Nhà hát Ca múa nhạc tổng hợp Đam San: Nâng cao chất lượng hoạt động văn hóa cơ sở

Không chỉ chăm chút cho hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp, Nhà hát Ca múa nhạc tổng hợp Đam San (tỉnh Gia Lai) còn chú trọng đến chất lượng hoạt động văn hóa ở cơ sở, góp phần nâng cao đời sống tinh thần của người dân.

Một chuyến về làng

Dù 19 giờ 30 phút ngày 12-1 mới bắt đầu buổi diễn tại thị trấn Ia Kha (huyện Ia Grai) nhưng mới 14 giờ 30 phút, Đội tuyên truyền văn hóa cơ sở thuộc Nhà hát Ca múa nhạc tổng hợp Đam San đã lên đường bởi những phần việc cần phải chuẩn bị khá nhiều. Sau khi chở diễn viên đến địa điểm biểu diễn là nhà sinh hoạt cộng đồng làng Yam (thị trấn Ia Kha), chiếc xe chuyên dụng được bung ra thành một sân khấu lưu động; phần đầu xe trở thành nơi thay trang phục. Âm thanh, ánh sáng nhanh chóng được bố trí.

Nghe nói có chương trình văn nghệ, người dân làng Yam đã tập trung kín khoảnh sân trước nhà sinh hoạt cộng đồng. Đêm xuống, cái lạnh vùng biên mỗi lúc một se sắt nhưng khán giả vẫn háo hức đến xem, không quên mang theo… chăn ấm để chống rét! Do vậy, Đội quyết định đẩy giờ diễn lên sớm hơn 30 phút so với dự định.

Mở đầu chương trình là phần tuyên truyền miệng, trực quan về Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông. Tiếp đến là các tiết mục ca múa mang đậm sắc xuân như: “Tuổi xuân dâng Đảng”, “Tình ca mùa xuân”, “Chúc Tết mọi nhà”, “Về nhà đón Tết”, “Xuân ơi ở lại chơi”… đã nhận được sự cổ vũ nhiệt tình của hàng trăm khán giả. Mặc cho nhiệt độ xuống còn 12-13 độ C, các diễn viên vẫn biểu diễn hết mình trên sân khấu.

Một tiết mục trong chương trình văn nghệ của Đội tuyên truyền văn hóa cơ sở (Nhà hát Ca múa nhạc tổng hợp Đam San). Ảnh: Lam Nguyên

Một tiết mục trong chương trình văn nghệ của Đội tuyên truyền văn hóa cơ sở (Nhà hát Ca múa nhạc tổng hợp Đam San). Ảnh: Lam Nguyên

Tiếp đến, tiết mục “đinh” của chương trình là phần kịch lồng ghép thông tin an toàn giao thông với phần biểu diễn của các diễn viên: Đức Cường, Công Lý, Minh Quyên, Trần Quý. Bằng sự hoạt ngôn, tung hứng linh hoạt của diễn viên và nhiều tình huống hài hước, tiết mục đã được tưởng thưởng bằng những tiếng cười vui thích và tràng pháo tay giòn giã của khán giả.

Trưởng thôn Puih Hông gật gù: “Phần kịch rất ý nghĩa, nhiều thông tin bổ ích. Con trai đầu của mình năm nay 18 tuổi, mình sẽ nhắc con nghiêm túc chấp hành Luật Giao thông Đường bộ khi tham gia giao thông. Mong là sẽ có thêm nhiều chương trình như thế này để nâng cao kiến thức pháp luật cho bà con ở đây”.

Khép lại 13 tiết mục của chương trình, khi MC thông báo buổi diễn kết thúc, nhiều khán giả vẫn tỏ ra tiếc nuối. Dẫn theo 4 đứa cháu đến xem, tất nhiên không thể thiếu chiếc chăn giữ ấm, bà Hlúp nhắn nhủ: “Mình tưởng chưa hết chứ. Hôm sau đoàn đến hát tiếp nhé!”.

Nâng cao chất lượng hoạt động văn hóa cơ sở

Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Ngọc Long-Phó Giám đốc phụ trách Nhà hát ca múa nhạc tổng hợp Đam San-cho biết: Nhà hát hiện có 2 đội lưu động biểu diễn ở cơ sở, gồm Đội nghệ thuật chuyên nghiệp và Đội tuyên truyền văn hóa cơ sở. Mỗi đội đều có định mức biểu diễn mỗi năm 100 buổi ở cơ sở và 30 buổi đột xuất.

Không đi sâu vào nghệ thuật chuyên nghiệp, Đội tuyên truyền văn hóa cơ sở nặng về tính tuyên truyền hơn. Lấy các tiết mục ca múa, kịch làm “điểm tựa”, hoạt động của Đội tuyên truyền lưu động ngày càng đổi mới, phong phú khi từ năm 2020 phối hợp với Công an tỉnh tuyên truyền về Nghị định số 100; phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tuyên truyền về dịch Covid-19 và bệnh bạch hầu, sốt xuất huyết; phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh tuyên truyền về an ninh biên giới. Trong khi đó, các tiết mục của Đội nghệ thuật chuyên nghiệp cũng không ngừng được nâng cao về chất, trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân.

Kịch thông tin "An toàn giao thông" được nhiều khán giả hưởng ứng nhiệt tình. Ảnh: Lam Nguyên

Kịch thông tin "An toàn giao thông" được nhiều khán giả hưởng ứng nhiệt tình. Ảnh: Lam Nguyên

Ông Nguyễn Ngọc Long cũng không quên nhắc đến mảng sưu tầm, phục dựng của Phòng Văn hóa-Văn nghệ quần chúng. Thời gian qua, đơn vị đã phối hợp, hỗ trợ một số địa phương trong tỉnh phục dựng các nghi lễ truyền thống của đồng bào bản địa như: lễ cầu mưa, lễ cúng bến nước… Chính quyền địa phương thấy được ý nghĩa của hoạt động này nên đã chủ động vào cuộc. Đơn cử, ngày 25-12-2020, UBND xã Ia Kdăm (huyện Ia Pa) đã phục dựng thành công lễ cúng bến nước của đồng bào Jrai trên địa bàn.

Nói về mục tiêu tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động văn hóa ở cơ sở, Phó Giám đốc phụ trách Nhà hát Ca múa nhạc tổng hợp Đam San cho hay: Năm 2021, Nhà hát sẽ tiếp tục phát huy các nội dung đã triển khai hiệu quả; phối hợp Sở Nông nghiệp và PTNT tuyên truyền những nội dung liên quan đến chuyển đổi cây trồng vật nuôi, nâng cao chuỗi giá trị sản xuất, cách làm hay, mô hình hiệu quả…

“Vừa qua, Nhà hát có thêm 10 nhân viên hợp đồng chính thức vào biên chế, trong đó có 4 ca sĩ, 5 diễn viên múa và 1 người phụ trách kỹ thuật âm thanh. Đây chính là điều kiện giúp đội ngũ diễn viên Nhà hát thêm gắn bó, nhiệt tình với công việc, từ đó nâng cao chất lượng chuyên môn, trong đó có hoạt động ở cơ sở”-ông Long cho biết thêm.

LAM NGUYÊN

Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/742/202101/nha-hat-ca-mua-nhac-tong-hop-dam-san-nang-cao-chat-luong-hoat-dong-van-hoa-co-so-5718858/