Nghĩa cử tri ân

Vừa qua, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức trao 41 bằng Tổ quốc ghi công cho 41 thân nhân liệt sĩ. Ðây là những trường hợp đã được công nhận liệt sĩ, nhưng vì nhiều lý do nên chậm cấp bằng. Bao xúc động, mừng vui dâng trào ở những người thân với sự kiện trọng đại này.

Ông Nguyễn Quốc Thanh, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, trao bằng Tổ quốc ghi công cho các thân nhân liệt sĩ.

Ông Nguyễn Quốc Thanh, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, trao bằng Tổ quốc ghi công cho các thân nhân liệt sĩ.

Ở tuổi 90 nhưng cụ bà Lê Thị Thê, ấp Xóm Chùa, xã Hòa Thành, TP Cà Mau, vẫn còn khỏe, tự đi lại được. Qua lời kể chuyện xưa, giúp tôi hình dung được phần nào sự gian khó mà cụ bà từng trải.

Chồng cụ là liệt sĩ Trương Thành Năm, cán bộ thông tin thuộc Ban Tuyên huấn tỉnh, hy sinh năm 1960, khi ấy đứa con lớn nhất của cụ mới 15 tuổi. 64 năm qua, kể từ ngày chồng qua đời, cụ Thê không đi bước nữa, hy sinh tuổi thanh xuân, vượt qua biết bao khó khăn, gồng gánh nuôi 7 người con trưởng thành và ổn định cuộc sống.

Do tuổi cao, trí nhớ hạn chế, cụ chỉ nhớ ngày xưa chồng đi công tác thường xuyên, phụ trách việc viết bản tuyên truyền, làm băng rôn, truyền đơn... Sau khi chồng hy sinh, địch biết gia đình tham gia và nuôi chứa cách mạng nên thường xuyên đến hăm dọa, bắt bớ. Ðể đảm bảo an toàn cho các con, cụ gồng gánh gia đình từ quê nhà ấp Mương Ðường, xã Tạ An Khương, huyện Ðầm Dơi, về ấp Xóm Chùa, xã Hòa Thành, TP Cà Mau, sinh sống đến nay.

Ông Trương Phát Hiệp, người con trai cả của cụ Thê, nhớ lại: "Ðêm 27/1/1960, ba về thăm nhà, cùng các chú du kích xã Hòa Thành ngủ lại tại gia đình. Sáng sớm hôm sau, tàu sắt của địch thả trôi trên sông đến tận bến và bất ngờ tấn công. Hay tin, mọi người tháo chạy, ba cũng chạy trốn, nhưng do quên tài liệu, quay trở lại lấy, chậm một bước nên bị địch bắn hy sinh ngay phía sau nhà. Sau khi địch lục soát, thu thập được nhiều tài liệu phục vụ cách mạng, chúng dọa giết cả gia đình".

"Ba mất, kể từ đó má Thê vất vả rất nhiều. Hay tin Nhà nước công nhận bằng Tổ quốc ghi công, má mừng và rất xúc động. Ðây là niềm an ủi tuổi già của má và gia đình", ông Hiệp chia sẻ.

Cụ Thê vui mừng khi nhận được bằng Tổ quốc ghi công sau 64 năm kể từ ngày chồng bà hy sinh.

Cụ Thê vui mừng khi nhận được bằng Tổ quốc ghi công sau 64 năm kể từ ngày chồng bà hy sinh.

Những ngày cuối tháng 2 vừa qua, bà Phan Thị Út, Ấp 5, xã Tân Thành, TP Cà Mau, nôn nao bảo con trai chở bà đến Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để tham gia lễ trao bằng Tổ quốc ghi công. Nhận tấm bằng Tổ quốc ghi công từ tay Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Quốc Thanh trao, bà Út xúc động tự hào. Chồng bà Út là liệt sĩ Lâm Văn Khuyễn, từng làm Trưởng trạm Giao liên đơn vị huyện Châu Thành, hy sinh trong lúc chiến đấu năm 1958.

Bà Út chia sẻ: "Thời đó chỉ lo chiến đấu, bảo vệ quê hương, chưa ai từng nghĩ phải có hồ sơ, giấy tờ để được Tổ quốc ghi công, nên hồ sơ minh chứng hy sinh, cũng như quá trình tìm đồng đội minh chứng chồng hy sinh gặp nhiều khó khăn, dẫn đến chậm trễ. Nhờ sự hỗ trợ nhiệt tình từ chính quyền địa phương, nay chồng tôi đã được công nhận liệt sĩ. Gác lại niềm đau, sự mất mát, chúng tôi xem đây là niềm tự hào về truyền thống cách mạng của gia đình, để con cháu nêu gương, phấn đấu học tập, cống hiến xây dựng quê hương".

Ðại diện cho 41 thân nhân gia đình liệt sĩ được trao bằng Tổ quốc ghi công, bà Huỳnh Kim Việt, Ấp 5A, xã Tân Phú, huyện Thới Bình, thân nhân liệt sĩ Huỳnh Kim Chữ, bày tỏ: "Ðảng, Nhà nước, chính quyền địa phương quan tâm kịp thời, giúp các gia đình có đủ điều kiện công nhận công lao, sự cống hiến. Ðây là động lực để chúng tôi tiếp tục duy trì, phát huy truyền thống cách mạng, phấn đấu trong lao động sản xuất, trở thành gia đình cách mạng tiêu biểu, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, nuôi dạy con cháu trở thành người có ích, góp phần xây dựng quê hương, đất nước".

Được nhận bằng Tổ quốc ghi công, bà Huỳnh Kim Việt, thân nhân liệt sĩ Huỳnh Kim Chữ, xem đây là động lực để gia đình tiếp tục duy trì, phát huy truyền thống cách mạng, phấn đấu trong lao động, sản xuất, trở thành gia đình cách mạng tiêu biểu.

Được nhận bằng Tổ quốc ghi công, bà Huỳnh Kim Việt, thân nhân liệt sĩ Huỳnh Kim Chữ, xem đây là động lực để gia đình tiếp tục duy trì, phát huy truyền thống cách mạng, phấn đấu trong lao động, sản xuất, trở thành gia đình cách mạng tiêu biểu.

Ông Nguyễn Quốc Thanh, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, cho biết, ngày 9/11/2022, UBND tỉnh Cà Mau có tờ trình đề nghị cấp bằng Tổ quốc ghi công đối với 109 trường hợp, gửi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thẩm định đợt này đạt 41 trường hợp và trình Thủ tướng Chính phủ cấp bằng Tổ quốc ghi công. Xuất phát từ tấm lòng tri ân sâu sắc, từ những trăn trở và day dứt của các thế hệ sau đối với anh linh các anh hùng liệt sĩ, với trách nhiệm, lòng biết ơn và phương châm “không để bất cứ người có công nào không được hưởng chính sách ưu đãi của Ðảng, Nhà nước, sự chăm sóc của Nhân dân”, những năm qua, ngành lao động - thương và xã hội tỉnh đã dốc toàn tâm và sức lực phối hợp cùng địa phương và gia đình thực hiện hồ sơ, thủ tục để các gia đình sớm được hưởng chế độ, chính sách theo quy định.

Tỉnh Cà Mau có gần 18 ngàn liệt sĩ đã ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc, trong đó có gần 17 ngàn liệt sĩ được cấp bằng Tổ quốc ghi công. Hầu hết các liệt sĩ hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ, là những đội viên du kích, dân quân, địch vận, là người dân tộc thiểu số, là những tín đồ tôn giáo, là những thanh niên xung phong cảm tử... Tấm bằng Tổ quốc ghi công chính là sự ghi nhận, là hành động xuất phát từ tình cảm, trách nhiệm sâu nặng của những người đang được thụ hưởng nền hòa bình, độc lập ngày hôm nay với anh linh các liệt sĩ và gia đình, thân nhân liệt sĩ./.

Loan Phương

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/nghia-cu-tri-an-a31604.html