Người tiên phong đưa mắc ca bám rễ trên đất Sơn Long

Chị Kiều Thị Hạnh bên vườn cây mắc ca mang lại hiệu quả kinh tế cao của gia đình. Ảnh: NGỌC HÂN

Chưa qua lớp đào tạo chuyên ngành nông nghiệp nào nhưng với khát khao xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu cho mình và phụ nữ trong vùng, chị Kiều Thị Hạnh ở thôn Vân Hòa, xã Sơn Long (huyện Sơn Hòa) đã chọn cây mắc ca để trồng, thay thế cho những loại cây hiệu quả kinh tế thấp. Sau gần 10 năm chuyển đổi, hiện mô hình trồng mắc ca của gia đình chị Hạnh mang lại hiệu quả kinh tế vượt trội, từng bước được nhân rộng tại địa phương.

Mạnh dạn chuyển đổi cây trồng

Ý tưởng đưa cây mắc ca về trồng được vợ chồng chị Kiều Thị Hạnh nhen nhóm sau thời gian dài tìm hiểu, nghiên cứu về những loại cây trồng mới trên cao nguyên Vân Hòa. Bởi chị biết mắc ca là cây lâm nghiệp đa mục tiêu, tuổi thọ dài hơn 60 năm, góp phần cải tạo đất, chống xói mòn, thân gỗ của cây còn có thể dùng làm nguyên liệu cho ngành chế biến gỗ. Hạt mắc ca còn có giá trị dinh dưỡng cao được thị trường ưa chuộng. Cùng với đó, địa phương đang thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên diện tích trồng sắn, mía, keo nên năm 2013, chị Hạnh mạnh dạn đưa mắc ca về trồng trên diện tích đất vườn của gia đình.

Ban đầu gia đình chị mua giống cây để trồng thử nghiệm trên diện tích 1ha; đồng thời phát triển xen canh các loại cây trồng khác nhằm lấy ngắn nuôi dài. Để nắm vững kỹ thuật trồng loại cây này, vợ chồng chị Hạnh vừa mày mò tìm hiểu thêm kiến thức qua sách báo, internet, vừa khăn gói tìm đến các vườn trồng mắc ca ở Tây Nguyên để học hỏi kinh nghiệm trồng. Sau thời gian thử nghiệm, nhận thấy cây phát triển tốt, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở địa phương, mang lại giá trị kinh tế vượt trội nên gia đình chị tiếp tục đầu tư mở rộng diện tích trồng lên 3ha.

Theo chị Hạnh, mắc ca là một loại cây chịu hạn, dễ trồng, ưa ánh sáng, kỹ thuật canh tác, chăm sóc không đòi hỏi cao nên quá trình trồng không gặp nhiều khó khăn. Trồng cây mắc ca đến khi cho quả bói mất khoảng 3-4 năm, đến năm thứ 5 có thể thu hoạch với sản lượng cao. Hiện năng suất mắc ca đạt trên 1 tấn/ha, lãi 50-70 triệu đồng/ha.

Ngoài diện tích 3ha với hơn 1.000 cây mắc ca, gia đình chị còn đầu tư 1ha để đào ao nuôi cá diêu hồng, trồng những loại cây ăn trái như: bơ, mít, mãng cầu, dừa xiêm, cam, ổi… góp phần tăng doanh thu lên khoảng 200 triệu đồng/năm. “Hành trình hơn 4 năm ròng rã, vợ chồng tôi nhiều đêm lo lắng đến mất ngủ bởi nếu mắc ca không cho trái thì mọi nỗ lực sẽ thành con số 0. Đến năm thứ 4, khi mắc ca lần đầu ra hoa, đậu trái rồi cho thu hoạch lứa đầu, vợ chồng tôi đã khóc vì vui mừng”, chị Hạnh chia sẻ.

Xây dựng thương hiệu “Nông sản Bảo Hân”

Với vai trò là chủ tịch hội phụ nữ xã và có nhiều kinh nghiệm trồng mắc ca, chị Hạnh đã đứng ra vận động, khuyến khích nhiều chị em hội viên cùng làm theo, nhân rộng diện tích trồng cây mắc ca để đẩy mạnh phong trào phụ nữ giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi, tích cực góp phần xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đó, gia đình chị Hạnh còn chủ động đầu tư máy móc và đứng ra thu mua nông sản để thực hiện các biện pháp sấy khô, đóng gói sản phẩm giúp người dân tiêu thụ nông sản thuận lợi. “Nông sản Bảo Hân” là nhãn hiệu được vợ chồng chị Hạnh chọn để đặt cho các sản phẩm nông sản mà gia đình chị thu mua, đóng gói như: hạt mắc ca sấy khô, muối ớt, chuối, rượu, mật ong…

Giờ đây, không chỉ đem giống về hướng dẫn kỹ thuật trồng và cam kết thu mua sản phẩm đầu ra cho hội viên, mô hình của chị Hạnh còn là nơi để bà con trong xã đến tham quan, học hỏi. Ông Lê Quốc Nam, Bí thư chi bộ, Trưởng thôn Vân Hòa, cho hay: Thấy được lợi ích từ việc trồng mắc ca nên qua các cuộc họp ở thôn, chúng tôi đều lồng ghép triển khai và được bà con hưởng ứng, tham gia rất nhiều.

Gia đình chị Nguyễn Thị Mỹ Hậu ở thôn Vân Hòa thuộc diện hộ nghèo, quanh năm chỉ sống dựa vào cây bắp, cây sắn, nhưng nhờ được sự tận tâm hướng dẫn, giúp đỡ cây giống từ chị Hạnh, chị Hậu đã chuyển đổi mô hình kinh tế sang cây trồng mới, cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao. “Chị Hạnh hướng dẫn thì mình làm theo các bước và có nhận ít cây giống mắc ca về trồng. Nhờ phù hợp khí hậu, thổ nhưỡng nơi đây nên cây phát triển khá tốt. Chị Hạnh còn hứa là khi cây cho trái, chị sẽ thu mua để tiêu thụ giúp, nên tôi và chị em trong thôn rất yên tâm khi tham gia mô hình này”, chị Hậu nói.

Nói về triển vọng của cây mắc ca, ông Đào Đức Hải, Chủ tịch UBND xã Sơn Long cho biết: “Mắc ca là loại cây trồng mới, mang lại hiệu quả kinh tế vượt trội. Trên địa bàn xã đã có 46 hộ phát triển cây trồng này với diện tích hơn 50ha. Sau một thời gian theo dõi, nhận thấy cây mắc ca phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng địa phương, xã sẽ nghiên cứu, lồng ghép các chương trình, chính sách phát triển sản xuất để khuyến khích, hỗ trợ bà con nhân rộng mô hình này theo hướng liên kết chuỗi giá trị, áp dụng quy trình chăm sóc thân thiện với môi trường nhằm đa dạng hóa hệ sinh thái cây trồng và nâng cao thu nhập. Riêng nông sản mắc ca Bảo Hân của gia đình chị Hạnh đang được đề xuất làm hồ sơ công nhận sản phẩm OCOP theo chương trình Mỗi xã một sản phẩm.

Với những điều kiện sẵn có như nhà sàn, ao cá, cảnh quan thiên nhiên thân thiện với môi trường…, vợ chồng chị Hạnh còn đang hướng tới xây dựng nông trại du lịch trải nghiệm trên chính mảnh vườn nhà mình.

NGỌC HÂN - VŨ HOÀNG

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/82/272122/nguoi-tien-phong-dua-mac-ca-bam-re-tren-dat-son-long.html