Người dân ở nhiều huyện miền núi xứ Thanh mong chờ có một cây cầu bê tông

Nhiều cây cầu treo ở các huyện miền núi tỉnh Thanh Hóa xuống cấp nghiêm trọng, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Người dân nơi đây mong lắm một cây cầu bê tông.

Theo báo cáo của Sở Giao thông vận tải tỉnh Thanh Hóa, trên địa bàn các huyện miền núi của tỉnh Thanh Hóa hiện có 45 cầu treo dân sinh. Trong đó, có 40 cầu treo đang sử dụng, khai thác; 12 cầu treo đã hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, đặc biệt là vào mùa mưa lũ. Nhiều năm nay, hàng nghìn hộ dân ở các huyện miền núi xứ Thanh mong lắm có một cây cầu bê tông.

Tại huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa, nhiều cầu treo dân sinh đã hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng, nhưng để tu sửa, nâng cấp và tiến tới cứng hóa những cây cầu treo không đảm bảo an toàn đòi hỏi nguồn vốn lớn, vượt khả năng đầu tư của huyện.

 Sở Giao thông vận tải Thanh Hóa đang đề nghị UBND tỉnh xem xét hỗ trợ kinh phí sửa chữa 12 cầu treo bị hư hỏng, xuống cấp, dự kiến tổng kinh phí sửa chữa khoảng 8 tỷ đồng; xây dựng 8 cầu cứng thay thế cầu treo với kinh phí khoảng 120 tỷ đồng

Sở Giao thông vận tải Thanh Hóa đang đề nghị UBND tỉnh xem xét hỗ trợ kinh phí sửa chữa 12 cầu treo bị hư hỏng, xuống cấp, dự kiến tổng kinh phí sửa chữa khoảng 8 tỷ đồng; xây dựng 8 cầu cứng thay thế cầu treo với kinh phí khoảng 120 tỷ đồng

Theo thống kê của Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Bá Thước, trên địa bàn huyện này có 10 cầu treo dân sinh. Trong đó, có 2 cầu đang khai thác sử dụng, 6 cầu khai thác tạm, 1 cầu hư hỏng, xuống cấp nặng, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông, 1 cầu không khai thác, sử dụng. Để có kinh phí tu sửa, nâng cấp các cây cầu treo dân sinh trên địa bàn, huyện Bá Thước đã có Tờ trình số 72/TTr-UBND ngày 12/4/2023 về việc hỗ trợ kinh phí đầu tư xây dựng công trình nâng cấp hệ thống đường giao thông xã Ban Công, gửi UBND tỉnh Thanh Hóa.

Nội dung tờ trình nêu rõ: Với đặc thù miền núi, địa hình phức tạp, đời sống bà con Nhân dân trên địa bàn huyện còn nhiều khó khăn, nguồn ngân sách huyện còn hạn chế, chưa có khả năng để đầu tư xây dựng ngay và hết tất cả các tuyến đường giao thông trên địa bàn. Hiện nay, huyện Bá Thước đang còn nhiều tuyến đường có cầu treo dân sinh và cầu tạm xuống cấp, hư hỏng chưa được đầu tư xây dựng kiên cố, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.

Tờ trình gửi UBND tỉnh Thanh Hóa nêu cụ thể, cầu Na Tảng và cầu thôn Ba thuộc địa bàn xã Ban Công là cầu tạm, được bà con nhân dân đầu tư xây dựng bằng kinh nghiệm truyền thống và dân gian, không có thiết kế. Hiện nay, các cấu kiện cầu như cáp treo, dầm, mặt sàn đã hư hỏng, xuống cấp, gây khó khăn cho người và phương tiện tham gia giao thông, nhất là học sinh đi học đến trường, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông. Đặc biệt vào mùa mưa bão. Trước đó, vào các năm 2007, 2013, 2017... các cầu treo trên đã nhiều lần bị lũ cuốn trôi, gây cô lập nhiều thôn, bản.

Ông Hà Văn Thân, Phó Chủ tịch UBND xã Ban Công, cho biết: Để đảm bảo việc lưu thông đi lại của bà con, trước mùa mưa bão năm nay, chính quyền đã huy động bà con đóng góp ngày công, vật liệu tre luồng gia cố, hàn gắn, thay thế những tấm ván, thân luồng đã mục không đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, do khó khăn về nguồn vốn nên việc duy tu chỉ mang tính chất tạm thời. Vào thời điểm mùa mưa bão, nước lớn, người dân không thể lưu thông qua cầu, ước mong có cây cầu kiên cố đã được bà con kiến nghị nhiều lần.

Cây cầu treo ở huyện Bá Thước đã hư hỏng cần được sửa chữa

Cây cầu treo ở huyện Bá Thước đã hư hỏng cần được sửa chữa

Ông Hà Văn Huyên, người dân xã Ban Công, huyện Bá Thước mong muốn: “Cây cầu treo làm đã lâu rồi, hiện nay đã xuống cấp, hư hỏng, mỗi khi đi qua cầu này người dân chúng tôi không yên tâm, nhất là vào mùa mưa, nước lũ dâng cao. Rất mong Nhà nước quan tâm đầu tư xây cho dân một cây cầu cứng bằng bê tông để người dân phát triển kinh tế, nâng cao đời sống”.

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Ngọ Đình Hải, Chủ tịch UBND huyện Bá Thước cho biết: "Hiện nay trên địa bàn huyện còn một số cầu treo dân sinh đã xuống cấp, không đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân mỗi khi tham gia giao thông qua cầu. Nếu điều kiện ngân sách cho phép nên thay thế các cầu treo dân sinh thành cầu bê tông để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương".

Cũng như huyện Bá Thước, thống kê của UBND huyện Lang Chánh cho thấy, trên địa bàn huyện hiện có 6 cầu treo dân sinh. Trong đó, có 5 cầu treo đang sử dụng, khai thác; 1 cầu treo đang sử dụng khai thác đã hư hỏng, xuống cấp nhưng chưa có kinh phí để sửa chữa, khắc phục những hư hỏng là cầu treo Bến Lậm, xã Giao Thiện bắc qua sông Âm.

Cây cầu treo Bến Lậm có chiều dài 100m, chiều rộng 2,4m, lan can sắt, mặt cầu bằng gỗ, tải trọng thiết kế cho xe thô sơ hoặc đoàn người 300 kg/m2. Cầu được đầu tư xây dựng năm 2007, hoàn thành đưa vào sử dụng năm 2008. Hiện tại, hệ cáp chủ bị han gỉ, khô dầu do không được bảo dưỡng. Trụ cổng cầu, dầm dọc, dầm ngang, thanh giằng cũng đã bị hoen gỉ, ăn mòn. Lan can sắt và trụ lan can bằng gỗ có vị trí bị nứt gãy. Một số ván mặt cầu bị mục, đường vào cầu và hai đầu cầu không có hệ thống cọc tiêu, biển báo hạn chế tải trọng và phương tiện, nội quy qua cầu, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông.

Chị Lương Thị Xoan, xã Giao Thiện, huyện Lang Chánh cho biết: “Cầu treo Bến Lậm đã làm từ nhiều năm nay, hiện đã hư hỏng tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Rất mong huyện, rồi tỉnh giúp dân đầu tư cây cầu mới bằng bê tông cho người dân yên tâm phát triển kinh tế”.

Còn ông Hà Văn Việt, Trưởng Phòng Kinh tế hạ tầng, huyện Lang Chánh cho hay: Các cầu treo đang sử dụng, UBND huyện giao UBND các xã Tam Văn, Tân Phúc, Trí Nang, Yên Thắng thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng cáp treo, bu lông, sơn lại hệ kết cấu thép của các cầu. Đối với cầu đang sử dụng bị hư hỏng, xuống cấp tiến hành bảo trì hệ thống cáp chủ, hệ thanh treo, các thanh dầm dọc, dầm ngang, thanh giằng, thay ván mặt cầu bị hư hỏng; thay thế các bu lông, cân chỉnh lại hệ thống thanh treo đảm bảo độ cân bằng; lắp đặt ngay các biển báo hạn chế loại phương tiện lưu thông, biển hướng dẫn, nội quy người và phương tiện khi qua cầu; cử người cảnh giới khi có mưa bão hoặc khi nước suối lên cao.

Cầu Bến Lậm, xã Giao Thiện, huyện Lang Chánh bắc qua sông Âm đã xuống cấp

Cầu Bến Lậm, xã Giao Thiện, huyện Lang Chánh bắc qua sông Âm đã xuống cấp

Mặc dù giao cho UBND các xã quản lý, bảo dưỡng các cây cầu treo, nhưng do nguồn kinh phí duy tu, bảo trì lớn, UBND huyện Lang Chánh đề nghị UBND tỉnh hỗ trợ huyện. Về lâu dài UBND huyện Lang Chánh đề nghị phương án xây dựng cầu cứng để thay thế cầu treo.

Thông tin từ Sở Giao thông vận tải tỉnh Thanh Hóa, tình trạng 12/40 cầu treo đang hoạt động ở các huyện miền núi hư hỏng, xuống cấp, phần lớn được xây dựng từ năm 2006 đến năm 2017 và không được kiểm định. Trong điều kiện ngân sách các huyện miền núi còn khó khăn, Sở Giao thông vận tải tỉnh Thanh Hóa đang đề nghị UBND tỉnh này xem xét hỗ trợ kinh phí sửa chữa 12 cầu treo bị hư hỏng, xuống cấp, dự kiến tổng kinh phí sửa chữa khoảng 8 tỷ đồng; xây dựng 8 cầu cứng thay thế cầu treo với kinh phí khoảng 120 tỷ đồng.

Mong muốn có một cây cầu cứng bằng bê tông của người dân cũng như chính quyền địa phương ở các huyện Bá Thước và Lang Chánh là chính đáng. Khi có cây cầu bê tông kiên cố không chỉ giúp người dân trên địa bàn yên tâm mỗi mùa mưa lũ tràn về, mà còn giúp họ giao thương, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, thoát nghèo bền vững.

Hoàng Minh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/nguoi-dan-o-nhieu-huyen-mien-nui-xu-thanh-mong-cho-co-mot-cay-cau-be-tong-272459.html