Nhà sử học Dương Trung Quốc: 'Chia sẻ ký ức là cách tốt nhất để phát huy giá trị của di sản'

Chia sẻ tại tọa đàm 'Chia sẻ ký ức - phát huy di sản', Nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng chia sẻ ký ức sẽ là cách tốt nhất để phát huy giá trị của di sản, nâng cao trách nhiệm của mỗi người trong việc phát huy di sản.

Ngày 24/2, Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước tổ chức buổi Tọa đàm với chủ đề: “Chia sẻ ký ức - Phát huy di sản” nhằm đánh giá thực trạng, chia sẻ kinh nghiệm trong hoạt động phát huy giá trị di sản, đồng thời, nâng cao nhận thức của cộng đồng, phát động các phong trào hiến tặng, chia sẻ tài liệu nói chung trong xã hội.

Tại buổi tọa đàm, bà Trần Thị Mai Hương - Giám đốc Trung tâm Lưu trữ quốc gia I cho biết: "Phát huy giá trị tài liệu là nhiệm vụ đặc biệt của Trung tâm Lưu trữ quốc gia I. Chính vì vậy, trong nhiều năm qua, bằng nhiều hình thức khác nhau, Trung tâm đã đưa di sản tài liệu lưu trữ đến với đông đảo công chúng trong và ngoài nước để lan tỏa giá trị đến với đời sống xã hội. Trung tâm đã chủ động chia sẻ thông tin tài liệu lưu trữ thông qua các bài viết, các ấn phẩm, các cuộc triển lãm. Đồng thời, Trung tâm cũng nhận được sự hưởng ứng đóng góp tư liệu của nhiều cá nhân để các hoạt động phát huy giá trị di sản ngày càng hiệu quả".

 Bà Trần Thị Mai Hương chia sẻ tại Tọa đàm.

Bà Trần Thị Mai Hương chia sẻ tại Tọa đàm.

Với đặc thù tài liệu cổ bằng tiếng Pháp, Hán Nôm, người quan tâm tài liệu lưu trữ gặp không ít khó khăn về rào cản ngôn ngữ, nhưng bằng nhiều cách khác nhau, Trung tâm đã đưa tài liệu đến gần hơn với công chúng, được công chúng đón nhận. Người yêu lưu trữ khắp nơi cũng đến với Trung tâm, chia sẻ tài liệu tư liệu quý và tin tưởng gửi gắm “những đứa con tinh thần” vào Trung tâm, điển hình như triển lãm “Cầu Long Biên - Chứng nhân lịch sử” vừa qua, Trung tâm đã dành một không gian triển lãm cho ký ức của các cá nhân với cây cầu và đó cũng chính là một phần quan trọng làm nên thành công của triển lãm.

Cũng tại buổi tọa đàm, Nhà sử học Dương Trung Quốc cho biết: "Chia sẻ là cách bảo tồn bền vững nhất" và "Chia sẻ là tích hợp. Tích hợp để trở thành tài sản chung phục vụ cộng đồng". Ông cũng đề nghị, nên coi tài liệu lưu trữ không chỉ là di sản mà còn là "tài sản" vì tài sản còn sinh sôi nảy nở, không đơn thuần chỉ là lưu giữ.

Tại tọa đàm, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế Hoàng Việt Trung cho biết: "Trong suốt quá trình làm việc, tôi nhận thấy lưu trữ các các tài liệu, tư liệu rất quan trọng đối với Nhà nước, nhà nghiên cứu và cộng đồng. Nhưng quá trình sưu tầm hiện nay còn rất khó khăn, khi sưu tầm được một tài liệu cần phải qua nhiều lần sửa chữa mới có thể đưa thông tin đến với công chúng, đối với sưu tầm ảnh càng khó khăn hơn, phải đi tìm và xin từng bức ảnh. Chính vì thế, tôi hy vọng tất cả mọi người với tinh thần quý trọng lịch sử sẽ kết nối với nhau để chia sẻ nhiều hơn các di sản dữ liệu".

Ngoài ra, Giám đốc Trung tâm Hoạt động VHKH Văn Miếu - Quốc Tử Giám TS. Lê Xuân Kiêu chia sẻ: "Trong thời gian vừa qua, tôi cảm thấy rất vui khi đến với Văn Miếu - Quốc Tử Giám, du khách không chỉ đến tham quan di tích mà còn mong muốn được tiếp nhận các thông tin về lịch sử. Nhưng để truyền tải thông tin một cách mới mẻ đến với công chúng, tôi nghĩ vai trò của công nghệ rất quan trọng. Bởi công nghệ giúp chúng ta truyền tải thông tin rộng rãi hơn, giúp du khách có những trải nghiệm mới, thú vị hơn về các di sản. Từ đó, góp phần quảng bá hình ảnh của Việt Nam ra thế giới và công chúng, đặc biệt các bạn trẻ sẽ có ý thức bảo vệ và phát huy di sản".

Đồng thời, ông Phạm Định Phong - Phó Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhấn mạnh: "Tư liệu, tài liệu đang được lưu trữ là tài sản của quốc gia, chúng ta không hạn chế khi chia sẻ với nhau. Ngày 16/1/2023 Thủ tướng Chính phủ đã kí Nghị định số 01/2023/NĐ-CP về quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Trong đó, có chức năng quản lý di sản dữ liệu, đây là cơ sở hết sức quan trọng đối với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong việc triển khai các hoạt động liên quan đến bảo vệ khối di sản dữ liệu quốc gia.

Cùng với Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước, là hai cơ quan quản lý Nhà nước trực tiếp liên quan đến tài liệu lưu trữ, di sản dữ liệu, chúng tôi sẽ có định hướng chỉ đạo các cơ quan trên cả nước, có hoạt động phối hợp khai thác sử dụng hiệu quả nhất đối với tài liệu đang lưu trữ thông qua các hoạt động như: trưng bày chuyên đề, giới thiệu các danh mục tài liệu lưu trữ… để thu hút sự tham gia của cộng đồng và tổ chức cá nhân trên cả nước".

 Toàn cảnh tọa đàm “Chia sẻ ký ức - Phát huy di sản”.

Toàn cảnh tọa đàm “Chia sẻ ký ức - Phát huy di sản”.

 Nhà sử học Dương Trung Quốc chia sẻ tại buổi tọa đàm sáng 24/2.

Nhà sử học Dương Trung Quốc chia sẻ tại buổi tọa đàm sáng 24/2.

 Lãnh đạo, khách mời tham dự chụp ảnh lưu niệm sau buổi tọa đàm.

Lãnh đạo, khách mời tham dự chụp ảnh lưu niệm sau buổi tọa đàm.

Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, việc chia sẻ kí ức dưới nhiều hình thức đã trở thành một xu hướng cũng như nhu cầu tất yếu của xã hội. Các cá nhân và tổ chức chủ động chia sẻ thông tin phục vụ cho đông đảo công chúng sẽ tạo cơ hội cho di sản hội tụ và phát huy giá trị tốt nhất. Đặc biệt, đối với thế hệ trẻ, chia sẻ và phát huy di sản góp phần giáo dục tình yêu di sản, là tiền đề cho việc giáo dục tình yêu quê hương, đất nước.

Buổi tọa đàm còn thu hút được đông đảo người quan tâm trao đổi xung quanh các vấn đề: Kinh nghiệm chia sẻ ký ức qua triển lãm Cầu Long Biên - Chứng nhân lịch sử; Thực trạng việc chia sẻ tài liệu của các cá nhân (sở hữu hoặc sưu tầm) với các cơ quan Lưu trữ hiện nay; Đánh giá và chia sẻ kinh nghiệm của các đơn vị, cá nhân; Nâng cao ý thức phát huy giá trị di sản trong cộng đồng; Các hình thức chia sẻ tài liệu, quy định pháp luật, vấn đề bản quyền; Kinh nghiệm của các đơn vị, cá nhân sưu tầm và phát huy giá trị tài liệu lưu trữ; Đề xuất giải pháp và phương hướng trong thời gian tới.

Đình Trung

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/nha-su-hoc-duong-trung-quoc-chia-se-ky-uc-la-cach-tot-nhat-de-phat-huy-gia-tri-cua-di-san-post236805.html