Nghệ thuật Việt Nam phải có cách nhìn mới để phát triển bền vững

Tại Hội thảo khoa học 'Cơ sở lý luận và thực tiễn về phát triển nghệ thuật Việt Nam trong bối cảnh đương đại vì sự phát triển bền vững' do Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam phối hợp Hội Mỹ thuật TP.HCM tổ chức mới đây, chuyên gia cho rằng, thực tiễn đòi hỏi nghệ thuật Việt Nam phải có cách nhìn mới để khắc phục những hạn chế và phát huy những điểm mạnh, thúc đẩy nền nghệ thuật phát triển xứng với vai trò, vị trí vốn có của nó.

Chuyên gia cho rằng, nghệ thuật còn nhiều rào cản về mặt thể chế, mặt nhận thức nên chưa phát triển tương xứng với tiềm năng và kỳ vọng (Trong ảnh: Nghệ sĩ Nhân dân Trà Giang và sinh viên xem một triển lãm về điện ảnh)

Chuyên gia cho rằng, nghệ thuật còn nhiều rào cản về mặt thể chế, mặt nhận thức nên chưa phát triển tương xứng với tiềm năng và kỳ vọng (Trong ảnh: Nghệ sĩ Nhân dân Trà Giang và sinh viên xem một triển lãm về điện ảnh)

Cần đưa công nghệ vào nghệ thuật một cách chủ động

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Tiên - Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP.HCM, nhấn mạnh, cùng với lịch sử của dân tộc, nghệ thuật Việt Nam phát triển không ngừng và đến nay đã gặt hái nhiều thành quả nhất định. Tuy nhiên, dù đã đạt nhiều thành tựu quan trọng nhưng trước bối cảnh hội nhập quốc tế mạnh mẽ và sự cạnh tranh sức mạnh tổng hợp quốc gia trên trường quốc tế đang ngày càng gay gắt, sự phát triển của nghệ thuật Việt Nam chưa tương xứng với tiềm năng và kỳ vọng mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân đặt ra.

Theo các chuyên gia, thực tiễn đòi hỏi nghệ thuật Việt Nam phải có cách nhìn mới, những chủ trương mới và sự chỉ đạo, định hướng quyết liệt để khắc phục những hạn chế và phát huy những điểm mạnh của ngành, thúc đẩy nền nghệ thuật quốc gia phát triển sao cho xứng với vai trò, vị trí vốn có của nó.

Chia sẻ về phát triển nghệ thuật âm nhạc Việt Nam thời đại số, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Mỹ Liêm (Trường Đại học Sài Gòn) cho biết, công nghệ đã tham gia rất sâu vào chuyên môn âm nhạc. Đến nay, trí tuệ nhân tạo (AI) tiến rất xa trong việc “sản xuất” những “tác phẩm” âm nhạc. “AI đang là xu hướng không thể cưỡng lại của sáng tác âm nhạc nên dù không muốn sử dụng cũng cần phải biết cách phân biệt sản phẩm âm nhạc của AI với sáng tác từ con người.

Tóm lại, trong lĩnh vực biểu diễn và thưởng thức âm nhạc, thực tế cho thấy, công nghệ đã trở thành phương tiện đắc dụng và không thể thiếu. Nhưng để phát triển nghệ thuật âm nhạc theo hướng “bền vững”, chúng ta vẫn chưa chiếm lĩnh, quản lý, đưa công nghệ vào nghệ thuật một cách chủ động” - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Mỹ Liêm bày tỏ.

Theo nhà nghiên cứu Lê Hữu Luận - nguyên Giám đốc Trung tâm Biểu diễn và Điện ảnh TP.HCM (MC Hữu Luân), bối cảnh đương đại đặt ra nhiều yêu cầu mới đối với sự phát triển của nghệ thuật Việt Nam.

Một mặt, xu hướng toàn cầu hóa tạo điều kiện cho nghệ thuật Việt Nam tiếp cận những trào lưu nghệ thuật đương đại trên thế giới, mở rộng không gian sáng tạo và thể nghiệm.

Mặt khác, áp lực giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng cũng đặt ra nhiều thách thức cho các nghệ sĩ và nhà quản lý văn hóa. Trong bối cảnh đó, việc nhận diện các yếu tố tác động đến sự phát triển nghệ thuật ở Việt Nam trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.

Những yếu tố này có thể bao gồm chính sách văn hóa của Nhà nước, sự phát triển KT-XH, xu hướng thẩm mỹ của công chúng, ảnh hưởng của công nghệ số và truyền thông xã hội cũng như các yếu tố từ môi trường quốc tế. Việc phân tích và đánh giá tác động của các yếu tố này sẽ giúp định hướng cho sự phát triển bền vững của nghệ thuật Việt Nam trong tương lai.

Ở góc nhìn đào tạo, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phan Thị Bích Hà - nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM, chia sẻ: “Hiện nay, trong các cơ sở đào tạo, các bộ môn nghệ thuật như văn học, kiến trúc, hội họa, âm nhạc, sân khấu, điện ảnh,... đều đã được đưa vào nghiên cứu ở dạng chuyên đề, môn tự chọn hoặc tổ chức tọa đàm,...

Tuy nhiên, nghệ thuật với tư cách là một đối tượng nghiên cứu và giảng dạy một cách tổng phổ, toàn vẹn thì lại do hoàn cảnh nên chưa được tổ chức đào tạo một cách xứng đáng, đúng tầm ở Việt Nam”.

Tạo ra hệ sinh thái tích cực để nuôi dưỡng nghệ thuật

Bàn luận về câu chuyện cần làm gì để nghệ thuật điện ảnh Việt Nam phát triển bền vững trong bối cảnh đương đại, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Lệnh Hùng Tú - Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam, đưa ra một số giải pháp.

Theo ông, Nhà nước cần thường xuyên quan tâm đồng hành cùng chiến lược xây dựng các tập đoàn điện ảnh gồm những nhà đầu tư tâm huyết, có thực lực trở thành những “người mẹ đỡ đầu”, đầu tư mạnh cho điện ảnh Việt Nam, xây dựng hệ sinh thái để kích thích sự phát triển điện ảnh trong nước từ khâu tìm kiếm ý tưởng, sản xuất đến phát hành, tài trợ cho nhiều dự án phim chính là việc tạo dựng một hệ sinh thái điện ảnh làm bệ đỡ cho nhiều bộ phim vươn cao, vươn xa.

“Việc tạo được hệ sinh thái tích cực, lành mạnh giúp nuôi dưỡng tác phẩm điện ảnh từ khi còn là ý tưởng đến khi thành tác phẩm xứng tầm, giúp nền điện ảnh dân tộc thực sự phát triển và phát triển bền vững” - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Lệnh Hùng Tú nhấn mạnh.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Mỹ Liêm, hoạt động của mỗi lĩnh vực nghệ thuật nói chung và âm nhạc nói riêng đều đòi hỏi có những nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ. Đây là xu hướng, nhu cầu và là sự tồn tại của ngành Âm nhạc. Đây cũng là dấu hiệu nhanh chóng hòa nhập và phù hợp xu thế của ngành Âm nhạc.

Khoa học - công nghệ có thể là một hướng mở cho hoạt động và là hướng phát triển của loại hình nghệ thuật này.

Hội thảo là diễn đàn để những người thực hành nghệ thuật thảo luận các vấn đề lý luận và thực tiễn liên quan đến phát triển nghệ thuật ở nước ta hiện nay

Hội thảo là diễn đàn để những người thực hành nghệ thuật thảo luận các vấn đề lý luận và thực tiễn liên quan đến phát triển nghệ thuật ở nước ta hiện nay

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Phương - Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, cho rằng, nghệ thuật cần phải là một trong những trụ cột phát triển bền vững. Văn hóa - nghệ thuật có vai trò định vị bản sắc, thương hiệu của một quốc gia,...

Thế nhưng, trong bối cảnh đương đại hiện nay, chúng ta còn nhiều rào cản về mặt thể chế, nhận thức, về sự tham gia, đồng lòng, quyết liệt của các chủ thể tham gia quá trình này. Để phát triển nghệ thuật Việt Nam trong bối cảnh đương đại vì sự phát triển bền vững, cần tập trung vào các giải pháp liên quan đến sửa đổi, bổ sung một số quy định để làm sao các lĩnh vực nghệ thuật sẽ được ưu tiên. Bên cạnh đó, cần chú trọng các giải pháp liên quan đến đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực nghệ thuật,...

Theo các chuyên gia, hướng tới phát triển bền vững đòi hỏi nghệ thuật Việt Nam phải cân bằng giữa việc bảo tồn các giá trị truyền thống và tiếp thu những xu hướng nghệ thuật đương đại. Điều này đặt ra yêu cầu về một chiến lược phát triển nghệ thuật toàn diện, có tính đến các khía cạnh văn hóa, xã hội, kinh tế và môi trường.

Nghệ thuật không chỉ đơn thuần là hoạt động sáng tạo mà còn phải đóng góp vào sự phát triển bền vững của đất nước qua việc nâng cao nhận thức cộng đồng, thúc đẩy đối thoại xã hội và góp phần giải quyết các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu hay bất bình đẳng xã hội,.../.

Thùy Trang

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/nghe-thuat-viet-nam-phai-co-cach-nhin-moi-de-phat-trien-ben-vung-a178782.html