Ngôi nhà của Tuyết

Tuyết là một vết trượt ngã đau điếng của đời tôi. Sau khi tưởng như đã được yêu thương gắn kết thì hóa ra tôi đã nhầm lẫn. Giờ chỉ còn vài thằng bạn lúc nhậu say còn nhắc đến, dăm ba câu chuyện tiếu lâm để thanh niên xóm nhào nặn, thêm bớt cho lâm li. Ừ thôi, kệ chúng nó xiên xẹo thế nào cũng được để ít ra mình cũng từng có một mối tình…

Thứ duy nhất mà Tuyết để lại là cái áo len hàng thùng mua tặng tôi trong một dịp noel của một năm nào đó. Chất len đã bai, màu lại xấu nên tôi đặt ở bậu cửa để làm giẻ lau. Xuân hạ thu đông và lại xuân, có khi tôi quên béng cả việc lau cửa sổ, bụi phủ đầy trên bậu cửa căn phòng một thằng con trai râu lún phún, ngực vạm vỡ nhưng vẫn mơ hồ những khát khao.

Một hôm, tôi về nhà khi đã say xỉn, thấy trên bậu cửa chiếc áo ấy đã chuyển thành màu trắng đục. Ban đầu, tưởng ánh trăng khuya nhưng gần lại thấy nó cồm cộm và như có vẻ ấm áp. Màu trắng là thứ tôi ghét nhất, nó lấp lánh trong ánh đèn ô tô như một sự bạc bẽo, phũ phàng. Tôi cố gắng mở to mắt, giật phắt lấy nó ném xuống dưới sân. Lạ thay, chiếc áo đỏ như tỉnh giấc, giãy giụa và trong khi rơi trong không trung còn kịp gào lên.

Sáng hôm sau, tôi bị đánh thức bởi tiếng hàng xóm. Bà Hoài, tổ trưởng đứng chắn ở cửa gọi “thanh niên sức dài vai rộng” dậy đi dọn vệ sinh với khu phố. Ổ, chủ nhật, chủ nhật có nghĩa là tôi không thể lẩn tránh cái nghĩa vụ với xóm phố này. Nào là gom rác, nhổ cỏ, sửa sang cổng chào, kẻ vẽ… tất tật. Đang hăm hở dưới nắng, mồ hôi nhễ nhại, chúng tôi giật mình quay lại bởi tiếng hét của một thằng bé: “Mèo, nhiều mèo quá nhưng mà… chết rồi”. Một cảnh tượng trước mắt không thể nào thương tâm hơn. Nếu ai đó dùng máy quay lại và đăng lên youtube chắc chắn sẽ bị khóa tài khoản vì vi phạm nguyên tắc cộng đồng. Những sinh linh bé nhỏ, mắt nhắm nghiền nhưng vẫn còn dấu vết của sự đau đớn. Chúng chưa kịp cảm nhận về cái sống đã bước vào cái chết.

“Vết răng chó” - có người gằn giọng trong sự căm tức. “Chó nhà Bẩy, con Poodle”; “Không phải, hung hãn thế này là con Husky Sibir nhà ông Tứ”; “Đâu, nó bị bán đi lâu rồi, khéo con Chihuahua nhà bà cô Thủy”… cứ thế, họ tranh cãi như thể đang giữa phiên tòa. Tôi vắt chiếc khăn mặt lên vai sau khi lau mồ hôi, ngước lên nhìn nắng hoa vàng mùa đông, bỗng nhận ra lấp ló trên mái ngói là một con mèo gầy rạc, lông trắng đục với ánh mắt thất thần nhìn xuống.

Tôi bắt đầu bị ám ảnh bởi câu chuyện đó cho đến lúc thấy con mèo mẹ về nằm trên chiếc áo len cũ. Nó nằm bẹp ở đó, mắt đỡ đẫn - một bà mẹ chưa tin vào sự mất mát thê thảm kia. Giá như hôm đó tôi không ném nó xuống, nó không phải đẻ rơi những đứa con ở góc nhà kho kia…

Thế là, bằng một sự trả thù ngọt ngào, tôi đặt cho nó là Tuyết. Tuyết giờ mượt mà, béo tốt, như một quý cô diện áo lông cừu trắng muốt, nằm khoe dáng vóc trên bậu cửa.

***

Một hôm, tôi phát hiện ra vợ chồng Tuyết đã chuyển đến ở căn hộ trên tầng hai. Nghe đồn, tay chồng ham hố cá độ nên sa cơ mới dạt về bám víu nhà vợ. Trước nó oách lắm, xe sang, dùng hàng hiệu và nói theo kiểu kẻ có tiền.

Điều mà tôi chú ý nhất không phải là mấy món đồ Tuyết mang theo thời mạt vận mà là cái lồng nuôi mèo. Một con mèo béo tốt, hung hãn, chưa hề biết đến cái khúc cua vận hạn của chủ. Đêm đầu tiên chắc bị nhốt nên nó kêu bằng cái giọng hằn học của kẻ bị nhốt, tôi đoán nó là mèo đực. Nó giống tôi ngày xưa, khi thấy Tuyết đi với một thằng con trai mà tôi cứ ngỡ nó chẳng bằng mình. Giờ con mèo cũng nghĩ thế giới ngoài kia chẳng gã mèo đực nào bằng mình…

Qua vài ngày thấy nó kêu yếu dần, tôi cũng bận túi bụi, màu vẽ vấy bẩn sàn, vỏ mì tôm đầy góc bếp. May mà còn có những món mà bọn trẻ mang tới nếu không Tuyết của tôi đã lục lọi tìm đồ ăn khắp nhà trong cơn đói.

Một trưa, con mèo đực kia xuất hiện. Nó có vẻ bảnh bao của một kẻ được nuông chiều. Tuyết vẫn dửng dưng, một “ả” đã quá từng trải sau những ngày đi hoang không vội vã gì để nhập cuộc.

Đáng ra, từ hôm đó ngôi nhà tôi bắt đầu mở ra một thiên tình sử yêu đương của loài mèo nếu như không có sự xuất hiện của Tuyết loài… người. Cô ta đứng ngoài sân khu tập thể gọi vọng vào:

- Ares, mày sao phải rúc vào xó này.

À, được đấy, “Thần của chiến tranh” bỗng thành cái cớ để tôi trút cơn giận ngày xưa. Ban đầu, tôi nằm nghĩ mình mua bả chuột trộn vào loại thức ăn ngon nhất. Nhưng không được, giết một con vật âm thầm như thế vô nghĩa. Sau đó tôi lại muốn lừa nó vào góc khuất, vụt cho một trận nhớ đời. Nhưng làm thế, khác nào kiểu chặn đánh của bọn trai làng.

Cuối cùng thì tôi đã mang được con mèo đực đến một phòng khám, chữa bệnh thú y ở thành phố cách không xa. Vụ bắt cóc bí mật được thực hiện chu toàn. Đêm ấy, khi chúng đang gọi tìm nhau, tôi bí mật để sẵn một ít cá ngon nhất trong chiếc lồng sắt. Chiếc lồng được trang trí như một phòng tân hôn. Cả hai con vật đều không cưỡng lại được lực hút của thức ăn và ái tình. Nhưng chỉ tôi mới biết kết cục của đêm hoan lạc đó. Giờ thì con Ares đang bị thiến. Tay bác sĩ thú y sau khi nhận xong tiền thù lao như vẫn có chút lăn tăn:

- Hình như… anh mới nuôi nó hả?

Tôi không trả lời, chỉ mỉm cười rồi đi. Một sự trả thù thú vị, không vi phạm pháp luật, cũng chẳng ai hay biết. Tôi lại âm thầm thả Ares về và tự thưởng cho mình một ly rượu mạnh. Trong chiếc ly đầy ắp ánh sáng, tôi thấy cả đôi mắt thất thần, buồn rầu của kẻ đánh mất khí phách đàn ông, vừa thấy đôi mắt đắc thắng của tôi. Trên kia, phía căn hộ bưng bít cơi nới với cái chuồng cọp, Tuyết đang eo éo về kẻ thủ ác nào dám triệt hạ gã Ares đầy kiêu hãnh của cô. Một sự an ủi cho tôi, người đã thắng cuộc thông qua một con mèo.

Nhưng sáng nay thức dậy, tôi gặp ánh mắt của một Tuyết khác. Tuyết của loài mèo đầy bí ẩn và kiêu hãnh đang nằm ủ rũ trên chiếc áo len đầy lông mèo. Tôi bế nó lên, đặt trên chiếc thảm mới mua từ tiền bán bức tranh đôi mèo rẻ mạt của mình. Tôi đem chiếc áo len mà “người xưa” tặng đi giặt. Chiếc áo đầy những sợi lông màu trắng và xám của Tuyết và Ares. Tôi vắt chiếc áo lên ban công để hong khô. Ban công lại hướng về phía cửa sổ tầng hai.

Chiều ấy, tôi đi làm về, gặp ánh mắt buồn của Tuyết. Những tưởng cô sẽ quắc mắt lên, khi không có chứng cớ gì để quát mắng tôi. Nhưng cô không làm thế. Trong mắt cô, những giọt nước mắt trong veo như chiếc ly mà tôi đã uống tối qua.

- Đàn ông các anh…

Tuyết chỉ nói được như thế.

Tôi thật sự không hiểu gì thì đúng lúc đó tiếng của bà Hoài vang lên sau lưng tôi:

- Con bé đó xinh xắn, thế mà vớ phải thằng chồng bạc…

- Nghe bảo làm ăn đổ bể gì đó à bác?

- À, thằng dọn đồ hôm đấy là thằng anh trai. Thằng chồng là thằng khác. Nó làm ở phòng khám thú y, chỗ phố… cơ. Chúng nó bỏ nhau thì cái Tuyết mới về đây…

***

Tôi không tin vào tai mình khi nghe thấy đám trẻ con trong xóm kháo nhau: “Nhà cô Tuyết có con mèo đi thiến bị người ta làm ẩu quá, nó chết rồi”.

Đáng ra, tôi phải thấy mình thanh thản vì đã không giết con mèo. Tôi cũng đâu biết người phẫu thuật cho Ares là gã chồng cũ của Tuyết. Thể nào hắn kiểm tra con mèo rất kỹ rồi đắc ý làm cái điều mà giờ tôi mới biết, gã còn đắc ý hơn cả tôi.

Tuyết của tôi bỗng biến mất. Có người bảo thấy có kẻ đã bắt nó đi, lại có đứa trẻ bảo thấy nó lang thang trên nóc nhà tập thể cũ. Cứ thế, mùa xuân đến, tất cả chìm dần vào quên lãng. Chỉ còn bọn trẻ con mỗi lần đi nhà tôi qua đều trỏ vào và bảo nhau: đây là ngôi nhà của Tuyết…

Phương Lâm, 28/12/2023

Truyện ngắn của Bùi Việt Phương

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/ngoi-nha-cua-tuyet-post1578251.tpo