như vậy” - ông An Đức Độ nhấn mạnh.

Đinh Luyện

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/ngay-giai-phong-thu-do-moc-son-ghi-dau-cong-nhan-to-chuc-cong-doan-thu-do-178114.html