Ngày khai trường yêu thương lan tỏa

Ngày 5-9, tôi đến các trường học gần nhà để trở về một phần ký ức tuổi thơ, và tôi tin, với không ít người, ngày khai trường là kỷ niệm đẹp trong cuộc đời.

Có bài thơ học từ thời lớp Một đến bây giờ tôi vẫn nhớ: Cứ mỗi độ thu sang/ Hoa cúc lại nở vàng/ Ngoài vườn hương thơm ngát/ Ong bướm bay rộn ràng/ Em cắp sách tới trường/ Nắng tươi rải trên đường/ Trời xanh cao gió mát/ Đẹp thay lúc thu sang. Ngày khởi đầu của năm học mới sau mấy tháng nghỉ hè thật tưng bừng, rộn rã. Ngày các con, các cháu tựu trường được bao bọc trong tình yêu thương nồng ấm của ông bà, bố mẹ, anh chị, thầy cô và bạn bè. Dấu ấn về ngày khai giảng thật khó phai mờ trong ký ức nếu như không muốn nói nó là vầng sáng lung linh trong mỗi chúng ta.

Ngày khai giảng năm nay có những tín hiệu vui. Đó là, nhiều trường quyết cắt bỏ những sự rườm rà không cần thiết như từng có trong các lần khai giảng trước. Giản lược tối đa phần lễ, dành thời gian ấy cho phần hội, nghĩa là các con có thêm những hoạt động văn hóa-văn nghệ, thể thao, vui chơi lý thú. Mặc nhiên, diễn văn khai giảng của hiệu trưởng phải cô đọng, súc tích, chắc cũng không có những bài huấn thị thầy cô và học sinh dài dòng của lãnh đạo đến dự. Nghe đâu, những màn thả bóng bay vô bổ cũng được bỏ. Lễ khai giảng phải mang màu sắc của tuổi học trò, vui tươi, hồn nhiên và hướng thiện. Ngày tựu trường là ngày yêu thương của các con, của thầy cô, của gia đình và của xã hội. Làm sao để các con cảm nhận sâu sắc về tình yêu thương của xã hội, gia đình, nhà trường dành cho mình-những chủ nhân tương lai của Tổ quốc. Một ánh mắt, một nụ cười, một cử chỉ thân mến là một bài học về lòng nhân ái cho các con. Sự chan hòa bè bạn thông qua những hoạt động văn nghệ, thể thao sẽ làm cho các con gắn kết, vui khỏe hơn. Tình yêu thương tạo động lực cho thầy cô tâm huyết thêm với mỗi bài giảng, các con biết đoàn kết giúp nhau học tốt, bớt đi và chấm dứt những hành vi nông cạn mà nhức nhối nhất là bạo lực học đường như từng xảy ra đây đó trong mấy năm gần đây. Triết lý giáo dục "Tiên học lễ, hậu học văn" của ông cha trao truyền, theo tôi vẫn còn nguyên giá trị với nhà trường hiện nay. Phải chấn hưng đạo đức, lối sống tốt đẹp, giàu tính nhân văn bắt đầu từ nhà trường, không được lơ là và chậm trễ nữa. Nền giáo dục phải vì học sinh, cho học sinh, hướng đến tương lai sáng đẹp của đất nước. Một đất nước thực sự giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Một nơi đáng sống cho mọi công dân, cho mọi lứa tuổi; lẽ phải được coi trọng, tài năng được tôn vinh, cống hiến được đền đáp, tình thương lan tỏa mọi nơi.

Tôi còn nhớ một bức ảnh được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội cách đây mấy năm. Một ngôi trường ở vùng cao bị lũ quét, các thầy cô và học sinh phải tổ chức lễ khai giảng bên một dòng suối. Xem mà rưng rưng nước mắt. Khai giảng năm nay, những cơn mưa lớn đang đổ xuống một số tỉnh phía bắc miền Trung. Lũ tràn về chia cắt một số vùng. Vẫn còn đó nhiều gian khó trong hành trình "gieo" chữ với trẻ em vùng cao, vùng sâu, vùng xa. Một lớp học kín gió, một sân trường cao ráo, một nhà vệ sinh sạch sẽ, một tủ sách khiêm nhường, một bữa ăn có thịt... vẫn là mơ ước của giáo viên, học sinh đâu đó.

Nhiễu điều phủ lấy giá gương/ Người trong một nước phải thương nhau cùng. Lòng nhân ái chẳng bao giờ thừa. Mọi sự quan tâm đến những nơi, những ai còn khó, còn khổ, đang chịu thiệt hại do thiên tai gây nên thật cần thiết và đáng quý, nhất là trong những ngày đầu năm học mới này. Sao cho mọi vùng miền, mọi nơi trên đất nước ta, các con cùng thầy cô và phụ huynh có một ngày khai giảng thật ấn tượng, tràn ngập tình yêu thương. Sự khởi đầu đẹp đẽ là dự báo tốt lành cho một năm học mới nhiều thành công.

NGUYỄN HỮU QUÝ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/van-hoc-nghe-thuat/ngay-khai-truong-yeu-thuong-lan-toa-590365