Ngày mai 29/11, Quốc hội họp phiên bế mạc

Ngày 28/11, Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ 22 của Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Quốc hội đã tiến hành biểu quyết, thông qua Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở và thông qua Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ. Đồng thời, thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản; dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.

Tại phiên thảo luận đã có 26 đại biểu phát biểu, 1 đại biểu tranh luận; ý kiến các đại biểu cơ bản nhất trí với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản và thống nhất với nhiều nội dung của dự thảo Luật.

Bên cạnh đó, các đại biểu đã tập trung thảo luận về: phạm vi sửa đổi Luật; phạm vi điều chỉnh của Luật để tránh trùng lắp với các luật chuyên ngành; giải thích từ ngữ, khái niệm tài sản đấu giá; giá khởi điểm tài sản đấu giá, giám định tài sản đấu giá; trình tự, thủ tục đấu giá tài sản; các hành vi bị nghiêm cấm; Cổng đấu giá tài sản quốc gia; quy định về đăng ký tham gia đấu giá, tiền đặt trước và xử lý tiền đặt trước; các hình thức đấu giá; quyền và nghĩa vụ của người có tài sản đấu giá và của người trúng đấu giá; thông báo công khai việc đấu giá tài sản; xử lý các vi phạm trong đấu giá; quy định về đấu giá viên; quản lý Nhà nước trong đấu giá;...

Trong phiên họp buổi sáng, với đa số đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi).

Trong phiên họp buổi sáng, với đa số đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi).

Phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội (ĐBQH) nêu, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết Chính phủ đặt vấn đề sửa đổi luật lần này trong bối cảnh pháp luật đấu giá hiện hành đang hoạt động bình thường. Qua tổng kết thi hành 5 năm, qua đấu giá khoảng 200.000 cuộc đấu giá với trên 90% là tài sản công, trong khi thông lệ quốc tế chủ yếu là đấu giá tài sản tư. Số liệu hiện hành cho thấy đấu giá đang hoạt động bình thường. Trong lần sửa đổi này nhằm cập nhật các quy định của pháp luật hiện hành, bổ sung quy trình bán đấu giá đặc biệt đối với tài sản đặc thù như hạ tầng giao thông vận tải, quyền sử dụng đất, quyền khai thác khoáng sản, tần số vô tuyến điện. Thực tế phát sinh một số vấn đề thực tế cần phải được xử lý. Hướng đến coi đấu giá là nghề chuyên nghiệp trong bối cảnh kinh tế thị trường.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề ĐBQH nêu.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề ĐBQH nêu.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp cũng giải trình một số nội dung cụ thể về trình tự, thủ tục nhằm hạn chế thông đồng, dìm giá, quân xanh – quân đỏ. Theo đó, dự thảo cố gắng công khai, minh bạch các quy trình thủ tục, kéo dài thời hạn cần thiết, quy định chặt chẽ hơn về hồ sơ, quy trình xét duyệt… và các quy định về điều kiện tham gia đấu giá, tiền đặt trước theo hướng phù hợp với thông lệ quốc tế. Luật Đấu giá là luật hình thức, còn các quy định về giá khởi điểm hay xử lý thì tuân theo pháp luật chuyên ngành.

Bộ trưởng cho biết thêm, Ban soạn thảo quy định theo hướng cố gắng nâng tính chuyên nghiệp của tổ chức hành nghề và các đấu giá viên.

Trong phiên họp buổi chiều, Quốc hội biểu quyết, thông qua Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ.

Trong phiên họp buổi chiều, Quốc hội biểu quyết, thông qua Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ.

Với đa số đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Với đa số đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Phiên thảo luận về dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp (CNQP, AN và ĐVCN) có 13 đại biểu phát biểu, trong đó ý kiến các đại biểu cơ bản nhất trí với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, sự cần thiết ban hành Luật.

Các đại biểu đã tập trung thảo luận về các nội dung: phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật; giải thích từ ngữ; nguyên tắc xây dựng và phát triển CNQP, AN và ĐVCN; các hành vi bị nghiêm cấm trong xây dựng và phát triển CNQP, AN và ĐVCN; nguyên tắc, căn cứ, nội dung lập quy hoạch xây dựng và phát triển CNQP, CNAN; quy trình lập, thẩm định, phê duyệt, công bố, điều chỉnh quy hoạch xây dựng và phát triển CNQP, CNAN; yêu cầu, nội dung quản lý sản xuất quốc phòng, an ninh; về giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu đối với cơ sở CNQP nòng cốt, cơ sở CNAN; phát triển CNQP, AN theo hướng lưỡng dụng; nguồn vốn cho phát triển CNQP, AN; cơ chế, chính sách trong hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ phục vụ CNQP, AN; điều kiện, quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân khi tham gia hoạt động CNQP, AN; nguyên tắc tổ chức hoạt động CNQP, CNAN; chế độ, chính sách trong CNQP, AN và ĐVCN; chế độ, chính sách trong CNQP, AN và ĐVCN; trách nhiệm quản lý nhà nước về CNQP, AN và ĐVCN;…

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên thảo luận về dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp.

Phát biểu tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang đã tiếp thu ý kiến phát biểu tâm huyết, trách nhiệm góp phần hoàn thiện dự thảo luật; đồng thời làm rõ một số vấn đề ĐBQH nêu.

Bộ trưởng Phan Văn Giang cho biết, đối với quy định về giải thích từ ngữ, cơ quan soạn thảo sẽ phối hợp với cơ quan thẩm tra rà soát, sửa đổi, bổ sung đảm bảo thống nhất, chính xác, chi tiết.

Để giải quyết mối quan hệ giữa CNQP, AN với ĐVCN và một số chính sách cho CNQP, AN và ĐVCN, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng nhấn mạnh, việc định đối tượng động viên công nghiệp là các doanh nghiệp ngoài lực lượng vũ trang, trong đó xác định phát triển công nghiệp dân sinh phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội là chủ yếu.

Để bảo đảm sản xuất trong công nghiệp ĐVCN cần phải có các quy định về chính sách đối với ĐVCN để chuẩn bị và thực hiện ngay từ thời bình. Do vậy, dự thảo Luật cũng đề ra chính sách mở rộng đối tượng, phạm vi quy định, điều kiện, phương thức, cơ chế để động viên; việc tham gia là trách nhiệm, nghĩa vụ của doanh nghiệp dân sinh đối với nhiệm vụ quốc phòng, đặc biệt khi đất nước có tình huống xảy ra.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề ĐBQH nêu.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề ĐBQH nêu.

Theo chương trình, trong buổi sáng mai 29/11, Quốc hội biểu quyết thông qua: Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu; Nghị quyết về kết quả giám sát chuyên đề “việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030”; Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn; Nghị quyết Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV; và bế mạc Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV./.

T. Bình (tổng hợp)

Nguồn: Cổng Thông tin điện tử Quốc hội

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/ngay-mai-29-11-quoc-hoi-hop-phien-be-mac-a30259.html