Người thủ từ đền Thái Vi đam mê nhạc cụ dân tộc

Ngoài 80 tuổi, có hơn 20 năm gắn bó với công việc thủ từ ở đền Thái Vi, xã Ninh Hải (huyện Hoa Lư), cụ Chu Văn Thim luôn thành tâm tỏ bày lòng biết ơn đối với các bậc tiền nhân có công với nước, để cụ được gặp gỡ, lan tỏa những giá trị lịch sử, câu chuyện văn hóa về mảnh đất, con người Cố đô đến với bè bạn thập phương, du khách quốc tế thông qua một 'ngôn ngữ' rất đặc biệt.

Cụ Chu Văn Thim gây ấn tượng với du khách về khả năng chơi đàn bầu. Ảnh: Minh Quang

Cụ Chu Văn Thim gây ấn tượng với du khách về khả năng chơi đàn bầu. Ảnh: Minh Quang

Cụ Chu Văn Thim gây ấn tượng mạnh với du khách bởi bộ râu trắng như cước, môi đỏ, nền nã trong bộ áo chầu khăn xếp và đặc biệt thân thiện, mến khách. Cụ Thim nói rằng, cụ làm Thủ từ ở đền Thái Vi hơn 20 năm nay, khách đến vãn cảnh đền cũng có cả những người nước ngoài, họ chưa từng nghe và hiểu về lịch sử của ngôi đền.

Bởi vậy, với cụ, là người Thủ từ thì không chỉ thuần thục về lễ nghi cúng tế, mà còn phải như một hướng dẫn viên, giúp khách hiểu tường tận lịch sử của dân tộc Việt Nam, vẻ đẹp về mảnh đất, con người Cố đô Hoa Lư.

Để làm được điều đó, cụ Thim đã dành nhiêu thời gian để nghiên cứu sách báo, sưu tầm những câu chuyện dân gian nói về công đức của các vị vua nhà Trần. Cụ cũng sẵn sàng dành thời gian để hàn huyên, chia sẻ với du khách những kiến thức, thông tin về lịch sử dân tộc, địa phương mà cụ biết.

Hơn nữa, để du khách thập phương hiểu hơn về vẻ đẹp của con người và mảnh đất Cố đô, cụ Thim đã tìm ra một ngôn ngữ chung ấy là âm nhạc dân tộc. Lão nông cao tuổi chưa từng được học qua về nhạc cụ, nhạc lý, song niềm đam mê âm nhạc đã thôi thúc cụ tìm hiểu về nó. Cụ mua một chiếc đàn bầu, rồi tự mày mò học cách chơi. Sau này, khi chơi thành thạo đàn bầu, cụ nảy ra ý tưởng tự làm ra những chiếc đàn bầu ấy.

Chiếc đàn cụ Thim làm từ ống bương, ngoại hình không hoàn hảo, nhưng chiếc đàn bầu cụ Thim làm lại có âm thanh chuẩn. "Chiếc đàn bầu đầu tiên tôi tự làm rất kỳ công. Phải mất khá nhiều thời gian mới tạo được âm thanh khá giống. Có những đêm tôi thao thức không ngủ được vì phát hiện có dây âm thanh cần phải chỉnh. Bây giờ thì chỉ cần 2 ngày công, tôi đã hoàn thành được một chiếc đàn bầu. Đàn đơn sơ nhưng âm thanh trầm bổng, da diết, được khá nhiều người yêu thích"- cụ Thim chia sẻ.

Những lúc rảnh rỗi, cụ Thim mang đàn bầu ra chơi. Tiếng đàn réo rắt, khi trầm, lúc bổng, da diết những làn điệu chèo, xẩm của quê hương, khiến du khách ngỡ ngàng, thích thú. Không chỉ được nghe, du khách có nhã hứng chơi đàn còn được cụ Thim hướng dẫn cách sử dụng, cách lẩy từng nốt nhạc.

Nhiều khách vì yêu tiếng đàn, cảm mến người Thủ đền nặng lòng với âm nhạc dân tộc đã ngỏ ý muốn mua hẳn cây đàn bầu mà cụ Thim làm ra. Có tháng, cụ Thim làm và bán tới cả chục chiếc đàn. Có khi gặp vị khách đặc biệt, yêu nhạc, cụ sẵn sàng đem tặng. Niềm hạnh phúc của cụ Thim là được nhìn thấy sự hứng thú, ánh mắt rạng ngời, háo hức của mỗi người, nhất là người trẻ khi được tận tay sử dụng đàn bầu.

Cụ Thim kể: Trước đây, để khơi dậy niềm đam mê nhạc cụ dân tộc cho người trẻ, đồng thời chọn âm nhạc là "kênh" để lan tỏa được vẻ đẹp của quê hương đến với du khách gần xa, tôi và một số người cao tuổi của xã Ninh Hải đã thành lập một nhóm nhạc dân tộc. Người thì chơi trống, người chơi đàn nhị, đàn bầu, sáo… Nhóm nhạc đã biểu diễn thành công nhiều thể loại nhạc truyền thống như: chầu văn, cải lương, chèo, quan họ…

Tuy chỉ là những nghệ sĩ nghiệp dư, song bằng niềm đam mê âm nhạc và ý thức gìn giữ những giá trị văn hóa của dân tộc, nhóm nhạc đã để lại nhiều ấn tượng đẹp trong lòng du khách thập phương. Những làn điệu chèo thiết tha, sâu lắng cũng vì thế mà được khôi phục và phát triển trong cuộc sống hiện đại. Đáng tiếc là, bây giờ, nhiều cụ trong nhóm nhạc đã không còn nữa. Nhóm nhạc vì thế mà tan rã.

Chị Thu Tâm, một hướng dẫn viên khu du lịch Tam Cốc chia sẻ: Du khách khi tới dâng hương, vãn cảnh tại đền Thái Vi đều ngỡ ngàng bởi vẻ đẹp của ngôi đền. Sau khi hành lễ, thành tâm tỏ lòng tri ấn đối với các vị vua đời Trần có công với nước, du khách dành nhiều thời gian để tìm hiểu về lịch sử của ngôi đền, khám phá vẻ đẹp của địa phương.

Đặc biệt, du khách tỏ ra bất ngờ, thích thú trước kiến thức về lịch sử dân tộc, trước tình yêu và sự am hiểu nhạc cụ dân tộc của cụ Thủ từ Chu Văn Thim. Tiếng đàn bầu du dương, trầm bổng của cụ Thim giữa không gian yên tĩnh, trầm mặc như gợi mở cho du khách sự thích thú, tò mò, háo hức để tìm hiểu về mảnh đất, con người nơi đây...

Bài, ảnh: Đào Hằng

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/nguoi-thu-tu-den-thai-vi-dam-me-nhac-cu-dan-toc/d20220222135532954.htm